Hoành Sơn thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội

06:09, 08/09/2017

Năm 2014, xã Hoành Sơn là 1 trong 7 đơn vị được huyện Giao Thủy chọn làm thí điểm thực hiện nếp sống văn minh (NSVM) trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Dưới sự chỉ đạo của Đảng uỷ, UBND, sự “vào cuộc” của các ngành, đoàn thể trong xã, đến nay việc thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang và lễ hội ở Hoành Sơn đã đi vào nền nếp, góp phần làm cho đời sống văn hóa cộng đồng phát triển theo hướng lành mạnh, tiến bộ, văn minh.

Gia đình bà Phạm Thị Dung, xóm 6 là gia đình văn hoá tiêu biểu thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Gia đình bà Phạm Thị Dung, xóm 6 là gia đình văn hoá tiêu biểu thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Trò chuyện với người dân nơi đây, chúng tôi được biết: Trước đây việc tổ chức các đám hiếu, đám hỷ, mừng thọ, mừng tân gia ở xã Hoành Sơn còn nặng nhiều về hình thức. Đặc biệt các đám cưới thường kéo dài từ 3-5 ngày, tình trạng ăn uống linh đình, cỗ bàn tràn lan gây lãng phí và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Tục “làm cỗ lấy phần” và “ăn cỗ lấy phần” ở địa phương đã hình thành thói quen “trả nợ miệng” trong đời sống cộng đồng. Theo lệ cũ, trong mỗi đám cưới gia chủ tổ chức từ 100-120 mâm cỗ, giết từ 3-5 con lợn, 30-50 con gà, hàng chục cân giò để đảm bảo mỗi mâm từ 10-12 món ăn tại chỗ và để gói phần mang về. Tục lệ này đã gây tốn kém cho nhiều gia đình, nhất là những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Nhận thấy sự bất cập đó, tháng 1-2017, Đảng uỷ, UBND xã Hoành Sơn đã xây dựng, ban hành quy ước sửa đổi, bổ sung việc thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên cơ sở kế thừa các văn bản chỉ đạo của tỉnh, của huyện. Quy ước được thông qua 17 xóm để họp bàn công khai, dân chủ để lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Sau khi chủ trương được thống nhất, các bí thư chi bộ, trưởng xóm đã trực tiếp đến các gia đình tuyên truyền mô hình “Làm cỗ đủ ăn, không làm cỗ lấy phần và ăn cỗ lấy phần”. Cụ thể, mỗi đám cưới được giới hạn từ 50-70 mâm, khách mời không quá 6 người/mâm, mỗi mâm không quá 5 món chính, không để túi ni lông trên bàn, hạn chế mời thuốc lá… Từ việc tuyên truyền, vận động các hộ dân đã thực hiện nghiêm túc quy ước NSVM trong việc cưới... Gia đình ông Nguyễn Văn Quân là trường hợp đầu tiên ở xóm 4 thực hiện NSVM trong việc cưới. Ông Quân chia sẻ: Đầu năm 2017, gia đình tôi có tổ chức đám cưới cho con trai vào thời điểm địa phương triển khai thực hiện quy ước NSVM nên gia đình làm cỗ ít, hạn chế tối đa số lượng khách mời, các món ăn được tính toán sao cho phù hợp với kinh tế. Việc tổ chức đám cưới theo NSVM được cấp ủy, chính quyền địa phương và anh em, bạn bè, hàng xóm ủng hộ nên tôi rất phấn khởi và mong muốn quy ước tiếp tục được thực hiện sâu rộng trong cộng đồng. Bên cạnh việc xoá bỏ tục lệ “làm cỗ lấy phần” và “ăn cỗ lấy phần” trong các đám cưới thì việc tổ chức đám cưới theo hình thức tiệc ngọt, không mời thuốc lá cũng được chính quyền xã khuyến khích, vận động nhân dân thực hiện. Nhờ đó, 80% các đám cưới diễn ra trên địa bàn xã đã giảm được nhiều thủ tục rườm rà. Các nghi thức như: lễ dạm ngõ, lễ ăn hỏi, lễ lại mặt... được tổ chức giản dị nhưng trang trọng, đầm ấm. Nhiều nét đẹp văn hóa được hình thành trong các đám cưới: Lễ ăn hỏi chỉ diễn ra trước lễ cưới 1 ngày; lễ đón dâu được tổ chức trang trọng, lịch sự, phù hợp truyền thống; việc tổ chức đưa đón dâu đã chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự công cộng.

