Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện công cộng

08:09, 14/09/2013

Hưởng ứng cuộc vận động “Học tập suốt đời” do Bộ VH, TT và DL phát động, những năm qua, hệ thống thư viện công cộng tỉnh ta đã triển khai các hoạt động thiết thực, hiệu quả nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc.

Hệ thống thư viên công cộng ở tỉnh ta gồm có 1 Thư viện tỉnh, 10 Thư viện huyện, thành phố và 435 tủ sách cơ sở. Tổng số sách của toàn hệ thống thư viện là gần 300 nghìn bản và 300 loại báo, tạp chí. Trong đó, Thư viện tỉnh có 5 phòng đọc tại chỗ (Phòng đọc Tổng hợp,  Phòng đọc Điện tử, Phòng đọc Báo, tạp chí, Phòng đọc Ngoại văn, Phòng đọc Thiếu nhi) và 1 Phòng Mượn. Tổng số thẻ bạn đọc cấp, đổi trong 3 năm gần đây là 4.300 thẻ; mỗi ngày trung bình có khoảng 200 lượt người đến Thư viện tỉnh đọc sách, báo, tra cứu thông tin. Ngoài việc phục vụ bạn đọc mượn sách, báo đọc tại chỗ và đọc ở nhà, Thư viện tỉnh còn phục vụ yêu cầu thường xuyên hay đột xuất việc tra tìm thông tin, dữ liệu thông tin có chọn lọc. Bạn đọc cũng có thể tìm trên mạng máy tính và đọc các tài liệu điện tử tại Phòng đọc Điện tử của thư viện. Mặt khác, Thư viện tỉnh cũng quan tâm cải tiến hình thức, nội dung, chất lượng phục vụ bạn đọc, cải tiến thủ tục cấp thẻ, mượn, trả tài liệu; chú trọng công tác tuyên truyền, giới thiệu về thư viện, giới thiệu sách, báo trực quan; tổ chức luân chuyển 15 nghìn lượt sách cho 30 thư viện huyện và tủ sách cơ sở. Ngoài ra, Thư viện tỉnh đã chủ động lập kế hoạch phục vụ và phối hợp với các thư viện cấp huyện, thư viện cơ sở tổ chức tốt các đợt luân chuyển và phục vụ lưu động đến khối trường học, khối các cơ quan trên địa bàn tỉnh; tổ chức các hoạt động phục vụ sách, báo theo chuyên đề cho thiếu nhi trong dịp hè. Công tác phục vụ bạn đọc của hệ thống thư viện cơ sở cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Trong 3 năm, hệ thống thư viện cấp huyện đã phục vụ được 190.500 lượt bạn đọc và 571.500 lượt sách, báo lưu hành. Ngoài việc bổ sung, xử lý sách mới, Thư viện tỉnh còn tiến hành hồi cố các kho sách; xử lý lại tài liệu theo các chuẩn nghiệp vụ DDC, MACR21, AACR2 và nhập vào cơ sở dữ liệu phần mềm tích hợp thư viện điện tử Ilib nhằm phục vụ bạn đọc hiệu quả nhất. Đến nay, Thư viện tỉnh đã hoàn thành việc hồi cố sách ở kho sách Thiếu nhi, kho Luân chuyển, kho Đọc với gần 60 nghìn biểu ghi. Trong 3 năm qua, hệ thống thư viện cấp huyện và khối thư viện cơ quan, trường học đã phối hợp tốt với Thư viện tỉnh tổ chức luân chuyển 24.300 lượt sách cho 81 đơn vị cơ sở. Ngoài việc phối hợp với Thư viện tỉnh trong công tác luân chuyển sách, các thư viện cấp huyện còn tăng cường luân chuyển và phục vụ sách lưu động cho các thư viện cấp xã. Trong đó, thư viện cấp xã đã phục vụ được 4.763.250 lượt bạn đọc với 14.289.750 lượt sách, báo lưu hành.

