Khủng hoảng nhập cư

07:09, 06/09/2018
Cuộc khủng hoảng nhập cư từng làm chao đảo châu Âu suốt mấy năm qua đã tạm lắng xuống với số người di cư, tị nạn vào châu Âu giảm mạnh trong năm 2018. Tuy nhiên, “sóng ngầm” di cư vẫn đang diễn ra khi số người chết do cố gắng thâm nhập các nước Liên hiệp châu Âu (EU) bằng đường biển vẫn tăng mạnh. Trước thềm cuộc họp của EU về vấn đề người tị nạn, giới phân tích nhận định, di cư sẽ vẫn là một vấn đề lớn của châu Âu trong thời gian tới.

 

Cứu người di cư trên Ðịa Trung Hải. Ảnh: Reuters
Cứu người di cư trên Ðịa Trung Hải. Ảnh: Reuters

Số liệu thống kê mà Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) vừa công bố cho thấy làn sóng người nhập cư bất hợp pháp vào EU đã giảm. Trong bảy tháng đầu năm 2018, ước tính có hơn 58.000 người tị nạn vượt Địa Trung Hải vào châu Âu, ít hơn 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, thách thức lớn đang đặt ra là con đường vượt biển di cư nói trên vẫn đang là “con đường chết chóc” nhất hành tinh. Liên hợp quốc vừa cho biết, chỉ trong bảy tháng đầu năm nay, đã có gần 1.600 người chết trong hành trình vượt Địa Trung Hải vào EU. Theo thống kê, cứ 18 người thực hiện hành trình vào EU qua Địa Trung Hải, thì có một người thiệt mạng, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 1/42 người cùng kỳ năm ngoái. Người đứng đầu các chiến dịch của châu Âu trong UNHCR nhấn mạnh rằng: “Vấn đề đặt ra hiện nay không còn là có thể kiểm soát được lượng người di cư hay không, mà là liệu có thể tập trung nỗ lực nhân đạo để cứu thêm nhiều người hay không”.

Thách thức với EU còn là việc bảo đảm an ninh, an sinh xã hội và giải quyết vấn đề với những người di cư đã cập bến châu Âu. UNHCR tuần trước đã bày tỏ lo ngại về điều kiện sống ngày càng tồi tệ đi đối với người di cư tại Hy Lạp, nhất là những người ở trên đảo Lê-xbốt, nơi trung tâm tiếp nhận người di cư đã quá tải. Từ năm 2015, đảo Lê-xbốt đã trở thành điểm đến chính tại châu Âu của gần 1 triệu người Xy-ri, Áp-ga-ni-xtan và I-rắc, những người chiếm tới hơn 70% trong tổng số người di cư hiện đang ở Hy Lạp. UNHCR cho biết, tình hình rất căng thẳng tại trung tâm Mô-ri-a trên đảo Lê-xbốt, nơi có hơn 7.000 người xin tị nạn và người di cư bị nhồi nhét vào các khu nhà tạm trú vốn được xây dựng với sức chứa 2.000 người. Trong số những người đang trú ngụ tại Mô-ri-a, có những người đã ở đây từ hơn sáu tháng nay và 25% trong số này là trẻ em. Trước thực trạng nêu trên, UNHCR đã kêu gọi các nước EU cần giúp đỡ những “quốc gia trên tuyến đầu” như Hy Lạp, I-ta-li-a và Tây Ban Nha để giải quyết vấn đề người di cư.

Trong khi đó, vấn đề người nhập cư vẫn đang là “bài toán khó” mà trong một thời gian dài các quốc gia EU luôn bất đồng và chưa tìm được lời giải. EU từng phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người nhập cư cho các nước thành viên, nhưng đề xuất này đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của một số nước. Đại diện các nước EU hồi tháng 7 đã nhóm họp để thảo luận chi tiết kế hoạch xây dựng những trung tâm kiểm soát ở châu Âu, nơi tiếp nhận những người di cư trái phép được cứu trên Địa Trung Hải, qua đó hạn chế sự di chuyển của người di cư bên trong khối. EU cũng đã đề xuất hỗ trợ tài chính nhằm khuyến khích các nước thành viên tự nguyện tiếp nhận người di cư. Biện pháp này nhằm từng bước tháo gỡ “gánh nặng” tiếp nhận người di cư cho I-ta-li-a trong bối cảnh quốc gia thành viên này sau một thời gian dài tiếp nhận làn sóng người di cư từ châu Phi, đã siết chặt hoạt động tiếp nhận người di cư. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có một giải pháp tổng thể, hiệu quả nào giúp EU thoát khỏi cuộc khủng hoảng nhập cư đang ngày càng trầm trọng.

Tại cuộc họp ở thủ đô Viên (Áo) vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Áo M.Cu-na-xếch đã đề xuất huy động các lực lượng vũ trang của EU hỗ trợ lực lượng bảo vệ biên giới của khối trong việc ngăn chặn người nhập cư trái phép. Theo đó, cho phép sử dụng tài sản quân đội của các nước EU như các đơn vị y tế, binh sĩ và máy bay trực thăng, nếu cảnh sát bị quá tải trong việc ngăn chặn người nhập cư trái phép. Giới chức cảnh sát và dân sự có thể giám sát mọi hoạt động của các binh sĩ. Đề xuất nói trên được đưa ra trong bối cảnh liên minh cầm quyền tại Áo đang muốn kiểm soát chặt chẽ hơn biên giới trên biển và trên đất liền của EU.

Theo kế hoạch, các nhà lãnh đạo EU sẽ nhóm họp vào tháng 9 này tại thành phố Xan-bớc của Áo, nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, để thảo luận về cuộc khủng hoảng người di cư. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, trong bối cảnh làn sóng di cư vào châu Âu vẫn nghiêm trọng như hiện nay, những nỗ lực của EU cũng như đề xuất của Áo nêu trên là chưa đủ để chấm dứt cuộc khủng hoảng phức tạp và nhiều thương vong này. Các chuyên gia kinh tế đánh giá, vấn đề di cư vẫn là thách thức lớn nhất đối với EU trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy đang gia tăng và ngày càng nhiều chính trị gia theo đuổi chủ trương bài người nhập cư.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com