Yên Lộc bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống

05:05, 05/05/2017

Xã Yên Lộc (Ý Yên) là vùng đất cổ. Bản sắc văn hoá truyền thống nơi đây được thể hiện đậm nét qua lối sống, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo gắn liền với những tên đất, tên làng hiện vẫn được bảo tồn.

Xã Yên Lộc được hình thành cách đây khoảng 2.000 năm bởi phù sa vùng hạ lưu sông Hồng. Các lớp đất phù sa bồi đắp không đều tạo thành những gò đống cao và nhiều cánh đồng chiêm trũng như: Rộc Điềng, Rộc Vò, Đình Điềng… Theo các thần phả, tộc phả và sự tích truyền lại thì tổ tiên các dòng họ: Đinh, Lê, Trần, Phạm, Đỗ, Ngô, Vũ, Hoàng, Đặng từ các vùng Bắc Ninh, Thanh Hoá, Hoà Bình, Ninh Bình đi theo dòng sông Hồng, sông Đáy đã về đây khai khẩn vùng đất sa bồi này để sinh cơ lập nghiệp, tạo dựng xóm, làng. Các bậc tiền nhân xưa đã đặt tên cho các làng theo địa tích, sự tích lịch sử như: Đông Cao, Sài Mộc, Vụ Ngoại, An Phú, An Lạc, An Đăng, Phúc Đình… Mỗi làng đều có những thuần phong mỹ tục với nét sinh hoạt cộng đồng riêng tạo thành sắc thái văn hoá khác nhau.Trong quá trình khai hoang, lập ấp, tổ tiên các dòng họ đã bền bỉ vật lộn với thiên tai khắc nghiệt, chung sức đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi, xây dựng quê hương trù phú, phát triển. Quê hương Yên Lộc có truyền thống hiếu học từ lâu đời. Nơi đây đã sản sinh ra nhiều vị tướng tài ba, danh nhân văn hoá. Tiêu biểu như cụ Nguyễn Huy Địch, người làng Vụ Ngoại, đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo 3 (1442) giữ chức quan Tả thị lang thời Vua Lê Thái Tông; Tiến sĩ Lê Quý Doãn Trọng làm quan tri huyện Trung Thuận, tỉnh Thanh Hoá; Tiến sĩ Nguyễn Phục, Đô uý Tướng quân Ngô Đăng Đàn (thời Hậu Lê)… Ngoài ra còn có các vị Tú tài như: Lê Văn Đích (làng Đại Đồng), Ngô Văn Củng, Ngô Phúc Quỳnh, Ngô Phúc Cơ (làng Đống Cao), Nhất Thản (làng Hồng Thái), Nhì San, Nhì Văn, Nhất Thư, Nhất Cuông (làng Điền)… Là nơi lưu đậm dấu ấn văn minh lúa nước của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng nên từ xa xưa nhân dân Yên Lộc đã lập nhiều đình, đền thờ các đấng thần linh trong thiên nhiên như: thần mưa, thần nắng, thần sấm sét, thần gió giúp cho mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hoà. Ngoài ra các di tích còn là nơi tôn vinh công đức của các bậc tiền nhân, các danh nhân văn hoá của quê hương. Hiện toàn xã có 8 ngôi đình, đền, chùa và 2 nhà thờ tổ. Tiêu biểu như: Đình, Chùa Đông Cao Thượng thờ Thuỷ tộc Long Vương - Thuỷ thần tạo mưa gió giúp dân làng có nước cày cấy; Đình Vò Trại, làng Minh Đức thờ Thiên Lôi; Đình Vụ Ngoại, Đình Đông Cao Hạ thờ Vua Triệu Quang Phục; Đền Thái Long thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn; Đình, Chùa An Lạc thờ Tiến sĩ Nguyễn Phục - Danh tướng thời Vua Lê Nhân Tông… Đình, Chùa Đông Cao Thượng là di tích lịch sử - văn hoá được Nhà nước xếp hạng năm 2005.

Di tích lịch sử văn hoá Đình, Chùa Đông Cao Thượng, xã Yên Lộc.
Di tích lịch sử văn hoá Đình, Chùa Đông Cao Thượng, xã Yên Lộc.

