Giao Thuỷ bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hoá

06:02, 01/02/2013

Huyện Giao Thủy có hàng trăm di tích, trong đó có 21 di tích được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh. Tiêu biểu như: Đình Kiên Hành ở xã Giao Hải; đền chùa Thanh Khiết ở xã Giao Yến; đền chùa Diêm Điền, đền chính Hoành Nhị, Thị trấn Ngô Đồng; chùa Hoành Lộ ở xã Giao An; chùa Tùng Lâm ở xã Bình Hòa và chùa Vĩnh Nghiêm ở xã Giao Tân. Bên cạnh yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng, các di tích và quần thể di tích trên địa bàn huyện mang ý nghĩa tôn vinh, thể hiện sự tri ân của thế hệ sau với công đức của các bậc tiền nhân, các danh nhân đã có công khai hoang, mở đất, đấu tranh bảo vệ quê hương.

Từ nguồn kinh phí đóng góp của nhân dân, chùa Linh Ứng, Thị trấn Ngô Đồng được tôn tạo khang trang, góp phần chống xuống cấp di tích. Bài và ảnh: Việt Thắng
Từ nguồn kinh phí đóng góp của nhân dân, chùa Linh Ứng, Thị trấn Ngô Đồng được tôn tạo khang trang, góp phần chống xuống cấp di tích.

Những năm qua, huyện Giao Thủy luôn chú trọng công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích. Đối với các di tích được Nhà nước xếp hạng, chính quyền các cấp đều thành lập ban quản lý di tích do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã, thị trấn làm trưởng ban; có quy chế quản lý, tổ chức các hoạt động theo Quyết định 681 của UBND tỉnh. Cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân địa phương làm tốt công tác kiểm kê, chống xuống cấp, phát huy giá trị di tích. Ban quản lý di tích ở các xã, thị trấn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp nhân dân và khách tham quan nhận thức đầy đủ về các giá trị của di tích. Từ nguồn kinh phí tôn tạo di tích hằng năm của Nhà nước, các di tích được trùng tu tôn tạo đúng quy định, đảm bảo chất lượng và giữ được kiến trúc gốc. Đình làng Thanh Khiết, xã Giao Yến thờ Đức Thánh Triệu Việt Vương và các vị tổ có công lập làng thuộc các dòng họ: Lưu, Vũ, Đỗ, Trần, Đặng, Nguyễn. Đình làng Thanh Khiết cùng với chùa Thanh Khiết đã được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử văn hóa từ năm 2007. Đình làng Thanh Khiết là di tích lịch sử tiêu biểu cho kiến trúc nghệ thuật thời Hậu Lê đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Đầu năm 2011, nhân dân trong làng đã tiến hành trùng tu công trình. Sau gần một năm thi công với kinh phí gần 3 tỷ đồng và trên 5.000 ngày công lao động, công trình trùng tu đình làng Thanh Khiết đã hoàn thành và vẫn giữ được nguyên trạng kiến trúc truyền thống, đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân trong vùng. Trong 2 năm qua, công tác tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích ở huyện Giao Thủy đạt nhiều kết quả tích cực. Nguồn kinh phí được sử dụng đúng mục đích; công tác tu sửa được tiến hành đúng nguyên tắc phục chế, nâng cao giá trị di tích. Tiêu biểu như đình chùa Vĩnh Nghiêm, xã Giao Tân đầu tư tu sửa với kinh phí hơn 5 tỷ đồng; chùa Hoành Lộ, xã Giao An và chùa Đan Phượng được trùng tu với kinh phí trên 3 tỷ đồng, chùa Giao Thanh xây cổng tam quan với kinh phí trên 1,2 tỷ đồng. Bên cạnh việc huy động các nguồn lực đầu tư chống xuống cấp di tích, việc tổ chức và quản lý di tích và lễ hội được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo. Các lễ hội truyền thống đã được tổ chức, thực hiện nghiêm theo Chỉ thị 27, Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý lễ hội. Năm 2011, UBND huyện Giao Thủy ban hành kế hoạch thực hiện “Quy ước trong tổ chức và quản lý lễ hội” trên địa bàn. Theo đó, tất cả các địa phương phải thành lập ban tổ chức lễ hội. Nghi thức lễ hội được tiến hành trang trọng theo truyền thống văn hóa dân tộc. Việc tổ chức những trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa, thể thao trong khu vực lễ hội có nội dung bổ ích, lành mạnh, phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm của lễ hội; không đốt pháo, thả đèn trời; bỏ rác vào nơi quy định, giữ gìn vệ sinh môi trường, không bán vé vào dự lễ hội, nghiêm cấm lợi dụng lễ hội để hành nghề cờ bạc, mê tín dị đoan như xem số, xem bói, không đốt mã trong khu vực lễ hội. Các hoạt động phần lễ và phần hội được tổ chức chu đáo, nghiêm túc diễn ra sôi động là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, làm cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu được công lao tổ tiên, thêm tự hào về truyền thống quê hương. Các lễ hội ở huyện Giao Thủy gắn với lịch sử mở đất, quai đê lấn biển, tưởng nhớ người có công khai hoang dựng làng, lập ấp nên các trò chơi dân gian trong lễ hội thường có nguồn gốc từ lao động sản xuất, phản ánh sức mạnh của con người chinh phục thiên nhiên như: đấu vật, đấu võ, bơi chải, cà kheo, kéo co... kết hợp với các hoạt động văn hoá, thể thao hiện đại.

Để nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa bảo tồn di tích, năm 2013, Phòng Văn hóa huyện Giao Thủy phối hợp với Ban quản lý di tích và danh thắng tỉnh tiến hành công tác khảo sát kiểm kê di tích, nhằm đánh giá thực trạng các di tích lịch sử, văn hoá, trên cơ sở đó lập quy hoạch tổng thể bảo tồn và tôn tạo đối với từng di tích, đồng thời sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước và đóng góp của nhân dân để tu bổ, tôn tạo phát huy giá trị của các di tích lịch sử, văn hoá./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com