Bên cạnh hai sự kiện “Chương trình khởi động cùng SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11”, “VPBank Hanoi Marathon ASEAN 2020-Giải chạy đêm đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội” thì cung thủ Ánh Nguyệt vinh dự được đứng trong 10 sự kiện, hoạt động văn hóa và thể thao Thủ đô tiêu biểu năm 2020 nhờ thành tích giành vé đến Olymic Tokyo.

 Ánh Nguyệt luôn duy trì việc luyện tập nghiêm túc.
Ánh Nguyệt luôn duy trì việc luyện tập nghiêm túc.

Cho đến thời điểm này, thể thao Việt Nam mới có 5 VĐV đoạt vé đến Thế vận hội Tokyo, càng cho thấy giá trị tấm vé đến xứ mặt trời mọc mà tuyển thủ thuộc biên chế Hà Nội Ánh Nguyệt giành được.

Thích bóng rổ, từng theo đuổi môn thể thao này nhưng các HLV ở đội nữ trẻ bóng rổ Hà Nội từng khuyên Ánh Nguyệt: “Bình thường cao như em là chuẩn rồi (1,65m) nhưng bóng rổ đòi hỏi nhiều yếu tố khác. Em nên chuyển sang một bộ môn khác cho phù hợp”.

Đã có lúc Ánh Nguyệt bị stress dù biết các HLV ở đội bắn cung, bóng rổ Hà Nội rất tốt với mình. Ai cũng động viên Ánh Nguyệt chuyển sang bắn cung. Còn ở nhà, nhân chuyện này, bố mẹ lại khuyên Ánh Nguyệt gác lại thể thao để tập trung theo học văn hóa.

Ngẫm đi ngẫm lại, Ánh Nguyệt thấy mình có vẻ hợp bắn cung thật nhưng cứ phải ra trường bắn xem thực lực ra sao. Chẳng ngờ cô nàng sinh năm 2001 này hợp và bén duyên với bắn cung nhanh như tên bắn. Chỉ sau một năm tập luyện, Ánh Nguyệt đã được gọi vào đội tuyển bắn cung quốc gia, sau đó là giành vé dự Olympic Tokyo tại vòng loại châu Á cũng như giành HCV nội dung bắn cung đồng đội nữ ở SEA Games 30.

Theo kế hoạch, đội tuyển bắn cung quốc gia sẽ đi tập huấn ở nước ngoài, nhiều khả năng là ở Hàn Quốc nhưng do dịch Covid-19 nên không chỉ riêng đội tuyển bắn cung mà các đội tuyển quốc gia khác cũng phải hủy bỏ kế hoạch tập huấn ở nước ngoài. Hướng đến Olympic Tokyo, Ánh Nguyệt vẫn duy trì sự tập trung trong luyện tập và thi đấu ở trong nước. Ngay cả khi được nghỉ lễ, tết thì cung thủ xinh đẹp này vẫn tích cực luyện tập thêm giờ, rút ngắn các kỳ nghỉ. Chẳng thế mà ở Giải vô địch cung thủ xuất sắc toàn quốc 2020, Ánh Nguyệt giành tới 6 HCV, trở thành cung thủ duy nhất của giải phá kỷ lục quốc gia tại nội dung toàn năng cung 1 dây nữ. Không những vậy, thành tích đoạt tới 6 HCV của Ánh Nguyệt đã giúp Hà Nội giành vị trí nhất toàn đoàn.

Nhận xét về cung thủ Ánh Nguyệt, giới chuyên môn công nhận đây là trường hợp hiếm của làng thể thao nước nhà về thời gian tập luyện để chinh phục tấm vé dự Olympic. Có tuyển thủ mất vài năm, có VĐV mất cả chục năm nhưng Ánh Nguyệt chỉ mất gần hai năm tập luyện để giành vé góp mặt ở đấu trường Olympic.

Trong thể thao, nhiều người hay dùng từ “may mắn”, “vận son” để nói về thành tích nhưng chúng tôi cho rằng chính tài năng và sự khổ luyện của Ánh Nguyệt đã chắp cánh cho thành công của cung thủ xinh đẹp này.