Nét đẹp cổ truyền ngày Tết

08:02, 06/02/2021

Những ngày giáp Tết, trên các con phố, xóm làng ở các địa phương trong tỉnh đâu đâu cũng nghe thấy những bản nhạc xuân rộn rã. Mùa xuân đã về, mang tới cho vạn vật sức sống mới. Dịp Tết Nguyên đán dù cho xã hội ngày càng hiện đại, đời sống kinh tế ngày càng phát triển thì nhiều nét đẹp truyền thống của dân tộc vẫn được giữ gìn và phát huy.

Thổi cơm thi trong Lễ hội làng Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng (Xuân Trường).  Ảnh: Chu Thế Vĩnh

Thổi cơm thi trong Lễ hội làng Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng (Xuân Trường).

Ảnh: Chu Thế Vĩnh

Đầu xuân trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều lễ hội lớn như: Lễ hội khai ấn Đền Trần (thành phố Nam Định), lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản)… thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh. Ngoài việc đi lễ cầu bình an, du khách đến các lễ hội này còn tham gia nhiều hoạt động với mong muốn một năm mới tốt lành, may mắn trong đó tục xin chữ đầu năm đã có từ lâu đời, đến nay vẫn được duy trì như một nét đẹp văn hóa. Thời xưa, xin chữ là một sự kiện rất đặc biệt. Những người xin chữ thường chuẩn bị một lễ nhỏ (trầu cau, chè thuốc) và chọn ngày, chọn hướng tìm đến người cho chữ thường là những thầy đồ trong làng có học vấn uyên thâm, đạo đức tốt. Ngoài cầu may mắn, những người đi xin chữ còn muốn tự răn dạy mình sống có tâm đức, trọng nghĩa... Ngày nay khi văn hóa thư pháp đã trở nên phổ biến, người xin chữ chỉ cần đến các đền chùa, lễ hội sẽ có “ông đồ” để xin chữ. Bên cạnh những “ông đồ” già uyên thâm, giàu kinh nghiệm còn có những ông đồ trẻ với những con chữ sáng tạo, hiện đại. Không chỉ cho chữ Hán, các “ông đồ” còn có thể cho chữ quốc ngữ viết theo lối thư pháp. Cùng với việc cho chữ, “ông đồ” cũng giảng giải ý nghĩa của từng nét chữ cho người xin chữ để họ có thể hiểu hết được những ý nghĩa sâu sắc của từng chữ, qua đó thấu hiểu thêm về một nét đẹp văn hóa của dân tộc. Trò chuyện với các ông đồ chúng tôi được biết, mỗi người có một mong muốn, mục đích khác nhau nên sẽ xin cho mình chữ phù hợp. Những người mong muốn cuộc sống hạnh phúc bình an thường xin các chữ Phúc, Lộc, Thọ... Đối với những người kinh doanh buôn bán thường thích các chữ Phát, Lộc, Tài, Vượng…, mong cầu công việc làm ăn thuận lợi, hanh thông. Còn với các cháu nhỏ đang độ tuổi đi học thường sẽ được ông bà, bố mẹ tặng cho các chữ Hiếu, Lễ, Phép, Chí, Đạt... với mong muốn con cháu hiếu thảo, chăm chỉ học hành, cầu tiến. Anh Nguyễn Hồng Quang, một người con công tác xa quê, mỗi dịp năm mới đều về Đền Trần xin chữ. Anh chia sẻ: “Theo quan niệm dân gian, người muốn có thành công cần phải biết nhẫn nhịn, có nhẫn nhịn thì mới làm nên nghiệp lớn nên năm nay tôi xin chữ “Nhẫn” với mong muốn sẽ có được sự bình tâm để mọi việc thành công”.

Bên cạnh tục xin chữ, tục lì xì cũng là một trong những nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Lì xì trong dịp Tết là mừng tuổi nhau. Mỗi bao lì xì là món quà tinh thần chứa đựng những lời chúc tốt đẹp mà người chúc trao cho người nhận. Ý nghĩa chính không ở số tiền mà quan trọng là mong ước mọi người dồi dào sức khỏe thành công trong năm mới. Đối với người cao niên, lì xì Tết thay cho lời chúc phúc trường thọ. Còn với con trẻ, đó là lời chúc chóng lớn, học giỏi, chăm ngoan. Ông Phạm Anh Tuấn ở thành phố Nam Định chia sẻ: “Theo thông lệ sau thời khắc giao thừa thiêng liêng tất cả con cháu trong gia đình tôi sum họp đủ đầy lần lượt chúc Tết, chúc thọ ông bà, cha mẹ. Khi ấy con cháu được nhận một bao lì xì mừng tuổi bên trong có một ít tiền gọi là lộc đầu xuân. Các con đã trưởng thành cũng có phong bao lì xì chúc Tết ông bà, cha mẹ”. Em Trần Phương Dung (thành phố Nam Định) cho biết: “Năm nào cũng vậy, sáng mùng một Tết em được bố mẹ cho đi chúc tết ông bà. Em rất háo hức mỗi khi được nhận lì xì. Với em, đây là món quà may mắn, hạnh phúc nhất khi xuân về. Để đáp lại sự quan tâm yêu thương từ ông bà, bố mẹ, em luôn tự nhủ phải cố gắng học tập thật tốt, ngoan ngoãn”.

Tục xông đất đầu năm hiện vẫn được gìn giữ và phát huy. Theo quan niệm truyền thống, nếu ngày đầu năm mới mọi chuyện suôn sẻ thì cả năm sẽ bình an, vạn sự như ý. Người xông đất được coi là người đại diện mang tới cho chủ nhà sự may mắn trong một năm. Do vậy, sau thời khắc giao thừa thì người nào bước vào nhà của gia chủ đầu tiên thì đó là người xông đất. Thông thường, gia chủ sẽ lựa chọn người xông đất dựa theo các yếu tố: Tuổi tác, sức khỏe, sự thành đạt… Người xông đất thường sẽ đem theo những phong bao lì xì để mừng tuổi người già, trẻ em và có lời chúc mừng năm mới đến toàn thể gia đình. Anh Nguyễn Quang Tuyến  ở huyện Nam Trực cho biết: “Năm nào tôi cũng là người xông đất cho gia đình. Ngoài ra, anh em họ hàng, người thân cũng hay nhờ tôi xông đất. Với tôi, đây là một nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Cuộc sống hiện đại dù có nhiều thay đổi trong giao lưu văn hóa nhưng trong tâm thức người Việt nói chung, ngoài tục xin chữ đầu năm, xông đất, lì xì… vẫn còn nhiều nét đẹp văn hóa được mọi người lưu giữ... Đó là những giá trị tinh thần đầu năm mới với những ước vọng mang đậm nét văn hóa dân tộc./.

Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com