Tăng cường quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá

08:10, 27/10/2018

Trên địa bàn tỉnh hiện có 1.330 di tích lịch sử - văn hoá (2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 81 di tích cấp quốc gia, 282 di tích cấp tỉnh), 4 nhóm bảo vật quốc gia, 1 di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, 5 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Hệ thống di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh rất phong phú bao gồm: các loại hình nghệ thuật, diễn xướng dân gian, lễ hội, các làng nghề thủ công truyền thống, văn hoá ẩm thực, trò chơi dân gian… Trong đó “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; các Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Lễ hội Phủ Dầy, Lễ hội Đền Trần, Nghệ thuật ca trù, Nghi lễ Chầu văn của người Việt, Nghề sơn mài Cát Đằng... Hơn 10 năm trở lại đây, Lễ hội Trần (20-8 âm lịch) nhằm tưởng nhớ các vị Vua Trần và ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo đã trở thành một sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng tâm linh. Dự Lễ hội Trần, du khách không chỉ thoả mãn ước nguyện cầu lộc, cầu may, cầu phúc mà còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính, độc đáo của các di tích: Chùa Tháp, Đền Cố Trạch, Đền Thiên Trường, Đền Bảo Lộc, Đình - Miếu Cao Đài… Đó là những di sản văn hoá vật thể từ công trình kiến trúc, di vật, hệ thống chân tảng đá, đồ gạch ngói, gốm sứ và nền móng của cung điện Trùng Quang, Trùng Hoa xưa dần phát lộ qua những cuộc thăm dò và khai quật khảo cổ học. Cùng với Lễ hội Khai ấn đầu xuân, Lễ hội Trần được tổ chức với quy mô lớn, diễn ra nhiều hoạt động văn hoá đặc sắc như: hát chèo, múa rối nước, vật, võ thuật, múa lân sư rồng, chọi gà… Để phát huy giá trị di sản văn hoá Lễ hội Trần, công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích được các cấp, các ngành quan tâm. Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở VH, TT và DL phối hợp với Sở KH và ĐT tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án đầu tư “Xây dựng Khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hoá thời Trần tại Nam Định” gồm các hạng mục: Công viên văn hoá Trần; khu trung tâm lễ hội; khu đệm, khu dịch vụ, hệ thống đường giao thông, bãi để xe… thuộc địa bàn phường Lộc Vượng (TP Nam Định) và các xã: Mỹ Trung, Mỹ Phúc, Mỹ Thành (Mỹ Lộc). Từ năm 2016, UBND tỉnh đã lập Quy hoạch phân khu tại Quần thể di tích lịch sử - văn hoá Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản) và những vùng phụ cận nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá di tích, dự án đầu tư tu bổ có tổng kinh phí trên 80 tỷ đồng. Sở VH, TT và DL cũng đang triển khai thực hiện Dự án “Cải tạo, nâng cấp di tích Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh”… Hiện nay, Sở VH, TT và DL đang tổng kiểm kê di sản văn hoá vật thể và phi vật thể; trên cơ sở đó tập trung xây dựng đề án bảo tồn một số loại hình văn hoá phi vật thể đặc trưng của Nam Định như: Ca trù, hát chèo, hát văn, múa rối cạn, múa rối nước...; xây dựng kế hoạch tuyên truyền, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hoá phi vật thể “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”; thực hiện các biện pháp quản lý Nhà nước nhằm giữ gìn, bảo vệ, phát huy những giá trị tốt đẹp của di sản, đồng thời ngăn ngừa, loại bỏ các hủ tục và hành vi lợi dụng di sản để trục lợi, có tác động tiêu cực tới đời sống cộng đồng, xã hội và làm sai lệch di sản; ngăn chặn, xử lý nghiêm việc lợi dụng thương mại hóa, hoặc các hiện tượng khác làm biến dạng di sản.

Múa rồng trong Lễ hội Trần năm 2018 tại Đền Trần, phường Lộc Vượng (TP Nam Định).
Múa rồng trong Lễ hội Trần năm 2018 tại Đền Trần, phường Lộc Vượng (TP Nam Định).

