Liên hợp quốc cam kết huy động mọi nguồn lực dập tắt dịch Ebola

08:05, 10/05/2019

Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc dẫn thông cáo báo chí của người phát ngôn Farhan Haq nêu rõ Tổng thư ký Guterres cam kết với cách tiếp cận mở trong vấn đề này thông qua đầu mối tập trung là Liên hợp quốc ở Thủ đô Kinshasa (nơi Liên hợp quốc có đại diện đặc biệt) và ở những khu vực khác (nơi Tổ chức Y tế Thế giới - WHO -  đảm nhận trách nhiệm ứng phó chính).

Cũng theo ông Farhan Haq, cả Liên hợp quốc và WHO đang duy trì liên lạc chặt chẽ với lãnh đạo Congo ở Kinshasa và khu vực phía Đông đất nước này.

Các bác sĩ làm việc tại một trung tâm y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus Ebola tại Bunia, CHDC Congo. Ảnh: AFP/TTXVN
Các bác sĩ làm việc tại một trung tâm y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus Ebola tại Bunia, CHDC Congo. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh đến sự can dự toàn diện của người dân địa phương trong cuộc chiến này, coi đây là “chìa khóa” giúp kiểm soát thành công dịch bệnh. Ông đồng thời hối thúc các lãnh đạo Cộng hòa Dân chủ Congo hợp tác với các bên và các cộng đồng để xử lý nạn dịch. Đối với các nước thành viên Liên hợp quốc và các tổ chức đối tác, Tổng thư ký kêu gọi bảo đảm cung cấp đủ nguồn lực cho các đầu mối để dịch Ebola sớm bị đẩy lùi.

Dịch Ebola hoành hành tại Cộng hòa Dân chủ Congo trong 10 tháng qua và đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người. Tâm dịch ở tỉnh Bắc Kivu và khu vực lân cận tỉnh Ituri. Đây là được đánh giá là đợt dịch Ebola nghiêm trọng thứ hai trên toàn cầu, sau đại dịch hồi năm 2014-2016 cướp đi sinh mạng của hơn 11.300 người ở Tây Phi.

FAO: Trên 50 triệu người suy dinh dưỡng ở Trung Đông và Bắc Phi

Ngày 8-5, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết trên 50 triệu người ở Trung Đông và Bắc Phi (MENA) đang bị suy dinh dưỡng. Hầu hết trong số này ở các quốc gia có xung đột và con số vẫn đang tiếp tục tăng.

Phóng viên TTXVN tại Bắc Phi dẫn thông báo của FAO nhấn mạnh do xung đột kéo dài và khủng hoảng ngày càng trầm trọng kể từ năm 2011 đến nay nên đã làm suy yếu các nỗ lực đạt được Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu xóa đói. Cụ thể, nạn đói vẫn đang gia tăng ở Trung Đông và Bắc Phi, nơi có hơn 52 triệu người trong tình trạng thiếu dinh dưỡng. Năm quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất gồm Iraq, Libya, Sudan, Syria và Yemen. 

Tại Yemen, cuộc chiến kéo dài hơn 4 năm qua đã giết chết hàng chục nghìn người, bao gồm nhiều thường dân. Hơn 2/3 trong số khoảng 24 triệu dân ở nước này đang cần được hỗ trợ khẩn cấp, tạo thành cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới trong nhiều năm trở lại đây.

Theo ông Abdessalam Ould Ahmed, đại diện FAO ở khu vực MENA, xung đột đã làm gián đoạn sản xuất lương thực và chăn nuôi ở một số quốc gia, qua đó gây ảnh hưởng đến dự trữ thực phẩm trong khu vực. Ngoài các cuộc xung đột, sự gia tăng dân số nhanh, thiếu hụt tài nguyên thiên nhiên, đe dọa của biến đổi khí hậu, thất nghiệp gia tăng và hạn chế dịch vụ cũng như cơ sở hạ tầng ở nông thôn… là nguyên nhân dẫn đến tình trạng duy dinh dưỡng cao ở khu vực này.

Đối mặt với cuộc khủng hoảng hiện nay, FAO kêu gọi tạo điều kiện cho việc chuyển đổi từ canh tác sinh kế sang tăng cường các hệ thống sản xuất đa dạng và mang tính thương mại hơn. FAO cũng kêu gọi các quốc gia trong khu vực cải thiện tiếp cận thị trường cho nông dân, thúc đẩy đầu tư và đổi mới trong nông nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước./.

Theo baotintuc.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com