Phát huy hiệu quả hoạt động thiết chế văn hoá cơ sở

08:09, 01/09/2022

Những năm qua, các cấp uỷ đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động mọi nguồn lực, đầu tư xây dựng, cải tạo các thiết chế văn hoá cơ sở. Để các thiết chế văn hoá phát huy hiệu quả hoạt động, nhiều địa phương trong tỉnh đã thành lập Ban chủ nhiệm; xây dựng quy chế sinh hoạt và tổ chức đa dạng các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao (TDTT) góp phần nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân.

Nhảy dân vũ trong Ngày hội TDTT xã Hải Lý (Hải Hậu) năm 2022.
Nhảy dân vũ trong Ngày hội TDTT xã Hải Lý (Hải Hậu) năm 2022.

Địa chỉ gắn kết cộng đồng

Đến nhà văn hóa (NVH) tổ dân phố Việt Hưng, thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) vào cuối giờ chiều, chúng tôi cảm nhận được không khí sinh hoạt văn nghệ, TDTT sôi nổi của người dân. NVH được xây dựng từ năm 2014 bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Khu vực xung quanh khuôn viên được trồng hoa, cây xanh, tích hợp sân thể thao mini rộng phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn nghệ, tập luyện dưỡng sinh của nhân dân. Ngoài sân thể thao, hiện tổ dân phố (TDP) Việt Hưng đã quy hoạch xây dựng được khu thể thao riêng biệt rộng 300m2 để tổ chức giao lưu, thi đấu các môn: cầu lông, bóng đá và lắp đặt các dụng cụ tập luyện TDTT ngoài trời như: xà đơn, xà kép… Nhờ cơ sở vật chất đồng bộ, đến nay, TDP Việt Hưng đã thành lập được các câu lạc bộ (CLB): Aerobic, cầu lông, dưỡng sinh, văn nghệ duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả tại NVH TDP. Định kỳ hàng tháng, các CLB tổ chức giao lưu văn nghệ, thể thao với các TDP khác trong thị trấn. Tỷ lệ người dân TDP tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT đạt trên 60%.

Ở NVH xóm 10, xã Hải Trung (Hải Hậu) từ lâu đã trở thành địa chỉ sinh hoạt, hội họp của các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân. Hiện nay, tủ sách NVH xóm có gần 500 cuốn sách thuộc các lĩnh vực pháp luật, kinh tế, văn hóa, nông nghiệp… Cụ Đỗ Ưng năm nay gần 90 tuổi là thương binh hạng 2/4, trước đây cụ Ưng chỉ quanh quẩn ở nhà một mình vì con cháu đi làm, đi học. Từ năm 2011, tủ sách NVH xóm 10 đi vào hoạt động, cụ là một trong những người tích cực đến đọc sách, báo. Còn cụ Nguyễn Thanh Phán (81 tuổi) thành viên của CLB thơ - văn xóm 10 chia sẻ: “Tủ sách NVH là nơi lưu giữ những tập thơ, tập truyện của các thành viên trong CLB. Vào mùng 4 âm lịch hàng tháng, 50 thành viên của CLB sinh hoạt bình thơ, văn, chia sẻ các cuốn sách, báo, tạp chí hay mà mỗi người sưu tầm để đóng góp vào tủ sách NVH xóm”. Đồng chí Phạm Tiến Dũng, Bí thư chi bộ xóm 10, xã Hải Trung khẳng định: “Tủ sách NVH xóm 10 hoạt động hiệu quả thực sự chứ không mang hình thức là tiêu chí “cần và đủ” trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Chúng tôi phân công người quản lý tủ sách, quy định giờ mở cửa hoạt động; số lượng sách, báo mới được bổ sung thường xuyên do người dân và con em xa quê đóng góp”. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết cả 15 xóm của xã Hải Trung đều có tủ sách với tiêu chuẩn tối thiểu 200 cuốn/1 tủ sách.

