Liban lên án Israel tấn công Syria gây bất ổn trong khu vực

05:12, 28/12/2018

Ngày 26-12, Bộ Ngoại giao Liban đã lên án các vụ tấn công của Israel nhằm vào Syria được thực hiện từ không phận Liban và phía Liban ủng hộ quyền bảo vệ chủ quyền quốc gia của Syria.

Trong một tuyên bố, bộ trên cho biết Ngoại trưởng Liban Gebran Bassil đã yêu cầu đại sứ nước này tại Liên hợp quốc gửi đơn khiếu nại tới Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để phản đối “những hành động vi phạm nguy hiểm của Israel đe dọa đến sự ổn định của khu vực”. Tuyên bố cũng khẳng định vụ tấn công của Israel gây nguy hiểm cho các hoạt động hàng không thương mại, có thể dẫn đến một thảm họa về hàng không dân sự.

Cùng ngày, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã khen ngợi lực lượng không quân nước này sau vụ tấn công nhằm vào Syria. Ông Netanyahu khẳng định Israel sẽ không cho phép Iran thiết lập sự hiện diện quân sự lâu dài ở Syria.

Nhật Bản nối lại hoạt động đánh bắt cá voi thương mại

Theo tin từ Chính phủ Nhật Bản, nước này đã quyết định rút khỏi Ủy ban Ðánh bắt Cá voi Quốc tế (IWC) vào năm 2019, nối lại hoạt động đánh bắt thương mại từ tháng 7 năm sau, lần đầu tiên sau khoảng 3 thập niên. Theo quy định của IWC, Nhật Bản sẽ chính thức ra khỏi tổ chức này vào ngày 30-6-2019, sau khi đưa ra thông báo vào ngày 1-1-2019. Sau khi rút khỏi IWC, Nhật Bản sẽ cho phép đánh bắt cá voi ở các vùng biển gần nước này và thuộc vùng đặc quyền kinh tế, nhưng không cho phép khai thác ở Nam Cực, bởi đây là khu vực phục vụ nghiên cứu khoa học.

Thông báo trên được đưa ra nhiều tháng sau khi Nhật Bản tuyên bố sẽ ra khỏi IWC, một tổ chức quốc tế mà lâu nay vẫn tồn tại bất đồng sâu sắc giữa các nước ủng hộ và phản đối việc đánh bắt cá voi. Tại cuộc họp thường niên của IWC vào tháng 9 ở Brazil, đề nghị của Nhật Bản về việc nối lại hoạt động đánh bắt thương mại đã bị bác bỏ. Tuy nhiên, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, sau khi rút khỏi, nước này sẽ vẫn đóng góp vào việc bảo tồn các nguồn tài nguyên biển khi tham gia vào IWC với tư cách quan sát viên và đánh bắt cá voi trong giới hạn cho phép theo cách tính toán của tổ chức này. Trong 30 năm qua, Nhật Bản đã tiến hành vận động cho việc nối lại hoạt động đánh bắt thương mại đối với các giống cá voi tương đối dồi dào như cá voi nhỏ thân màu xám trắng, trong khi vẫn là thành viên của IWC, nhưng nỗ lực này luôn vấp phải trở ngại đến từ những nước phản đối việc đánh bắt loài cá này như Australia và New Zealand.

Mỹ - Trung lên kế hoạch đàm phán thương mại vào đầu tháng 1-2019

Ngày 26-12, hãng tin Bloomberg dẫn hai nguồn thạo tin cho biết phái đoàn Mỹ, trong đó có Thứ trưởng Tài chính phụ trách các vấn đề quốc tế David Malpass, sẽ do Phó Ðại diện thương mại Mỹ Jeffrey Gerrish dẫn đầu. Giới chức hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang xúc tiến các cuộc thương lượng để từng bước có thể hóa giải những căng thẳng trong vấn đề thương mại. Trước đó, ngày 21-12, giới chức thương mại hai nước đã tiến hành cuộc điện đàm cấp thứ trưởng, trao đổi quan điểm về một số vấn đề như cán cân thương mại, tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, đây là lần thứ hai trong vòng một tuần, Bắc Kinh và Washington tiến hành cuộc điện đàm thảo thuận về các vấn đề kinh tế và thương mại. Sau khi đạt được thỏa thuận đình chiến thương mại hồi đầu tháng này, các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã liên lạc chặt chẽ và dự kiến gặp nhau để đàm phán vào đầu năm tới tại Washington. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc nhận thấy khả năng các cuộc đàm phán thương mại sẽ thất bại. Chính vì sự thiếu chắc chắn này, các chuyên gia nhận định Trung Quốc cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất bằng cách bám sát lộ trình tăng cường cải cách kinh tế và mở cửa. Giám đốc Viện Phát triển xã hội thuộc Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Dương Nghi Dũng nhận định cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ một mặt gây ra một số khó khăn cho Trung Quốc, mặt khác sẽ giúp nước này tăng cường cải cách.

Ông Lâu Phong - chuyên gia Viện Nghiên cứu Kinh tế kỹ thuật và định lượng thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc -  cũng kêu gọi cải cách sâu rộng hơn nữa để thúc đẩy tạo ra sự biến đổi và nâng cấp hoạt động sản xuất./.

Theo baotintuc.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com