Kinh tế thế giới tăng trưởng "bấp bênh"

08:08, 03/08/2019

Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) vừa điều chỉnh dự báo tăng trưởng toàn cầu, vốn đang ở mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn 2008 - 2009. Trong đó, IMF nhận định, khả năng phục hồi tăng trưởng kinh tế trong năm nay “khá bấp bênh”, khi thế giới phải giải quyết sự khác biệt, thậm chí xung đột về chính sách thương mại giữa các nước.

Trong tài liệu cập nhật hằng quý của báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu” vừa công bố, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019 và năm 2020 lần lượt xuống còn 3,2% và 3,5%, thấp hơn 0,1% so mức dự đoán trước đó. Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chậm, cùng việc lạm phát chỉ giảm nhẹ cho thấy các hoạt động kinh tế toàn cầu yếu hơn dự đoán. Đầu tư và nhu cầu về các mặt hàng tiêu dùng tại các nền kinh tế phát triển và mới nổi có xu hướng giảm, khi các công ty và hộ gia đình tiếp tục hạn chế các khoản chi tiêu dài hạn trong bối cảnh bất ổn chính sách gia tăng. Điều này khiến cho thương mại toàn cầu, nhất là trong các lĩnh vực chuyên sâu về máy móc và hàng tiêu dùng tăng trưởng một cách “uể oải”. Căng thẳng thương mại và công nghệ gây ra các yếu tố tâm lý và khiến dòng vốn đầu tư chảy chậm hơn; “quan ngại về rủi ro” kéo dài làm lộ ra các lỗ hổng tài chính tích lũy sau nhiều năm lãi suất duy trì mức thấp…

Một phiên giao dịch tại sàn chứng khoán Niu Oóc của Mỹ. Ảnh: Reuters
Một phiên giao dịch tại sàn chứng khoán Niu Oóc của Mỹ. Ảnh: Reuters

Cũng theo tổ chức giám sát hệ thống tài chính toàn cầu này, đã có những diễn biến bất ngờ mang tính tích cực đối với tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển, còn ở các thị trường mới nổi và đang phát triển tăng trưởng lại thấp hơn kỳ vọng. IMF nâng dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm 2019 thêm 0,3%, lên mức 2,6%. Tuy nhiên, dù Mỹ có được động lực nhờ xuất khẩu và tích lũy hàng hóa, song nhu cầu trong nước phần nào giảm, nhập khẩu cũng yếu hơn do tác động của chính sách thuế quan, có thể khiến kinh tế Mỹ giảm tốc. Do vậy, IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2020 còn 1,9%. Trong khi đó, IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, vốn bị ảnh hưởng đáng kể do tranh cãi thương mại với Mỹ, còn 6,2% trong năm 2019 và 6% trong năm tiếp theo.

Tăng trưởng kinh tế Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) được dự đoán ở mức 1,3% trong năm 2019 và 1,6% năm 2020, lần lượt cao hơn so các mức 1,2% và 1,5% dự báo trước đó. Các thị trường mới nổi và nhóm nền kinh tế đang phát triển ở châu Á dự kiến sẽ tăng trưởng 6,2% trong năm 2019. Dự báo này thấp hơn so với con số đưa ra trước đó, do các tác động của thuế quan đối với thương mại và đầu tư ở khu vực này. Ở khu vực Mỹ la-tinh, các hoạt động kinh tế chậm lại một cách đáng chú ý vào đầu năm 2019 tại một số nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực này dự kiến sẽ tăng 0,6% trong năm nay và phục hồi lên 2,3% vào năm 2020.

Theo các chuyên gia kinh tế, các chính sách đa phương và trong nước của các quốc gia là yếu tố quan trọng tạo nên tăng trưởng toàn cầu dựa trên một nền tảng vững chắc hơn. Những vấn đề cấp thiết cần giải quyết đó là giảm căng thẳng thương mại và cạnh tranh công nghệ, giải tỏa quan ngại chung quanh tính thiếu chắc chắn liên quan các hiệp định thương mại. Chính sách tài khóa cần bảo đảm cân bằng giữa nhiều mục tiêu, gồm cả việc thúc đẩy các nhu cầu, bảo vệ các cộng đồng yếm thế, củng cố tiềm năng tăng trưởng thông qua các khoản chi hỗ trợ cải cách cơ cấu và bảo đảm tính bền vững của tài chính công trong trung hạn.

Xung đột thương mại và công nghệ chưa được giải quyết triệt để, căng thẳng địa chính trị đẩy giá năng lượng lên cao, “những chính sách sai lầm” về thương mại, bất ổn chung quanh việc Anh rời Liên hiệp châu Âu… đó là những yếu tố được IMF cảnh báo có thể thành “lực cản” của nền kinh tế thế giới thời gian tới. Các quốc gia không nên sử dụng thuế quan vào mục đích cân bằng thương mại song phương, hoặc gây áp lực thay thế đối thoại nhằm buộc các đối tác cải cách.

Theo nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com