Căn cứ vào thần tích, câu đối đại tự tại đình thì vào đời Vua Hùng thứ 6, Thuỷ tộc Long Vương được Vua Hùng giao cho trấn thủ vùng đất Sơn Nam. Ông thường gần gũi với nhân dân, giúp dân trong làng chống lại thiên tai, giặc loạn nên được dân làng lập đền thờ và phong là Thánh Bốn. Hằng năm, Thánh Bốn thường hiển linh vào ngày 13 tháng Giêng âm lịch ban mưa, gió giúp đồng ruộng của nhân dân có nước cày cấy, mùa màng bội thu. Đình Đông Cao Thượng trước kia chỉ là ngôi miếu nhỏ để nhân dân địa phương và thuyền, bè qua lại vùng cửa biển Đại Nha xưa thờ cúng. Ngày nay, đình được mở rộng và phối thờ Đức Thánh Trần và các tộc họ. Tại di tích hiện còn lưu giữ được 3 đạo sắc phong triều Nguyễn phong cho Thánh Bốn là Đức Minh Giám Đại Vương cùng nhiều đồ thờ tự có giá trị như: ngai và bài vị thờ Thánh Bốn, bức trướng “Hoàng đế mỹ tự” của vua ban, đại tự cuốn thư, chuông đồng niên hiệu Tự Đức 12 (1859)… Lễ hội Đình Đông Cao Thượng được tổ chức 3 năm một lần từ ngày 11 đến hết ngày 16 tháng Giêng âm lịch kỷ niệm ngày sinh của Thuỷ tộc Long Vương. Trong lễ hội diễn ra các nghi thức: tế nhập tịch, tế thánh, rước kiệu, tế tạ, tục yến lão cùng các trò chơi dân gian: đánh cờ người, leo cầu ngô… Đặc biệt, trong ngày kỵ Thánh 13 tháng Giêng âm lịch, ngay từ sáng sớm, các tộc trưởng và các bậc cao niên 6 giáp trong làng tổ chức rước bát nhang và khí tự trong cung cấm ra sân đình làm lễ tế. Các gia đình trong mỗi dòng họ chuẩn bị lễ vật như: bánh chưng, bánh dầy, xôi nén, chè kho, hoa quả… để dâng thánh, tế cẩn thần linh. Sau đó là nghi thức rước nước từ ngã ba sông Đào và sông Chanh. Đi đầu đoàn rước là đội cờ, đội chấp kích, đội múa sư tử, phụ kiệu cùng các tín dồ, phật tử, các chức sắc tôn giáo và đông đảo nhân dân hoà cùng âm thanh của tiếng trống, tiếng nhạc, não bạt, thanh la rộn rã… Lễ hội Đình Đông Cao Thượng là lễ hội lớn nhất ở xã; ngoài ra, nhiều lễ hội làng truyền thống khác cũng diễn ra sôi nổi tạo nên nét đẹp văn hoá cộng đồng làng xã. Hằng năm, cứ vào dịp đầu xuân hay tiết trời sang thu mát mẻ, nhân dân trong các làng lại tưng bừng mở hội. Tiêu biểu là hội làng Đông Cao, hội làng Vụ Ngoại được tổ chức vào ngày 15-8 âm lịch; hội làng Điền, hội làng An Đăng được tổ chức theo mùa trong năm; hội làng Minh Đức diễn ra vào dịp tháng 10 âm lịch… Tuỳ theo tín ngưỡng, phong tục của từng làng, mỗi lễ hội đều có những nét văn hoá riêng. Lễ hội thường có 2 phần gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức trang trọng, uy nghiêm theo nghi thức tâm linh nhằm tưởng nhớ công lao của các nhân thần trong truyền thuyết hoặc thuỷ tổ các dòng họ có công với dân làng, với quê hương. Trong phần lễ có nghi thức rước kiệu quanh làng và nghi lễ tế thánh linh thiêng. Phần hội diễn ra các trò chơi dân gian độc đáo mà làng nào cũng có là thi đấu cờ tướng, hát ca trù, chầu văn và ngâm, bình thơ phú. Đặc biệt, tại phần hội còn diễn ra các môn thể thao thi đấu như: bóng chuyền, kéo co, vật võ… Năm nào cũng vậy, hội làng Đông Cao diễn ra trò chơi vật cầu (cướp cầu) đầu xuân thu hút đông đảo nhân dân địa phương và các xã lân cận về tham dự. Tương truyền đây là hình thức cầu mưa của dân làng. Cầu gồm ba quả được làm bằng gỗ hình tròn, sơn son. Ngày thường, các quả cầu được đặt trên ban thờ trong cung cấm tại Đình Đông Cao Thượng. Trong ngày hội, cầu được thủ nhang rước ra sân đình làm lễ, tổ chức vật cầu. Mỗi giáp trong làng cử 10-12 thanh niên khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, cởi trần, đầu quấn khăn đỏ để tham gia trò chơi. Mâm cầu xoay, trong ba quả cầu, quả nào rơi xuống trước được ban tổ chức lựa chọn để mọi người vật cầu. Trong số những người tham dự, người giáp nào cướp được cầu thì phải tìm cách ném cầu vào hố sâu 1m với sự cản trở của 3 thanh niên giáp khác. Ai cho được cầu xuống hố đúng quy định là người thắng cuộc. Trò chơi vật cầu đầu xuân đã trở thành nét đẹp văn hoá dân gian độc đáo, đáp ứng nhu cầu tâm linh, ước nguyện cầu may, cầu phúc, cầu tài trong nhân dân. Cùng với giá trị tín ngưỡng, nét đẹp văn hoá truyền thống ở Yên Lộc còn thể hiện sâu sắc qua những hình ảnh làng quê như: giếng làng, chợ quê, cây đa, cây gạo đại thụ… Nằm ngay sát dòng sông Đào, là nơi giao thương với các xã lân cận, chợ Đông Cao là khu chợ duy nhất ở xã, đóng vai trò quan trọng trong việc phục vụ đời sống hằng ngày của nhân dân trong vùng. Chợ họp vào các ngày mồng 2, 5, 8 âm lịch và bày bán rất nhiều loại hàng hóa khác nhau, từ nải chuối, buồng cau, đến hàng tiêu dùng, nông cụ sản xuất. Từ lâu chợ Đông Cao là nơi trao đổi, buôn bán hàng hóa, đồng thời là điểm gặp gỡ giao lưu của bà con lối xóm.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những giá trị văn hoá truyền thống ở Yên Lộc vẫn chiếm được vị trí thiêng liêng trong đời sống tinh thần của người dân. Ý thức hướng về nguồn cội ở Yên Lộc hiện vẫn đang được bảo tồn, lưu truyền và phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần đúc kết thành các giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com