Ở huyện Vụ Bản, việc thực hành lễ hội, nghi lễ tín ngưỡng thờ Mẫu tại các di tích với những yếu tố văn hóa truyền thống như một “bảo tàng sống”, lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa người Việt. Lễ hội Phủ Dầy, xã Kim Thái (từ mùng 3 đến mùng 8-3 âm lịch) hằng năm phản ánh sâu sắc phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian, nêu cao nhận thức về nhân sinh quan, thế giới quan của cộng đồng dân cư. Trong lễ hội diễn ra nghi lễ trang trọng như: hầu đồng, rước thỉnh kinh, rước đuốc, hoa trượng hội; các hoạt động văn hóa dân gian như: thi hát văn, đánh cờ người và nhiều trò chơi dân gian độc đáo khác. Sau khi Di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Sở VH, TT và DL đã chỉ đạo Bảo tàng tỉnh phối hợp với các huyện Vụ Bản, Ý Yên triển khai xây dựng chương trình hành động bảo vệ và phát huy giá trị của di sản. Nội dung chương trình hành động gồm: Tiếp tục nhận diện giá trị, nghiên cứu, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa Di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” và các tập quán, nghi lễ, lễ hội truyền thống gắn với di sản. Hiện nay, tại Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm, trưng bày gần 350 hiện vật là những trang phục, đạo cụ, nhạc cụ để thực hành Nghi lễ Chầu văn ở Phủ Dầy (Vụ Bản), Phủ Quảng Cung (Ý Yên) và 20 pho tượng bài trí trong không gian thờ Mẫu như: Tam tòa Thánh mẫu, Tứ vị Chầu bà, Ngũ vị Tôn ông (Ngũ vị Quan lớn), ông Hoàng Bảy, ông Hoàng Mười. Tất cả các hiện vật đều làm bằng phương pháp thủ công gắn liền với các nghệ nhân, thanh đồng - những người tham gia thực hành Nghi lễ Chầu văn. Đặc biệt, Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm được cuốn sách Hán Nôm “Văn chầu Tiên Thánh” gồm 16 bài văn Chầu cổ có niên đại cuối thế kỷ XIX. Cuốn sách mang giá trị lịch sử tồn tại và phát triển của Nghi lễ Chầu văn của người Việt - Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia; đồng thời bổ sung thêm tư liệu để nghiên cứu, tìm hiểu nội dung, giá trị của từng bài văn chầu, hành trạng, sự tích từng nhân vật trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn tỉnh.

Đối với di sản văn hoá vật thể, từ năm 2016 đến nay, tỉnh ta có 1 di tích được Bộ VH, TT và DL xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt là Chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) và 2 di tích xếp hạng cấp quốc gia gồm: Đền - Chùa Hà Dương, xã Hoàng Nam (Nghĩa Hưng), Đền thờ Trạng Nguyên Đào Sư Tích, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh). UBND tỉnh cấp bằng công nhận Di tích lịch sử  - văn hoá cấp tỉnh cho 41 di tích. Nhiều địa phương có di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng đã có nhiều cách làm sáng tạo trong công tác huy động các nguồn lực bảo tồn di tích; tiêu biểu như các huyện: Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường, Nam Trực, Ý Yên… Các địa phương đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ, tôn tạo di tích, huy động nguồn kinh phí ủng hộ của nhân dân, tín đồ, Phật tử, chức sắc tôn giáo, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, con em xa quê để kịp thời tu bổ, tôn tạo các di tích bị xuống cấp… Ở huyện Xuân Trường, hằng năm, các xã, thị trấn đều kiện toàn Ban quản lý di tích, lập kế hoạch bảo vệ và quản lý những cổ vật, di sản gắn với di tích, đồng thời đề ra các giải pháp thúc đẩy công tác xã hội hóa, khuyến khích các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đóng góp kinh phí để tu bổ di tích. Nhiều xã như: Xuân Kiên, Xuân Ninh, Xuân Vinh, Xuân Hồng, Xuân Bắc… đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực cho việc tu bổ, tôn tạo di tích đảm bảo chất lượng và giữ được nguyên vẹn kiến trúc gốc. Huyện Giao Thuỷ hiện có 41 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng (9 di tích cấp quốc gia, 32 di tích cấp tỉnh). Để bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, hằng năm UBND huyện tổ chức tập huấn, quán triệt nội dung Luật Di sản văn hóa và các văn bản quy định của Nhà nước về trùng tu, tôn tạo di tích, tổ chức và quản lý lễ hội cho cán bộ văn hóa các xã, thị trấn; các thủ từ, trụ trì các đền, chùa. Ở Thành phố Nam Định, đối với các di tích là chùa, thực hiện phong trào “Ba an toàn” về ANTT, Ban đại diện Phật giáo thành phố đã vận động tăng, ni, tín đồ Phật tử tăng cường đầu tư các thiết bị bảo vệ an toàn tài sản ở các chùa như: khóa chống trộm, két sắt, lắp đặt thiết bị báo động, camera... Ban quản lý di tích các địa phương thực hiện tốt công tác tổ chức và quản lý lễ hội, từng bước khôi phục các hoạt động văn hóa, các trò chơi dân gian, gắn lễ hội với việc giáo dục truyền thống của địa phương.

Để phát huy giá trị các di sản văn hoá thời gian tới, Sở VH, TT và DL tăng cường chỉ đạo Phòng Quản lý Di sản, Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tiếp tục khảo sát các di sản văn hoá vật thể, phi vật thể tiêu biểu để lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh, Bộ VH, TT và DL vinh danh cấp tỉnh và quốc gia. Tăng cường công tác tổ chức trưng bày, triển lãm di sản tại Bảo tàng tỉnh và Bảo tàng các huyện nhằm phát huy giá trị lịch sử, văn hoá các di sản. Các địa phương tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về Luật Di sản, đảm bảo thực hiện đúng các quy định về công tác tổ chức và quản lý lễ hội truyền thống. Sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí của Nhà nước, đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư vào các khu, điểm du lịch tâm linh. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tâm linh, đặc biệt về tín ngưỡng, tôn giáo và những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với di tích, góp phần quảng bá hình ảnh, văn hoá mảnh đất, con người Nam Định./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com