Tăng cường cơ sở vật chất cho thể thao thành tích cao

08:05, 15/05/2020

Để thực hiện mục tiêu xây dựng, phát triển lực lượng vận động viên (VĐV) các môn thể thao có thế mạnh của tỉnh, hướng tới mục tiêu đạt thành tích cao tại các kỳ Đại hội Thể dục Thể thao (TDTT) toàn quốc, các giải quốc gia, quốc tế, ngoài việc tuyển chọn, đào tạo VĐV, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện thì việc cải thiện, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất là một trong những yếu tố cần được quan tâm.

Một buổi tập của đội tuyển điền kinh tại Sân vận động Thiên Trường.
Một buổi tập của đội tuyển điền kinh tại Sân vận động Thiên Trường.

Tỉnh ta là một trong số ít địa phương trong cả nước có đầy đủ hệ thống cơ sở vật chất dành cho các hoạt động tập luyện và thi đấu thể thao. Tuy nhiên, theo thời gian, một số công trình thể thao trọng điểm của tỉnh đã có dấu hiệu “lão hóa”, hư hỏng, ảnh hưởng đến việc tập luyện của các VĐV. Cung Thể thao tỉnh được đưa vào sử dụng từ năm 2014, hiện là “nơi đóng quân” của 3 đội tuyển võ thuật: quyền Anh, vật, wushu thuộc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh. Thời gian gần đây, một số điểm trong khu vực nhà thi đấu xuất hiện tình trạng mái nhà bị dột, sàn gỗ xuống cấp bắt đầu bong tróc, không bảo đảm điều kiện tập luyện, nhất là về sự an toàn cho các VĐV. Hơn nữa, các bộ môn cũng sử dụng các dụng cụ trọng lượng tương đối nặng trong quá trình tập luyện dù đã sử dụng thảm lót bằng cao su. Trước tình hình đó, tháng 3-2020, Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh đã sửa chữa nhiều hạng mục trong Cung Thể thao tỉnh như: khu vực ngủ, nghỉ của các HLV, VĐV, phòng tập thể lực, hệ thống điều hòa, khu vệ sinh... Đội tuyển wushu chuyển sang tập luyện tại khu vực Bể bơi tỉnh (tiếp giáp Cung Thể thao tỉnh), được đầu tư mua sắm thêm thảm tập, đài thi đấu trải thảm PVC có chân nâng cao so với mặt đất tránh gây hại lớp sàn. Đến nay, phòng tập của các bộ môn tại Trung tâm đã cơ bản hoàn thiện, góp phần nâng cao chất lượng tập luyện. Sân vận động Thiên Trường được xây dựng năm 2003, hiện là địa điểm tập luyện, thi đấu của các môn điền kinh, bóng đá. Tuy vậy, trong khoảng 2 năm trở lại đây khu vực đường piste của sân nhiều chỗ đã bị bong tróc, hư hại. Vừa qua, trước thềm mùa giải 2020, Sân vận động Thiên Trường đã được đầu tư nâng cấp hệ thống chiếu sáng; sửa chữa khu vực khán đài, mái khán đài, hệ thống cửa kính, quét vôi, sơn trong và ngoài sân vận động; đường chạy phủ chất dẻo chuyên dụng... Trong đó, tính riêng chi phí bảo dưỡng mặt sân cỏ mỗi năm 300-400 triệu đồng. Ông Trần Thái Toán, Giám đốc điều hành CLB bóng đá Dược Nam Hà Nam Định, cho biết: Ngoài việc bón phân, phun thuốc diệt côn trùng thì phải thường xuyên tưới nước cho sân cỏ. Đặc biệt là mùa đông có sương muối, người quản lý mặt sân phải dậy sớm phun nước rửa sương muối đêm xuống đọng ở cỏ để không làm chết lá, chiều lại phun nước tiếp. Mùa hè càng phải tưới nước nhiều hơn để cỏ không bị chết. Trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng ngành TDTT tỉnh cũng đã có sự nỗ lực để từng bước cải thiện điều kiện về cơ sở vật chất cho nhiều bộ môn. Việc trang bị thảm lót sàn, các loại dụng cụ thi đấu cũng được bổ sung, trang bị thêm cho các bộ môn đang tập luyện tại 2 nhà thi đấu: Trần Quốc Toản và Cung Thể thao tỉnh. Các phòng tập thuộc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh, Trường Nghiệp vụ TDTT về cơ bản đã đáp ứng được điều kiện tập luyện tối thiểu cho các VĐV.

Nếu như cơ sở vật chất cho công tác huấn luyện, tập luyện, thi đấu đóng vai trò quyết định trong quá trình phát triển của thể thao tỉnh thì cơ sở vật chất cho đời sống, sinh hoạt của các HLV, VĐV cũng là một trong những yếu tố không thể xem nhẹ. Hiện nay, nơi ăn ở, nghỉ ngơi tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng đủ các nhu cầu sinh hoạt thiết yếu cho các HLV, VĐV. Một số đội tuyển phải ở tạm thời ngay trong các phòng chức năng của Cung Thể thao tỉnh. Đa phần các phòng này được xây dựng phục vụ làm việc, không đảm bảo sinh hoạt hàng ngày cho VĐV, ảnh hưởng đến việc tập luyện, thi đấu, phát triển tối đa tài năng của các VĐV... Có thể thấy, việc duy trì và phát triển bền vững thể thao thành tích cao ít nhiều cùng phụ thuộc vào điều kiện sinh hoạt, luyện tập và thi đấu, khi điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho công tác huấn luyện, luyện tập còn thiếu thốn ít nhiều gây ảnh hưởng tới quá trình tập luyện, từ đó dẫn tới thành tích của VĐV khó đạt được phong độ cao.

Những năm gần đây, nhiều địa phương khác trên cả nước đã có sự đầu tư mạnh mẽ cả về con người lẫn cơ sở vật chất cho thể thao thành tích cao. Bởi vậy, để thể thao Nam Định tiếp tục giữ vững vị thế, phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa rất cần sự quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất. Trước mắt, trong năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành rà soát điều kiện về cơ sở vật chất, căn cứ tình hình thực tế xác định hạng mục công trình cần sửa chữa, nâng cấp để báo cáo trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí. Đây cũng là yêu cầu cần thiết để đáp ứng các nhiệm vụ đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao tầm cỡ quốc gia và quốc tế trong tương lai. Bên cạnh đó, các đơn vị sự nghiệp TDTT, ban huấn luyện bộ môn từng bước tự hoàn thiện, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt của VĐV như nhà ở, bếp ăn, phòng học; đầu tư trang thiết bị, dụng cụ hiện đại… để đảm bảo điều kiện huấn luyện tập trung./.

Bài và ảnh: Hoàng Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com