Sân khấu chuyên nghiệp Nam Định trong xu thế xã hội hoá

06:09, 07/09/2012

Từng là “vùng sân khấu mạnh” của cả nước nhưng trong cơ chế kinh tế thị trường, trước những biến đổi mạnh mẽ của đời sống xã hội, đặc biệt là sự phát triển của internet và các phương tiện nghe nhìn, sân khấu chuyên nghiệp (SKCN) Nam Định cũng dần dần thiếu vắng khán giả. Trong khó khăn, để từng bước thích ứng với xu thế xã hội hoá, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trong tỉnh đã có nhiều sáng tạo trong cách thức tiếp cận khán giả để duy trì hoạt động và phát triển nghệ thuật.

I - Thăng trầm giữa hai cơ chế

Tỉnh Nam Định nằm ở vị trí trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, có bề dày truyền thống văn hoá và trình độ dân trí khá đồng đều, là nền tảng vững chắc cho sự phát triển các loại hình văn học nghệ thuật nói chung, SKCN nói riêng. Trong thời kỳ bao cấp, mặc dù cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn nhưng các giá trị văn hoá tinh thần luôn giữ vị trí trung tâm trong đời sống xã hội. Nghệ thuật sân khấu khi ấy với ánh đèn màu rực rỡ, thiết kế mỹ thuật cách điệu, những màn múa lãng mạn đã thực sự nâng đỡ tâm hồn con người. Nội dung các vở diễn dù lấy đề tài từ hiện thực cuộc sống xã hội, các tích cổ, hoặc từ văn học nước ngoài nhưng đều bám sát quan điểm “bình cũ, rượu mới” (mượn tích xưa để nói chuyện hôm nay). Vào những năm 1985-1990, các vở diễn: “Khi lửa tình đã tắt”, “Vụ án 2.000 ngày”, “Mùa tôm”… của Đoàn Chèo; “Hoàng hậu Ba Tư”, “Bao công xử án Trần Sỹ Mỹ”, “Nỗi đau tình mẹ”… của Đoàn Cải lương; “Mùa hè ở biển”, “Đợi đến mùa xuân”, “Bệnh sỹ”… của Đoàn Kịch nói đã làm nức lòng khán giả. Ở vào thời điểm giao thời, khi đất nước đang chuyển từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế kinh tế thị trường, khi cơ chế cũ đang bộc lộ những hạn chế, cơ chế mới chưa hình thành, những mâu thuẫn, xung đột trong đời sống xã hội nảy sinh được phản ánh trực tiếp hoặc gián tiếp trong các tác phẩm sân khấu. Điều đặc biệt là thông qua những nhân vật số phận trong các vai diễn và qua cách giải quyết, xử lý những xung đột kịch trong các vở diễn, người xem cảm nhận được chân lý: “Cái tốt sẽ chiến thắng cái xấu, cái thiện sẽ chiến thắng cái ác”. Chủ đề tư tưởng xuyên suốt trong các vở diễn này là tính nhân ái, hướng thiện và mang đậm triết lý nhân sinh. Vào thời điểm này, các vở diễn của các đoàn nghệ thuật sau khi dàn dựng đều được biểu diễn hằng tháng tại các rạp Bình Minh, Nhà Văn hoá 3-2 (TP Nam Định) và được biểu diễn ròng rã từ 1 đến 2 năm tại các vùng quê trong tỉnh. Từ những năm 2000, khi cơ chế thị trường đi vào chiều sâu, cũng là thời điểm SKCN Nam Định thiếu vắng khán giả. Nếu như việc khán giả tìm đến sân khấu, coi sân khấu là “thánh đường” sẽ tạo sự thăng hoa, là nguồn sữa nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo nghệ thuật thì việc sân khấu phải đi tìm khán giả sẽ là sự hụt hẫng cho những người làm nghệ thuật. Trước sự đìu hiu, thiếu vắng khán giả trong những đêm diễn, ảnh hưởng đến doanh thu, niềm đam mê nghệ thuật và cảm xúc sáng tạo của các nghệ sỹ, diễn viên cũng vơi dần, ảnh hưởng đến chất lượng của vở diễn. Cứ như vậy, mối quan hệ giữa khán giả với nghệ thuật sân khấu ngày càng có khoảng cách. Vì sao khán giả không mặn mà với sân khấu? Làm thế nào để “kéo” được khán giả trở lại sân khấu? Những câu hỏi đó luôn là niềm trăn trở của lãnh đạo các cơ quan quản lý văn hoá và các đoàn nghệ thuật SKCN trong tỉnh.

