Châu Âu cần chuẩn bị đối phó với các cuộc khủng hoảng mới

08:05, 12/05/2020

“Liên minh châu Âu (EU) cần rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng COVID-19 và thiết lập các chính sách rõ ràng để đối phó với các tình huống khủng hoảng khác nhau có thể xảy ra trong tương lai”. Đây là nhận định của bà Jutta Urpilainen, Ủy viên châu Âu phụ trách về hợp tác quốc tế khi nói về cách mà các nước EU có thể hướng tới để chuẩn bị cho những cuộc khủng hoảng tương tự.

Một số doanh nghiệp nhỏ ở Tây Ban Nha bắt đầu hoạt động trở lại sau khi nước này nới lỏng các biện pháp phong tỏa.  Ảnh: Getty Images
Một số doanh nghiệp nhỏ ở Tây Ban Nha bắt đầu hoạt động trở lại sau khi nước này nới lỏng các biện pháp phong tỏa. Ảnh: Getty Images

Theo Tân Hoa xã, chia sẻ trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình quốc gia Phần Lan Yle, bà Jutta Urpilainen cho biết, dù đã theo dõi chặt chẽ diễn biến của dịch COVID-19, nhưng EU vẫn không khỏi bất ngờ trước tốc độ cũng như mức độ lây lan của đại dịch nguy hiểm này. Ủy viên châu Âu phụ trách về hợp tác quốc tế cũng đánh giá rằng, bất chấp yêu cầu giúp đỡ từ Italy-quốc gia đầu tiên bị tấn công bởi virus SARS-CoV-2, các quốc gia EU đã không thể giúp Italy một cách đầy đủ vì đều phải tập trung vào những vấn đề tại nước mình.

“Tình hình cho thấy rõ rằng EU không có một khuôn khổ xử lý khủng hoảng để đối phó với đại dịch”, bà Jutta Urpilainen khẳng định.

Bên cạnh đó, quan chức này cũng cho rằng một khi cuộc khủng hoảng COVID-19 tại châu Âu nằm trong tầm kiểm soát, EU nên xem xét kỹ lưỡng những gì đã xảy ra và rút ra những bài học từ đó. Cụ thể, EU cần phải khôn ngoan hơn và xây dựng những mô hình, quy định cũng như sự hợp tác rõ ràng trong cách phối hợp làm việc cùng nhau, bởi khu vực này chắc chắn sẽ phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng khác trong tương lai.

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell mới đây đã lên tiếng kêu gọi khối này cần tăng tính “tự chủ chiến lược” trong các chuỗi dây chuyền cung ứng vật tư y tế sau đại dịch COVID-19.

Theo nhận định của giới phân tích, đại dịch COVID-19 đã cho thấy sự phân tán của 27 quốc gia thành viên EU trong cuộc chiến với dịch bệnh, mà điều này phần nào được thể hiện qua sự chênh lệch lớn về số ca tử vong của các nước. Các quốc gia đưa ra phản ứng sớm, như: Đan Mạch, Hy Lạp hiện đã kiểm soát tình hình tốt hơn so với hai quốc gia “chậm chân” trong cách đối phó với đại dịch là Italy và Tây Ban Nha.

Trong một động thái lớn nhằm khôi phục nền kinh tế của châu Âu, cách đây ít ngày, các bộ trưởng của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã chính thức thông qua số tiền lên tới 240 tỷ euro để hỗ trợ các quốc gia trong khu vực đang gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Được biết, vào tháng trước, lãnh đạo các nước EU cũng đồng ý thiết lập một quỹ phục hồi kinh tế sau đại dịch với trị giá dự kiến lên tới hơn 1.000 tỷ euro. Tuy nhiên, hiện hầu hết các chi tiết của thỏa thuận này vẫn chưa được thống nhất.

Bên cạnh đó, Ủy ban châu Âu (EC) mới đây khẳng định sẽ ủng hộ việc tiếp tục hạn chế nhập cảnh vào các quốc gia thuộc EU trong 30 ngày nữa, tức đến giữa tháng 6, nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Dẫu vậy, biện pháp này được đánh giá là sẽ gây thiệt hại lớn về thương mại và du lịch cho cả khu vực.

Hiện, châu Âu đang trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, đặc biệt là về kinh tế, do những hậu quả mà đại dịch COVID-19 để lại. Theo Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde, đại dịch lần này có thể khiến sản lượng kinh tế của Eurozone bị giảm từ 5% đến 15% và năm 2020 cũng được dự báo là năm tồi tệ nhất kể từ khi đồng tiền chung euro được đưa vào sử dụng năm 1999./.

Theo QĐND

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com