Thiếu nhi đọc sách tại Thư viện tỉnh.
Thiếu nhi đọc sách tại Thư viện tỉnh.

Theo Pháp lệnh Thư viện, thư viện công cộng do UBND các cấp thành lập, với đối tượng phục vụ là nhân dân địa phương. Nhiệm vụ chủ yếu của các thư viện công cộng là thỏa mãn nhu cầu tra cứu, tìm hiểu thông tin của nhân dân. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp vì đối tượng phục vụ của các thư viện khá đa dạng. Hiện nay, trước sự xuất hiện ồ ạt của các loại hình giải trí và các phương tiện thông tin, nghe nhìn hiện đại đã ảnh hưởng không nhỏ đến văn hoá đọc nói chung và hoạt động của hệ thống thư viện nói riêng. Hệ thống thư viện công cộng ở tỉnh ta mặc dù có những nỗ lực đổi mới song cũng không nằm ngoài tình trạng hoạt động kém hiệu quả do cơ sở vật chất khó khăn, đầu sách nghèo nàn. Hệ thống thư viện huyện hoạt động vừa thiếu, vừa yếu so với nhu cầu phát triển của xã hội và nhu cầu hưởng thụ văn hoá, giải trí ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân do cơ sở vật chất lạc hậu, nhiều thư viện cấp huyện chưa có trụ sở cố định, phải hoạt động chung với các cơ quan, đơn vị khác. Toàn tỉnh hiện có 6/9 thư viện huyện không có trụ sở riêng mà nằm trong Trung tâm VH-TT hoặc Phòng VH-TT huyện. Có 2 thư viện huyện có trụ sở độc lập nhưng đã xây dựng từ lâu là Thư viện huyện Hải Hậu (xây dựng năm 1977), Thư viện huyện Ý Yên (xây dựng năm 1995) và 1 thư viện chung với Bảo tàng là Thư viện huyện Nam Trực (xây dựng năm 2008). Những thư viện này tuy có trụ sở độc lập nhưng còn chật chội và đã xuống cấp. Bên cạnh đó, phương thức phục vụ của hệ thống thư viện còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa đáp ứng được nhu cầu của độc giả. Đặc biệt trước xu thế thông tin điện tử phát triển với tốc độ nhanh, một bộ phận lớn giới trẻ thường say mê tìm hiểu thông tin trên các thiết bị điện tử nên không còn mặn mà với các thư viện công cộng. Mặt khác, những áp lực công việc hằng ngày khiến người dân không có thời gian tới thư viện.

Để nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thư viện công cộng, phải xây dựng thư viện theo mô hình hiện đại. Đó phải là một trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, với các dịch vụ bổ trợ để người dân đến thư viện có thể vừa đọc sách vừa thư giãn, vừa truy cập internet để tìm kiếm thông tin, nâng cao kiến thức. Từng bước số hóa các tài liệu địa chí, tài liệu quý hiếm, các công trình nghiên cứu khoa học tại Thư viện tỉnh. Xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, tin học, ngoại ngữ và ý thức chính trị cho đội ngũ cán bộ thư viện. Triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa nói chung, trong việc đầu tư xây dựng các thư viện tư nhân, thư viện gia đình có phục vụ cộng đồng nói riêng; phát triển rộng rãi các tủ sách ở thôn, xóm, khu dân cư phục vụ nhân dân, phát triển các hình thức phục vụ ngoài thư viện, luân chuyển sách thích hợp với điều kiện của địa phương để mỗi người dân đều có cơ hội tốt nhất tiếp cận và sử dụng sách của thư viện. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn đọc sách bởi đây là những hình thức hoạt động đặc thù của các thư viện công cộng nhằm kích thích, định hướng, phát triển nhu cầu thông tin lành mạnh và thu hút các tầng lớp nhân dân khai thác hiệu quả thư viện góp phần nâng cao dân trí, xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com