Một cảnh trong vở “Trăng khuyết” của Nhà hát Chèo Nam Định. Ảnh: Việt Thắng
Một cảnh trong vở “Trăng khuyết” của Nhà hát Chèo Nam Định.
Ảnh:
Việt Thắng

Về nguyên nhân sâu xa của tình trạng sân khấu thiếu vắng khán giả, có nhiều cách lý giải. Trước hết, điều dễ nhận thấy là trong cơ chế thị trường, trong mối tương quan với đời sống xã hội, sân khấu đang mất dần vị thế trung tâm, thay vào đó là kinh tế. Và khi kinh tế chiếm vị thế trung tâm trong đời sống xã hội, sẽ chi phối thị hiếu thẩm mỹ của khán giả. Mặt khác, trong thời kỳ mở cửa, hội nhập, sự phát triển của công nghệ thông tin, internet và các phương tiện nghe nhìn đã nhanh chóng làm bão hoà nhu cầu hưởng thụ văn hoá của khán giả. Trên internet hoặc trên các kênh truyền hình được phát liên tục 24 giờ trong ngày, khán giả dễ dàng được tiếp cận được đủ các loại, các ca khúc, các làn điệu dân ca ba miền hay các vở diễn thuộc các loại hình sân khấu chèo, kịch nói, cải lương… Nói như vậy không có nghĩa là internet và truyền hình có thể thay thế cho các vở diễn ở rạp hát hay sân khấu ngoài trời. Khi thị hiếu của khán giả đã bão hoà cũng là lúc trong đời sống xã hội cũng hình thành sự phân loại đối tượng khán giả đối với mỗi loại hình nghệ thuật sân khấu. Có người thích chèo, có người mê cải lương, có người thích kịch nói. Điều này đặt ra cho các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh là phải đi vào chuyên sâu, tức là phải nâng cao chất lượng nội dung và nghệ thuật của vở diễn để “chèo phải ra chèo, kịch phải ra kịch, cải lương phải đúng cải lương”. Có như vậy SKCN Nam Định mới tìm lại được khán giả để tồn tại và phát triển.