Các đám tang trên địa bàn xã cũng được tổ chức theo đúng quy chế, có sự chủ trì của cán bộ xóm phối hợp cùng gia quyến để các nghi lễ được tiến hành trang trọng, ngắn gọn, tiết kiệm. Các đám tang không còn các hủ tục: đưa tang bắc cầu, đưa tang quanh làng, lăn đường, khóc mướn, rải vàng mã và tiền lẻ trên đường đưa tang, không cử nhạc lễ trước 6h sáng và sau 22h và không để linh cữu người quá cố trong nhà sau 48 tiếng; việc sử dụng vòng hoa luân chuyển dần được thực hiện. Hầu hết các gia đình chọn hình thức hỏa táng người qua đời. Nghĩa trang nhân dân được quy hoạch xa khu dân cư, xa nguồn nước và được chia làm 2 khu hung táng và cát táng riêng biệt. Gia đình bà Phạm Thị Mỹ, xóm 14 là một trong nhiều gia đình ở xã chọn hình thức hỏa táng cho người thân đã mất. Khi được hỏi lý do gia đình chọn hình thức này, bà Mỹ cho biết: Việc hỏa táng vừa nhanh gọn, vệ sinh, không phải qua cải táng, di dời mộ mà vẫn có thể đèn nhang, hương khói, lễ bái chu tất, không ảnh hưởng đến đời sống tâm linh. Đồng chí Doãn Văn Hiệp, cán bộ văn hoá xã Hoành Sơn cho biết: Theo tính toán của những gia đình có người qua đời trước kia mỗi trường hợp hung táng sẽ phải chi phí chôn cất ban đầu và chi phí cát táng từ 20-25 triệu đồng trở lên, trong khi nếu sử dụng hình thức hỏa táng sẽ chỉ mất một lần chi phí khoảng từ 10-15 triệu đồng, bảo đảm vệ sinh môi trường, giảm thiểu đáng kể các chi phí phát sinh. Nhiều gia đình khác có người thân qua đời trên địa bàn xã chọn hình thức hỏa táng. Tính đến hết tháng 6-2017, toàn xã có 46 đám tang, trong đó có trên 90% các đám tang thực hiện việc hoả táng người đã khuất...

Là địa phương có nhiều di sản văn hoá, việc tổ chức các lễ hội ở Hoành Sơn được thực hiện theo quy ước NSVM, tiết kiệm, mang ý nghĩa giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Trong ngày hội, Ban tổ chức lễ hội được thành lập với sự tham gia của chính quyền xã và các ngành, đoàn thể; xây dựng kịch bản và quản lý chặt chẽ các hoạt động diễn ra trong lễ hội; đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu về di tích, phổ biến quy chế lễ hội và nội quy bảo vệ di tích, bảo vệ môi trường cảnh quan di tích. Hằng năm, lễ hội tại 6 di tích lịch sử - văn hoá được Nhà nước xếp hạng ở Hoành Sơn như: chùa Nổi, chùa Hưng Phúc, chùa Vạn Phúc, chùa Phổ Quang, từ đường họ Nguyễn, từ đường họ Doãn đã thu hút đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương tham dự, không chỉ bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc mà còn góp phần quảng bá, thu hút khách du lịch, phát huy giá trị đời sống tâm linh trong xã hội.

Việc thực hiện tốt quy ước NSVM trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã tác động tích cực đến phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ở xã Hoành Sơn, góp phần bồi dưỡng, phát huy nhân tố con người trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com