Nhiều hoạt động thiết thực giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ

04:05, 21/05/2021

Những năm qua, công tác giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá cho thế hệ trẻ ở tỉnh ta luôn được các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể quan tâm đẩy mạnh với nhiều hoạt động thiết thực góp phần khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.

Huyện Xuân Trường đẩy mạnh tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp thông qua cụm tranh tuyên truyền, cổ động. Ảnh: Xuân Thu

Huyện Xuân Trường đẩy mạnh tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp thông qua cụm tranh tuyên truyền, cổ động.

Ảnh: Xuân Thu

Thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, CLB”, Sở VH, TT và DL đã phối hợp với Sở GD và ĐT, Tỉnh Đoàn tăng cường giáo dục truyền thống cho đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên tại Bảo tàng tỉnh với các hoạt động: tham quan, học tập, trải nghiệm các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; tổ chức các trò chơi dân gian…, góp phần gắn kết hoạt động bảo tàng với giáo dục truyền thống trong học đường. Trung bình mỗi năm, Bảo tàng tỉnh đón khoảng 12 nghìn lượt khách từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đến tham quan, học tập, trải nghiệm; trong đó có khoảng 9.000 lượt học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Tỉnh ta đã tổ chức đánh giá kết quả 5 năm (2013-2018) thực hiện “Gắn kết hoạt động giáo dục tại bảo tàng và di sản văn hóa với các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp du lịch” trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục cho học sinh tại bảo tàng và di sản văn hóa tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Nhiều ý kiến đóng góp tích cực của các đại biểu, đặc biệt là các trường học, các công ty lữ hành du lịch cùng đưa ra những giải pháp nâng cao hiệu quả kết nối hoạt động giáo dục tại bảo tàng và di sản văn hóa. Từ năm 2015, UBND tỉnh đã chỉ đạo biên soạn một số tài liệu học tập cộng đồng nội dung chuyên đề liên quan đến các vấn đề về di sản văn hóa để phổ biến rộng rãi tại Trung tâm học tập cộng đồng các xã, phường, thị trấn, nhằm góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa tại địa phương. Sở VH, TT và DL đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học, nói chuyện chuyên đề về các vấn đề lịch sử, văn hóa như: Hội thảo khoa học “Luận cứ kỷ niệm 750 Thiên Trường - Nam Định”, Hội thảo khoa học “Văn hóa thờ Nữ thần - Mẫu ở Việt Nam và châu Á: Bản sắc và giá trị”, Hội thảo khoa học “Nghiên cứu thực hành tín ngưỡng trong xã hội đương đại”, Tọa đàm khoa học “Tư tưởng nhân văn quân sự của các danh thần võ tướng thời Trần”…; xây dựng và xuất bản một số tập gấp giới thiệu về Di tích lịch sử - văn hóa Cột Cờ Nam Định, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, Những kỷ vật đi cùng năm tháng, Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý… Ở các địa phương, hàng năm, các cơ sở giáo dục thường xuyên tổ chức cho học sinh tham quan, nghiên cứu, học tập tại Nhà truyền thống huyện. Tiêu biểu là “các địa chỉ đỏ”: Nhà truyền thống huyện Hải Hậu trưng bày hơn 4.000 tài liệu, hình ảnh, hiện vật về truyền thống và bản sắc riêng của mảnh đất, con người Quần Anh xưa; Nhà truyền thống huyện Trực Ninh lưu giữ trên 200 tài liệu, hình ảnh, hiện vật có giá trị phản ánh trung thực, sống động quá trình hình thành, phát triển quê hương Trực Ninh và những lễ hội gắn với di tích, làng nghề truyền thống ươm tơ, dệt lụa Cổ Chất; Nhà truyền thống các huyện Ý Yên, Nam Trực cung cấp cho đoàn viên, thiếu niên, học sinh, sinh viên kiến thức về lịch sử văn hóa, về truyền thống văn hiến của quê hương bồi dưỡng tình yêu và lòng tự hào về truyền thống quê hương, từ đó khơi  dậy và hun đúc ý chí xây dựng và bảo vệ quê hương.

Một trong những hoạt động nhằm nâng cao công tác giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho học sinh là hình thức sân khấu hóa các tác phẩm văn học. Hình thức này hiện đã được một số trường THCS, THPT trong tỉnh triển khai thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. Trường THPT Trần Hưng Đạo là đơn vị đầu tiên của tỉnh đưa hình thức sân khấu hóa các tác phẩm văn học vào học đường (năm 2013). Các tác phẩm văn học được chuyển thể thành nhiều loại hình sân khấu như: kịch, múa dân gian, ngâm thơ, nhạc kịch... Năm 2016, được sự giúp đỡ của Đoàn Kịch nói (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh) về chuyên môn, Trường THPT Trần Hưng Đạo đã tổ chức thành công hội thi “Sân khấu hóa các tác phẩm văn học”. Hội thi không chỉ mang ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử sâu sắc mà còn giúp tác phẩm văn học trở nên gần gũi với đời sống, phát huy năng khiếu nghệ thuật của học sinh, giúp các em khơi mở tính sáng tạo, khả năng cảm thụ văn chương gắn với các loại hình nghệ thuật sân khấu. Việc giáo dục truyền thống qua các công trình, di tích lịch sử - văn hóa, Nhà lưu niệm các bậc tiền bối, lãnh tụ cách mạng được các địa phương trong tỉnh thực hiện hiệu quả. Đến nay, các trường học trong tỉnh đã nhận chăm sóc gần 500 di tích lịch sử - văn hóa và khoảng 300 nghĩa trang liệt sĩ, đền thờ, đài tưởng niệm. Tại thành phố Nam Định, nhiều trường đã chú trọng các hoạt động trải nghiệm thực tế, giáo dục kiến thức cho học sinh; trong đó tổ chức cho các em tham quan các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu trên địa bàn tỉnh như: Quần thể di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Phủ Dầy (Vụ Bản), Khu di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt Đền Trần - Chùa Tháp (thành phố Nam Định)... Các chuyến đi tham quan, dâng hương tại các di tích đã tạo sự hứng khởi cho học sinh tiếp cận với các kiến thức lịch sử và hiểu về giá trị các di sản, giúp học sinh nhận thức sâu sắc trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của quê hương; tiêu biểu như: Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, nghệ thật Ca trù, nghi lễ Chầu văn, lễ hội Phủ Dầy, lễ hội Đền Trần… Nhiều đoàn học sinh tham gia lễ rước và dâng hương tưởng nhớ công lao các vị tiền nhân có công quai đê, lấn biển, dựng làng, lập ấp, đồng thời tìm hiểu thân thế sự nghiệp các nhân vật lịch sử được phụng thờ tại di tích, sau đó học sinh viết thu hoạch để thuyết minh về truyền thống lịch sử địa phương đã giúp các em học sinh hiểu sâu sắc kiến thức lịch sử, địa lý và các giá trị văn hóa lâu đời…

Giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ ở tỉnh ta với những hoạt động thiết thực, ý nghĩa gắn với các “địa chỉ đỏ” của quê hương đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức gìn giữ di sản văn hóa của dân tộc, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, đạo đức, lối sống, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh./.

Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com