II - Từng bước thích ứng với xu thế xã hội hoá

Trước thực trạng khó khăn do thiếu vắng khán giả, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương xã hội hoá hoạt động SKCN. Đây là một chủ trương đúng nhằm huy động các nguồn lực và sự quan tâm của xã hội để duy trì và phát triển các loại hình SKCN. Tỉnh ta hiện có 3 đơn vị SKCN tương ứng với 3 loại hình nghệ thuật là: Nhà hát Chèo Nam Định, Đoàn Cải lương và Đoàn Kịch nói. Thực hiện chủ trương này, Nam Định là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước được triển khai thực hiện Dự án “Sân khấu học đường” do Quỹ For tài trợ thông qua Cục Biểu diễn nghệ thuật đối với loại hình nghệ thuật chèo và cải lương. Dự án đã được triển khai ở nhiều trường THCS trên địa bàn Thành phố Nam Định. Thông qua việc giảng dạy và dàn dựng các trích đoạn chèo, cải lương cho học sinh THCS, dự án đã góp phần giáo dục và truyền lửa đam mê nghệ thuật truyền thống cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, để bảo tồn và phát triển nghệ thuật chèo truyền thống đang có nguy cơ bị mai một, ngày 28-12-2006, UBND tỉnh đã có Quyết định số 3234/QĐ-UBND về việc nâng cấp Đoàn Chèo Nam Định thành Nhà hát Chèo Nam Định với các chức năng: Tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của mọi tầng lớp nhân dân; nghiên cứu, thể nghiệm, bảo tồn nghệ thuật chèo truyền thống địa phương. Ngoài ra, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trong tỉnh cũng đã năng động sáng tạo tìm hướng hoạt động để tiếp cận với khán giả. NSƯT Huy Soái, Giám đốc Nhà hát Chèo Nam Định cho rằng: “Để kéo khán giả trở lại với sân khấu không có cách nào khác ngoài việc nâng cao chất lượng các vở diễn”. Với sự quan tâm đầu tư và định hướng đúng trong phát triển nghệ thuật của tỉnh, đến nay Nhà hát Chèo Nam Định đã dàn dựng được dàn kịch mục dày dặn, gồm các vở chèo cổ: “Quan Âm Thị Kính”, “Lưu Bình Dương Lễ”, “Trương Viên”, “Tấm Cám”, hàng chục trích đoạn chèo cổ, 8 giá đồng cũ, 5 giá đồng mới cùng các vở chèo lịch sử về các danh nhân quê hương “Trạng lường Lương Thế Vinh”; “Trần Anh Tông”, “Thần đồng đất Việt”… Ngoài ra, Nhà hát Chèo Nam Định cũng tiếp tục thử nghiệm, đi vào các đề tài hiện đại nói về những vấn đề xã hội và công cuộc xây dựng nông thôn mới; tiêu biểu như các vở “Chiến trường không tiếng súng”, “Trăng khuyết”… Cách thức tổ chức biểu diễn của Nhà hát Chèo Nam Định cũng được đổi mới thông qua việc biểu diễn phục vụ nhân dân trong các lễ hội làng; lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử văn hoá, biểu diễn nhân dịp khánh thành các từ đường dòng họ… Với hướng đi đúng trong phát triển nghệ thuật và sự tìm tòi sáng tạo trong cách thức biểu diễn, Nhà hát Chèo Nam Định đã thành công trong việc tiếp cận với số lượng lớn khán giả là nông dân ở các vùng quê trong tỉnh - đối tượng chủ yếu của nghệ thuật chèo.

Cùng là nghệ thuật kịch hát dân tộc nhưng Đoàn Cải lương Nam Định gặp khó khăn hơn khi tiếp cận trở lại với khán giả. Những giai điệu trầm buồn, ai oán mang đặc trưng của nghệ thuật cải lương có vẻ không còn thích hợp với thị hiếu của một bộ phận khán giả trong nhịp sống mới hôm nay. Để bảo đảm các chỉ tiêu về số buổi diễn, doanh thu và lượt người xem, thời kỳ đầu, khi biểu diễn ở các vùng quê trong tỉnh, Đoàn Cải lương Nam Định đã phải dàn dựng thêm chương trình ca nhạc kết hợp với vở diễn chính để thu hút khán giả trẻ tuổi. Nhưng với một chương trình biểu diễn “lồng ghép” kể trên, số lượng vé bán ra vẫn không bảo đảm doanh thu mà chất lượng nghệ thuật biểu diễn cũng bị mai một. NSND Quang Chí, Trưởng đoàn tâm sự: Nghệ thuật cải lương Nam Định với bề dày truyền thống đã tạo được nét bản sắc riêng - đó là sự “tròn vành, rõ chữ” trong lời ca và sự khoáng đạt, tài hoa trong diễn xuất. Trong cơ chế thị trường, mỗi loại hình nghệ thuật đều có đối tượng khán giả riêng. Muốn thu hút được khán giả, phải nâng cao chất lượng các vở diễn. Với dàn diễn viên tài năng cả về giọng ca và diễn xuất như: NSND Quang Chí; các NSƯT: Thanh Hằng, Hồ Hải, Thu Thuỷ…, Đoàn Cải lương Nam Định đã tập trung đầu tư chiều sâu về nghệ thuật. Đến nay, chương trình kịch mục của Đoàn gồm các vở về đề tài lịch sử, như: “Đức Thánh Trần - Linh hồn Đại Việt”, “Tình sử Vương triều” cùng với vở diễn mang yếu tố hài đậm đặc tiếng cười dân gian của vùng đồng bằng Bắc Bộ như vở “Phương thuốc lạ kỳ” hoặc vở diễn về vấn đề xây dựng nông thôn mới như “Dậu mồng tơi gãy dập”. Cách thức tổ chức biểu diễn của Đoàn cũng có sự đổi mới bằng cách tăng cường mở rộng mối quan hệ với các cơ quan, đơn vị, địa phương để ký hợp đồng biểu diễn. Từ đầu năm đến nay, Đoàn Cải lương Nam Định đã biểu diễn hàng trăm buổi tại các địa phương thuộc ngoại thành Hà Nội và các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu… Ngoài ra, các buổi biểu diễn của Đoàn ở các vùng quê trong tỉnh vẫn có sức hút đối với khán giả.