Ở xã Xuân Ninh (Xuân Trường) sau khi thực hiện đề án sáp nhập thôn, xóm hiện còn 16 xóm với 31 NVH. NVH ở các khu dân cư đều được trang bị đầy đủ hệ thống âm thanh, ánh sáng phục vụ nhu cầu hội họp và sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, TDTT cho người dân. Ông Phạm Bá Nhẫn, Chủ nhiệm CLB văn nghệ xóm 9, xã Xuân Ninh cho biết: Nhờ có NVH xóm, CLB thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, luyện tập, dạy đàn hát cho thiếu niên, nhi đồng. Thành lập từ đầu năm 2015, đến nay CLB có hơn 30 thành viên. Nhiều trích đoạn chèo như: Đôi Ngọc Lưu Ly, Thị Mầu lên chùa… hay các ca khúc mang âm hưởng dân ca như: “Người ơi người ở đừng về”, “Sông Cầu nước chảy lơ thơ”… được CLB dàn dựng và biểu diễn đã chiếm được cảm tình của khán giả. Tiếng hát chèo của các thành viên CLB vang lên trong các buổi tập hay các buổi biểu diễn đã xua tan mệt mỏi của người dân sau những giờ lao động vất vả. Còn ở NVH xóm 13 Hưng Nhân, tối chủ nhật hàng tuần đều có các tiết mục biểu diễn của hơn 20 thành viên CLB chèo xóm. Từ khi thành lập, ngoài phục vụ nhân dân địa phương, CLB Chèo Hưng Nhân còn đại diện cho xã tham gia các cuộc thi, hội diễn đạt kết quả cao. CLB vừa là sân chơi bổ ích của những người đam mê nghệ thuật, vừa góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân.

Nâng cao hiệu quả hoạt động thiết chế văn hóa

Theo số liệu của Sở VH, TT và DL, đến nay, toàn tỉnh có 10 NVH cấp huyện, thành phố; 100% khu dân cư có địa điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trong đó 3.005/3.634 làng, thôn, xóm, TDP có NVH; 2.641/3.634 làng, thôn, xóm, TDP có sân thể thao. Để phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao, Sở VH, TT và DL thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở. Phòng VH-TT, Trung tâm VH, TT và TT các huyện, thành phố cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn cán bộ văn hóa xã, phường, thị trấn về công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT... Năm 2021, toàn tỉnh đã tổ chức gần 160 lớp tập huấn về công tác nghiệp vụ văn hóa, thể thao cơ sở với tổng số gần 1.200 cán bộ, chuyên viên tham gia, qua đó đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT quần chúng. Bên cạnh đó, những năm qua nhiều địa phương trong tỉnh đã thành lập Ban chủ nhiệm NVH. Trong quá trình hoạt động, Ban chủ nhiệm Trung tâm Văn hóa - thể thao xã, NVH thôn, xóm đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động văn nghệ, TDTT quần chúng, tạo điều kiện để các CLB, tổ, đội văn nghệ phát triển. Nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo trong phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa như các huyện Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thủy, Trực Ninh. Ở huyện Hải Hậu, việc tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao đã được các cấp ủy đảng, chính quyền các xã, thị trấn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thường xuyên. 

Hiện nay, 390 xóm, TDP trên địa bàn huyện đều có NVH với đầy đủ các thiết bị phục vụ hội họp, giao lưu văn hóa, văn nghệ, TDTT. Sau khi đi vào hoạt động, UBND các xã, thị trấn đều thành lập Ban chủ nhiệm NVH, thành phần gồm lãnh đạo UBND, công chức văn hóa - xã hội và đại diện một số hội, đoàn thể địa phương. Để duy trì quản lý và hoạt động tại các NVH xóm, TDP, hàng năm các xã, thị trấn đều trích một phần kinh phí từ ngân sách nguồn và nguồn xã hội hóa hợp pháp của địa phương để phân bổ chi cho hoạt động văn hóa, thể thao. Với sự định hướng của Ban chủ nhiệm NVH, phong trào văn nghệ, TDTT trong tỉnh phát triển. Toàn tỉnh hiện có trên 900 tổ, tốp, đội, CLB văn hoá, văn nghệ quần chúng và gần 1.500 nhóm, đội, CLB TDTT từ cấp huyện, thành phố đến cấp xã, phường, thị trấn và các thôn, xóm, TDP. Hàng năm, vào các dịp lễ, tết, các ngày kỷ niệm lớn của địa phương, của đất nước như: Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, Ngày Giải phóng miền Nam (30-4) và Quốc tế Lao động (1-5); Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh (2-9), Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18-11), nhiều hội diễn, hội thi văn nghệ, thể thao quần chúng ở các địa phương trong tỉnh diễn ra sôi nổi ở các địa phương, tạo khí thế hăng say trong lao động sản xuất, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.

Thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Huy động sự chung tay của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất, hạ tầng văn hóa, thể thao, bổ sung trang thiết bị phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, vui chơi giải trí của các tầng lớp nhân dân. Chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở. Các Ban chủ nhiệm NVH đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tăng cường tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ, TDTT quần chúng góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân./.

Bài và ảnh: Viết Dư

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com