Nở rộ các câu lạc bộ văn nghệ ở Nghĩa Hưng

05:11, 02/11/2018

Những năm gần đây, phong trào văn nghệ ở các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng phát triển mạnh. Nhiều tốp, đội, CLB văn nghệ hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo nghệ thuật của nhân dân, góp phần xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn dân cư.

Hội diễn văn nghệ quần chúng huyện Nghĩa Hưng được tổ chức vào dịp kỷ niệm 73 năm Quốc khánh 2-9 vừa qua đã thu hút các đội văn nghệ ở cả 23 xã, thị trấn trong huyện với hàng trăm diễn viên, nhạc công không chuyên biểu diễn gần 50 tiết mục ca - múa - nhạc. Hội diễn như buổi tổng duyệt đánh giá chất lượng phong trào văn nghệ quần chúng ở các địa phương trong huyện. Nhiều xã có phong trào văn nghệ quần chúng phát triển mạnh như: Nghĩa Tân, Nghĩa Trung, Nghĩa Sơn… Với trên 50 tốp, đội, CLB văn nghệ trên địa bàn, nếu phát huy đúng vai trò sẽ là điều kiện thuận lợi để các xã, thị trấn nâng cao chất lượng công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân. Từ nhiều năm nay, xã Nghĩa Tân luôn đứng tốp đầu huyện về phong trào văn nghệ. Để các đội văn nghệ xóm hoạt động hiệu quả, xã giao nhiệm vụ cho Hội Phụ nữ thành lập đội văn nghệ gắn với CLB gia đình hạnh phúc, các CLB người cao tuổi thành lập các tổ thơ, ca, Đoàn xã thành lập đội văn nghệ thanh niên xung kích... Với sự “vào cuộc” của cả hệ thống chính trị, hiện nay, ở 8 xóm của xã đều có đội văn nghệ từ 15-20 thành viên. Mỗi khi có chương trình hội diễn, hội thi cấp huyện, xã lựa chọn những hạt nhân văn nghệ tiêu biểu ở các xóm để thành lập đội tham gia. Xã Nghĩa Tân có nhiều hạt nhân văn nghệ tâm huyết với phong trào; tiêu biểu như anh Vũ Trọng Tài, chị Lê Thị Tuyết, vợ chồng thầy cô giáo Lâm Văn Lưỡng - Trần Thúy Nga... Thị trấn Rạng Đông hiện có CLB đàn hát dân ca với nhiều tiết mục chèo và chầu văn đặc sắc; tiêu biểu như: “Khúc hát văn Nghĩa Hưng”, “Hát mừng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”… Trong CLB, nhiều nhạc công tuổi đã cao nhưng vẫn tâm huyết với phong trào; tiêu biểu như các ông: Lại Xuân Viễn (đàn nguyệt), Nguyễn Hữu Lương (trống), bà Trần Thị Hồng Thân (hát). Hiện nay, bà Thân đã thành lập 9 CLB hát văn, hát chèo tại các xã: Nam Điền, Nghĩa Trung, Nghĩa Hải, Nghĩa Hùng, Nghĩa Thái, Hoàng Nam, Nghĩa Lâm, Nghĩa Châu, Thị trấn Rạng Đông. Để các CLB hoạt động hiệu quả, bà đã truyền dạy các kỹ năng hát văn, hát chèo cho các thành viên, trực tiếp dàn dựng chương trình, các vở diễn, tổ chức hội thi giữa các CLB...

Tiết mục ca múa “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” của đội văn nghệ xã Nghĩa Hồng trong đêm công diễn văn nghệ quần chúng huyện Nghĩa Hưng năm 2018.
Tiết mục ca múa “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” của đội văn nghệ xã Nghĩa Hồng trong đêm công diễn văn nghệ quần chúng huyện Nghĩa Hưng năm 2018.

Thị trấn Liễu Đề hiện có nhiều mô hình CLB sinh hoạt theo hình thức xã hội hóa, thu hút đông đảo nhân dân tham gia như: CLB văn nghệ, CLB thơ ca NCT, CLB phụ nữ và pháp luật, CLB phụ nữ không sinh con thứ 3, CLB tiền hôn nhân. Để phát triển phong trào văn nghệ quần chúng, thị trấn đã chỉ đạo Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội NCT và các trường học thành lập các đội văn nghệ đa dạng các loại hình: ca múa nhạc, kịch, chèo. Đoàn Thanh niên thị trấn hằng năm có nhiều chương trình văn nghệ phục vụ Ngày thành lập Đoàn (26-3), dịp Tết Trung thu, tạo khí thế sôi nổi trong đoàn viên, thanh niên. Các chi Hội Phụ nữ ở các tổ dân phố thành lập tốp văn nghệ, hằng năm, tổ chức các hoạt động giao lưu biểu diễn giữa các chi hội. Hội NCT xây dựng các tiết mục thơ ca tham gia các chương trình văn hoá, văn nghệ của thị trấn… Ở các trường học trên địa bàn thị trấn trong giờ sinh hoạt đều tổ chức đan xen các tiết mục văn nghệ, ứng xử câu hỏi tình huống, tổ chức biểu diễn văn nghệ nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10), Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), lễ khai giảng, lễ tổng kết năm học…

Phong trào văn nghệ quần chúng ở Nghĩa Hưng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Nhiều tiết mục văn nghệ “tự biên, tự diễn” phản ánh những vấn đề hiện thực của đời sống, những gương sáng, nhân tố mới trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội: Thương binh - Liệt sĩ; Dân số - KHHGĐ; chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi; xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá… Thực tế các địa phương có phong trào văn nghệ quần chúng phát triển mạnh đều là những đơn vị tiêu biểu trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Ở đó chất lượng các phong trào xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá được nâng cao, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng NTM.

Đồng chí Lê Diệu Phấn, Trưởng phòng, Giám đốc Trung tâm VH-TT huyện cho biết: Mặc dù còn khó khăn về kinh phí hoạt động nhưng phong trào văn nghệ trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng vẫn phát triển mạnh. Các thành viên trong các tốp, đội, CLB văn nghệ đều hoạt động tự nguyện. Để phong trào phát triển bền vững, hằng năm Trung tâm VH-TT huyện đều tổ chức các lớp bồi dưỡng nghệ thuật cho cán bộ văn hóa xã, thị trấn và hạt nhân văn nghệ ở các tổ, đội, CLB. Các xã, thị trấn đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động văn hóa văn nghệ, tổ chức hội diễn văn nghệ. Các buổi sinh hoạt của các CLB văn nghệ quần chúng được duy trì thường xuyên tại các NVH thôn, xóm. Ngoài ra, các tổ, đội CLB văn nghệ đã năng động, sáng tạo, đẩy mạnh xã hội hóa để duy trì hoạt động, để phong trào văn nghệ quần chúng trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống nhân dân./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com