Còn với Đoàn Kịch Nam Định, để có được khán giả, ngoài việc nâng cao chất lượng nghệ thuật, Đoàn đã thực hiện phương châm xã hội hoá thông qua việc dàn dựng các vở diễn đề cập đến vấn đề nóng bỏng của từng ngành, từng lĩnh vực mà dư luận xã hội đang quan tâm. Có thể thấy rõ điều này qua dàn kịch mục của Đoàn: Vỡ diễn “Không thể, có thể” đề cập đến vấn đề phẩm chất của cán bộ ngành Hải quan trong cơ chế thị trường; vở “Rừng cháy” đề cập đến nạn phá rừng hiện nay và trách nhiệm của ngành NN và PTNT; vở “Vàng đen” đề cập đến nạn khai thác than thổ phỉ tại các mỏ than của nước ta và trách nhiệm của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam; vở “Sau cơn giông” đề cập đến vấn đề chuyển đổi cơ chế trong sản xuất nông nghiệp liên quan đến ngành NN và PTNT… Sau mỗi vở diễn được dàn dựng, lãnh đạo Đoàn đã chủ động mời lãnh đạo các ngành đi xem, cho ý kiến đóng góp và phối hợp với các ngành tạo điều kiện trong việc tổ chức khán giả. Bằng cách này Đoàn Kịch nói Nam Định không chỉ phục vụ khán giả trong tỉnh mà đã vươn ra, phục vụ khán giả ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương trong cả nước.

Trong khó khăn chung của SKCN cả nước, sự năng động sáng tạo của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trong tỉnh trong việc duy trì hoạt động biểu diễn để phát triển nghệ thuật đã thể hiện cốt cách, bản lĩnh, bề dày truyền thống và niềm đam mê của các nghệ sỹ, diễn viên trong lao động sáng tạo nghệ thuật ở một vùng quê có bề dày truyền thống văn hoá. Tuy nhiên, cách thức tổ chức khán giả của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh thời gian qua vẫn chỉ là những giải pháp tình thế để “kéo” khán giả trở lại với sân khấu. Mục tiêu cuối cùng của xã hội hoá hoạt động SKCN là để nâng cao chất lượng nghệ thuật. Để các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trong tỉnh phát triển đúng hướng và xứng tầm với vị thế là tỉnh trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, Sở VH, TT và DL cần tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh trong việc quy hoạch các loại hình nghệ thuật SKCN và có cơ chế chính sách cho các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp có thể thu hút được các nghệ sỹ, diễn viên tài năng để xây dựng được những tác phẩm nghệ thuật sân khấu đỉnh cao ở mỗi loại hình nghệ thuật. Có như vậy nghệ thuật SKCN mới đáp ứng được nhu cầu thưởng thức và thị hiếu thẩm mỹ ngày càng cao của khán giả và là cơ sở để SKCN tiếp tục phát triển đúng hướng trong xu thế mở cửa, hội nhập hiện nay./.

Trần Đức Long
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com