Hoa trong tuỳ bút !

09:02, 09/02/2013

Dù thế giới này phát triển đến đâu, khoa học kỹ thuật phục vụ cho đời sống con người ngày càng tăng cao, thì con người vẫn mãi mãi cần đến các loài hoa. Hoa là sự kỳ diệu của trái đất, của thiên nhiên ban tặng cho con người.

Trong thế giới mà chúng ta đang sống, có những thứ dân tộc này thích, thì dân tộc khác lại không thích, nước này dùng thì nước khác lại không dùng, người này ưa thì người khác lại không ưa. Duy chỉ có một thứ, nước nào cũng thích, người nào cũng thích, mọi nơi, mọi người, mọi mùa, trẻ hay già, nam hay nữ đều thích… Vâng, đó chính là Hoa!

Tình yêu Hoa cũng thật lạ!

“Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Nhiều nước, nhiều thành phố lớn đã chọn một thứ hoa làm quốc hoa, làm biểu tượng cho thành phố của mình. Trong Quốc huy của người Nhật có hình hoa Cúc, và tấm huân chương cao quý nhất của nước Nhật là Huân chương Hoa Cúc. Người Hà Lan yêu Hoa Tuy-líp, người Bun-ga-ri yêu hoa Hồng, người Lào yêu hoa Chăm-pa… Thành phố Thượng Hải đã tổ chức bình tuyển 10 loại danh hoa truyền thống nổi tiếng nhất của Trung Quốc. Qua 14 vạn phiếu bầu, người ta đã chọn được 10 loại hoa, đứng đầu là hoa Mai, và tiếp theo là 9 loại hoa: Mẫu đơn, Cúc, Lan, Nguyệt Quế, Đỗ Quyên, Sơn Trà, Sen, Quế và Thuỷ tiên.

Hình như không có một nhà thơ nào lại không có một bài thơ Hoa. Tagore viết: “Khi cỏ hoang yêu, cỏ hoang thành hoa. Khi hoa yêu, hoa thành quả chín”. Chế Lan Viên viết: “Bông hoa mọc trên đá. Mùa xuân không chịu lùi”. Thơ Xuân Diệu: “Là hoa, là nụ, là cành. Là cả mùa xuân em tặng anh”. Phạm Hổ viết: “Chọn hoài mới được bông hoa. Tặng em, em nhận, thế là xuân sang”. Nguyễn Đình Thi ca ngợi đất nước mình: “Việt Nam đất nắng chan hoà. Hoa thơm, quả ngọt, bốn mùa trời xanh”.

Ảnh minh họa/Internet.
Ảnh minh họa/Internet.

Còn hơn 500 năm trước, thì Nguyễn Trãi viết: “Hoa thì hay héo, cỏ thường tươi”. Chín trăm năm trước thì Mãn Giác thiền sư viết: “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận. Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” (Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết. Đêm qua sân trước nở cành mai)… Một dòng sông Hoa bất tận chảy trong thơ, chảy tự ngàn xưa và sẽ còn chảy mãi!

Và hình như không có một hoạ sĩ nào lại không có một bức tranh hoa. Bức tranh kiệt tác “Hoa Diên Vĩ” của Vangogh bán mười vạn cây vàng. “Thiếu nữ bên Hoa Huệ” (1943) của Tô Ngọc Vân là một bức tranh nổi tiếng. Bước chân vào một phòng tranh nào, cũng có thể nhìn ngay thấy những bức tranh hoa!
Hoa nở quanh năm, nhưng mùa xuân mới là những ngày hội của hoa! Cả một rừng đào, rừng mai đua nở. Những vườn hoa Cúc Đại Đoá rực rỡ, nở vàng. Hải đường màu đỏ, hoa súng màu tím mộc mạc, đơn sơ. Hoa Lay-ơn trắng, Lay-ơn phớt hồng, khoe vẻ thanh cao bên những bông hoa Păng-sê lộng lẫy. Hoa mặt trời đỏ chói, cúc vàng, cúc tím, rồi những bông hoa bướm thanh mảnh mà duyên dáng đủ màu sắc. Lại còn có cả một rừng hoa lan nữa. Những Lan Hoàng Thảo, Lan Phi Điệp, Hài Vệ Nữ, Quế Lan Hương, Long Tu, Kim Điệp, Bạch Ngọc, Hồng Tước… Các nhà du hành vũ trụ đã đem phong lan lên Tổ hợp nghiên cứu khoa học Chào mừng 6, và phong lan đã nở hoa trong phòng trồng cây vũ trụ. Một cụm Hoa Phong Lan đẹp nhất trong Hội Hoa thế giới, cứ ba năm tổ chức một lần, đã bán với giá một triệu USD, kể sao cho hết.

