Đằng sau vai trò của I-ran trong khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh

08:07, 25/07/2017
I-ran đang tận dụng căng thẳng trong thế giới A-rập để “tiếp sức” cho ảnh hưởng chính trị, kinh tế của mình đối với Trung Đông. Đây là nhận định của nhà phân tích Vla-đi-mia Sa-din tại Viện nghiên cứu Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga với hãng tin Sputnik (Nga) về vai trò của I-ran trong cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh.
 
Đặc biệt, ông Sa-din cho rằng I-ran đang “chiến thắng trong cuộc chiến vì Ca-ta”.
 
A-rập Xê-út, Ai Cập, Ba-ranh, Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) và Y-ê-men đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ca-ta vào ngày 5-6 kèm cáo buộc rằng nước này hỗ trợ khủng bố. Sau đó, đã có một vài quốc gia khác “theo chân” những nước này cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ca-ta.
 
Ngoại trưởng Ca-ta Mô-ha-mét Bin Áp-đu-ra-man An Tha-ni ngày 21-7 tuyên bố rằng, Đô-ha sẵn sàng tham gia đối thoại cùng A-rập Xê-út, Ba-ranh, Ai Cập và UAE nếu 4 nước A-rập này “tôn trọng chủ quyền, ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Ca-ta đồng thời tuân thủ luật quốc tế”. Tuy nhiên, các quốc gia này dường như chưa sẵn sàng. Trong khi đó, ở thời điểm hiện tại Ca-ta nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các quốc gia khác, bao gồm I-ran. 
 
A-rập Xê-út, Ba-ranh, UAE và Ai Cập ngày 22-6 đã gửi Ca-ta danh sách 13 điểm mà nước này phải thực hiện để chấm dứt khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh. Trong đó bao gồm việc Ca-ta phải cắt quan hệ ngoại giao với I-ran, đóng căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ nước này... Vậy nhưng, Ca-ta dường như sẽ không nhún nhường thực hiện 13 yêu sách này.
Một góc Thủ đô Tê-hê-ran. Ảnh: AFP
Một góc Thủ đô Tê-hê-ran. Ảnh: AFP
Ông Sa-din nhấn mạnh rằng Ca-ta từ chối các yêu sách một phần do tự tin vào nguồn kinh tế đặc thù của nước này. “Bốn quốc gia A-rập đã thất bại và không thể khiến Ca-ta khuất phục sau cuộc tấn công trên nhiều mặt trận. Quốc gia nhỏ bé này đã từ chối yêu sách từ các đối thủ. Tuy nhiên, không có gì ngạc nhiên cả. Năm 2015, Quỹ tiền tệ quốc tế đã xếp Ca-ta là quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới”. 
 
“Ca-ta sở hữu 26,6 tấn vàng dự trữ. Quỹ dự phòng tài chính của nước này là 40 tỷ USD, bên cạnh đó là quỹ đầu tư nhà nước gồm 300 tỷ USD. Hơn nữa, Ca-ta có thặng dư ngân sách ổn định trong khoảng 40 tỷ USD. I-ran và Thổ Nhĩ Kỳ đã cùng giúp đỡ Ca-ta vượt qua cấm vận”, ông Sa-din cho hay.
 
“Mối quan hệ giữa Ca-ta và I-ran rất thực tế. Hai nước này cùng quản lý mỏ khí đốt tại Vịnh Ba Tư. Theo truyền thông, mỏ này chiếm gần 100% sản lượng khí đốt của Ca-ta và 70% kim ngạch xuất khẩu của nước này. Đó là lý do Ca-ta cần cân bằng giữa I-ran và lợi ích của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC)”, ông Sa-din phân tích.
 
Ngoài ra ông Sa-din bổ sung rằng khủng hoảng Ca-ta “đã chia rẽ toàn bộ thế giới A-rập” và Đô-ha hiện đang trên bờ vực bị ép gia nhập Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC). Nhưng ông Sa-din cho rằng điều này nhiều khả năng đem tiêu cực đến các đối thủ của Ca-ta như A-rập Xê-út hơn là chính Đô-ha.
 
Theo chuyên gia này, A-rập Xê-út muốn thống nhất thế giới A-rập theo dòng Săn-ni chống lại I-ran. Thậm chí đã từng xuất hiện lời kêu gọi thành lập khối quân sự tương tự như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để đối đầu với I-ran ở Trung Đông. “Tuy nhiên, sự bất hòa trong chính GCC có thể làm chệch kế hoạch này. Căng thẳng giữa các quốc gia A-rập nằm trong tay của I-ran. Tê-hê-ran một lần nữa chiến thắng tại Trung Đông”, ông Sa-din bày tỏ.
 
Chuyên gia này cho rằng bất chấp thực tế tình hình xung quanh Ca-ta ít nhiều ổn định thì các nỗ lực leo thang căng thẳng có thể vẫn xuất hiện trong tương lai, đặc biệt bắt nguồn từ A-rập Xê-út. Tuy nhiên có một số quốc gia hỗ trợ Ca-ta là Mỹ, Pháp, Đức, Nga, I-ran và Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Sa-din cho rằng đóng góp của những quốc gia này sẽ góp phần giảm căng thẳng.
 
Chuyên gia Sa-din đồng thời nhận xét khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh khó dẫn đến đối đầu quân sự bởi tất cả các bên liên quan đều có quan hệ kinh tế gần gũi và liên đới với nhau cũng như các thị trường toàn cầu. Đồng thời, ông Sa-din đưa quan điểm riêng rằng nhiều khả năng khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh sẽ không được giải quyết nhanh chóng./.
 
Theo TTXVN


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com