Tục hái lộc đêm giao thừa

09:02, 06/02/2013

Mỗi khi Tết đến, Xuân về, người Việt thường có tục đi hái lộc vào đêm giao thừa để cầu mong có sự sống mạnh khoẻ, dẻo dai và có ích như loài cây.

Cành lộc thường được chọn là loại cây có phong cách, dáng dấp người quân tử, thể hiện sự bao dung và nhân ái. Cũng theo phong tục cổ truyền và quan niệm của người xưa thì lộc xuân hái từ những cây thuốc thuộc bộ tứ linh thực vật (đa, sung, sanh, si) sẽ đem lại kết quả tốt đẹp nhất vì những cây này tương ứng với bộ tứ linh động vật (long, lân, quy, phụng) trấn ải vùng ngoại thất, còn những lộc hái từ những cây thuộc bộ tứ quý thực vật (tùng, cúc, trúc, mai) ứng với tứ bình thuộc phạm vi nội thất. Bốn góc nhà sẽ phối hợp tạo niềm vui, hạnh phúc và sức khoẻ cho mọi người trong gia đình.

Những cây trong bộ tứ linh (đa, sung, sanh, si) được xếp cùng chi, họ hàng mật thiết với nhau cùng có nhựa và mủ giữ nước và kéo dài sự sống. Cành lộc sau khi hái được ẩm độ cao của bầu khí quyển mùa xuân tiếp sức, cành lộc xanh tươi đến hàng tuần, hàng tháng vừa tạo vẻ mỹ quan vừa trấn an tinh thần chủ nhân.

Những cây trong bộ tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai) thuộc bốn bộ thực vật khác nhau nhưng đều là những cây có khả năng sinh trưởng và tái sinh mạnh sau khi hái lộc nên không sợ chết nhưng vì không có mủ và nhựa nên khả năng chịu đựng kém hơn.

Đứng đầu của tứ quý là tùng, có thể chọn loại tùng La Hán, tùng Tuyết, không nên vặt ngọn tùng Bách tán vì tùng này khó phát trồi cành, đặc biệt phải kiêng tùng Bách diệp (Trắc Bách diệp) vì loại cây này (có lá mặt, lá trái) do lá xếp đứng, mặt phẳng lá song song với trục thân. Cúc thì nên chọn cúc Mốc (loại cúc này thường dùng lá cho vào nước chè tươi), là loại “diệp bất ly thân, hoa bất lạc địa” tượng trưng cho sự sum họp, vui vầy, gắn bó trong gia đình. Cúc Mốc cũng là cây phân nhánh nhiều dù có hái cũng ít gây hại cho cây mẹ. Trúc thì nên chọn cành trúc tăm hay trúc Di lặc vừa đẹp vừa bền, khí thế hiên ngang như người quân tử. Còn mai thì nên chọn mai tứ quý có bộ lá cứng xanh thẫm, hoa đơn tính cùng gốc chủ cho bốn mùa xanh, đỏ, trắng, vàng rực rỡ.

Lộc hái về nên đặt ở nơi trang trọng (gian chính diện hoặc trước bàn thờ), nếu là loại có nhựa, mủ có khả năng chịu khô hạn giỏi chỉ cần khí ấm đầu xuân cũng đủ giúp chúng tươi lâu, còn loại không có nhựa, mủ thì cắm trong bình, lọ có nước có pha thêm chất dinh dưỡng và kháng sinh.

Mùa xuân là mùa cây cối phát triển đâm trồi nảy lộc sau mùa đông lạnh giá, đúng vào lúc giao thừa xuất hành hái lộc sẽ đem lại niềm vui và hy vọng mọi điều cho bản thân và gia đình một năm mới ấm no, hạnh phúc. Người đi hái lộc lấy may cho gia đình phải là người cao tuổi hoặc chủ gia đình, đồng thời cũng phải là người sởi lởi, vui tính có đạo đức mẫu mực trong cuộc sống với bà con hàng xóm./.

H.H
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com