Thế giới loài hoa thật là kỳ diệu!

Có loài hoa khổng lồ đường kính to hơn một chiếc dù che nắng, lại có loài hoa bèo trứng cá nở li ti chưa đầy một mi-li-mét. Có cây Hồng nở đến một nghìn bông hoa. Cây tre sống tới một trăm năm, nhưng chỉ ra hoa một lần, rồi trở thành già cỗi, héo khô.

Nhưng hoa đã cả đời gắn bó với con người! Ngày sinh có hoa, ngày cưới có hoa, và khi đi xa mãi cũng có hoa. Trong nhà thì gạch hoa, giường hoa, chiếu hoa, chăn hoa, gối hoa, thảm hoa, đèn hoa… Ngoài sân thì tường hoa, chậu hoa, vườn hoa… Trong bữa ăn thì bát hoa, đĩa hoa, đến quả dưa leo, củ cà rốt, quả ớt đỏ, củ hành trắng… cũng trở thành hoa trên các món ăn.

Hoa gắn liền với cái đẹp, cái tài: Tài hoa, hoa tay, hoa khôi, hoa hậu… Khi chê, cũng nói đến hoa: ba hoa, hoa hoè hoa sói…

Hoa gắn liền với đời người. Còn nhỏ: tuổi hoa, lúc già: Tóc hoa râm, khi trẻ mặt hoa da phấn. Sáng, trưa, chiều, tối, rồi đêm khuya đều có hoa thường trực. Buổi sớm bông hồng bắt đầu nở, buổi trưa hoa Mười giờ, chín giờ tối hoa Dạ hương thơm nức và hoa Quỳnh chờ đợi trăng lên…

Trương Triều, nhà thơ cổ điển Trung Quốc viết: “Lấy lòng yêu hoa mà yêu mỹ nhân thì tất có cái thú riêng, lấy lòng yêu người đẹp mà yêu hoa thì mối tình thêm thắm…”. Ông lại nói: “Hoa không thể không có bướm, núi không thể không có suối, đá không thể không có rêu, cây lớn không thể không có dây leo và người ta không thể không đam mê một thứ gì!”.

Có lẽ vì thế mà con người dù ở nước nào, trên núi cao hay hải đảo, giữa đô thành lộng lẫy hay núi rừng xa xôi, cũng đều yêu hoa và người đẹp chăng?.

Trong bài “Minh Triết của Hoa”, Ô-Da-Ca Nhật Bản viết: “Đức Thích Ca nói với các môn đệ đang an toạ quanh người: Hôm nay xin nhường lại các ngươi tất cả bí quyết trong Minh Triết của ta.  Minh Triết ấy là đây” và Ngài chỉ vào một đoá hoa.

Ông lại viết: “Hoa có tiếng nói của hoa, cũng như tất cả những vẻ đẹp thiên nhiên đều có tiếng nói riêng tư, biển cả, sông núi, đồng nội đều có tiếng nói hùng hồn của chúng, xui khiến con người thấm thía”. Ô-Da-Ca nói, sự giàu có trong tiếng Nhật không tương đương với tiếng giàu có của phương Tây, nó không phải là mức độ thịnh vượng, mà là: “Một tâm trạng không lo âu, không có nỗi khổ tâm, nỗi dày xéo… Chữ giàu có là diễn tả một trạng thái tâm hồn!”.

Có lẽ vì thế mà loài người yêu hoa chăng? Và hoa đem đến cho chúng ta một sự giàu có trong tâm hồn chăng?

Bùi Thái Bình



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com