Âm vang nhạc kèn

07:09, 04/09/2012

Ở làng nghề đúc đồng xã Xuân Tiến (Xuân Trường) nhiều người biết đến ông Đinh Văn Mạnh bởi ông đã làm chiếc kèn đồng lớn kỷ lục, với chiều dài 5,5m, loa rộng 1,5m, nặng 300kg. Với 70 tuổi đời và hơn 40 năm tuổi nghề, ông đã làm hơn 400 chiếc kèn đồng. Không chỉ là người thợ làm kèn, ông còn là nhạc công tiêu biểu của đội kèn đồng xã Xuân Tiến từng tham dự hội thi nhạc kèn toàn tỉnh. Ông Mạnh cho biết, nhạc công ở địa phương đều là những người dân lao động, tối đến lại tụ họp tại nhà văn hóa, các CLB ở các thôn, xóm, sân nhà thờ để tập luyện, để thỏa mãn niềm đam mê nhạc kèn. Đối với người dân quê ông, nhạc kèn chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần. Ông tâm sự, nếu không có sự am hiểu về nhạc lý thì sẽ không thể hiểu được cấu tạo của chiếc kèn. Một chiếc kèn đồng có 3 bộ phận cơ bản: thân, bộ hơi và bộ pháo; trong đó, bộ pháo khó làm nhất vì đây là nơi tạo ra âm thanh. Bộ pháo gồm 3 củ, mỗi củ có 6 lỗ và 6 lỗ này thể hiện được 3 nốt nhạc. Cả 3 bộ pháo này kết hợp với nhau tạo thành 6 nốt nhạc. Mỗi loại kèn đồng thể hiện các nốt khác nhau, tất cả tạo nên một bản nhạc âm vang hoành tráng. Giờ đây, dù sức khỏe đã giảm sút nhưng hằng ngày ông vẫn cùng con, cháu sản xuất những chiếc kèn đồng phục vụ nhu cầu của người dân địa phương. Ở xã Hải Minh (Hải Hậu) có nhiều người vừa biết làm kèn, vừa thổi kèn hay. Khởi đầu cho nghề chữa kèn, làm kèn ở Hải Minh là ông Nguyễn Văn Oánh. Hiện, nhiều gia đình ở đây vẫn duy trì nghề làm kèn đồng, phục vụ nhu cầu của người chơi kèn ở trong và ngoài tỉnh…

Chiếc kèn đồng lớn nhất Việt Nam (ảnh: Internet).
Chiếc kèn đồng lớn nhất Việt Nam (ảnh: Internet).

Theo các nhạc công lâu năm kể lại thì đội kèn đồng đầu tiên của tỉnh được thành lập từ hàng trăm năm trước, phục vụ các nghi lễ, sinh hoạt tôn giáo của đạo Thiên chúa vào những dịp lễ trọng. Theo thời gian, nhạc kèn đã trở thành loại hình nghệ thuật độc đáo của các địa phương và trở thành một hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, văn hoá, xã hội của các địa phương nhân dịp các sự kiện chính trị lớn của Đảng, của đất nước. Phát huy thế mạnh của loại nhạc cụ giàu âm hưởng hùng tráng này, các đội kèn đã dàn dựng, biểu diễn những bản nhạc ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương, đất nước. Những bản nhạc: Chào bình minh thế kỷ, Xuân chiến thắng, Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh, Lên đàng... được các dàn nhạc kèn phối khí, biểu diễn và được công chúng đánh giá cao, góp phần khơi dậy tinh thần đoàn kết, tình yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Hiện, toàn tỉnh có gần 200 dàn kèn đồng, đội ít là 30 tay kèn, đội nhiều khoảng 70 tay kèn. Địa phương có nhiều nhạc công có thể kể đến xã Hải Minh (Hải Hậu), xã Xuân Tiến (Xuân Trường)... và ở các xứ đạo thuộc các xã: Hải Đông, Hải Anh (Hải Hậu), Xuân Tiến (Xuân Trường), Hồng Quang (Nam Trực), Yên Đồng (Ý Yên), Kim Thái (Vụ Bản), Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng)... Mỗi giáo xứ thường có một đội kèn. Người tham gia đội kèn là nam giới, từ lứa tuổi thanh thiếu niên đến khoảng 60 tuổi. Riêng huyện Hải Hậu có gần 100 đội kèn đồng, mỗi đội có 35-50 nhạc công. Tiêu biểu như các đội kèn đồng của các xã Hải Minh, Hải Anh, Hải Tân, Thị trấn Yên Định, Hải Chính. Đội kèn đồng của xã Xuân Tiến, mỗi lần được cử đi dự thi liên hoan kèn đồng toàn tỉnh đã phát huy thế mạnh của dàn kèn đồng, mang đến hội thi âm hưởng hùng tráng, khơi dậy trong lòng người nghe khí thế sôi nổi của những ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 qua các ca khúc cách mạng.

ông Đinh Văn Mạnh, thợ làm kèn đồng xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường đang sản xuất các sản phẩm kèn đồng mới
Ông Đinh Văn Mạnh, thợ làm kèn đồng xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường đang sản xuất các sản phẩm kèn đồng mới.

Hiện nay, các đội kèn duy trì hoạt động chủ yếu với sự tự nguyện của các nhạc công. Vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, ngày truyền thống của các ban, ngành, đoàn thể hoặc những kỳ hội hè của làng xóm, nhiều địa phương không thể thiếu tiết mục biểu diễn của đội nhạc kèn.

Để nhạc kèn ngày càng phổ biến trong đời sống âm nhạc của công chúng, cứ từ 2-3 năm, vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9, cùng với nhiều hình thức văn hóa, văn nghệ, TDTT, Nhà Văn hóa 3-2 (TP Nam Định) đều tổ chức Hội thi nhạc kèn toàn tỉnh. Hội thi quy tụ 10 dàn kèn mạnh nhất của 10 huyện, thành phố với gần 500 tay kèn đua tài thu hút hàng vạn khán giả đến xem, cổ vũ. Các dàn kèn trình diễn các ca khúc cách mạng như: "Chào mừng Đảng Lao động Việt Nam", "Chào bình minh thế kỷ", "Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh", "Tiếng hát từ thành phố mang tên Người", "Xuân chiến khu"…

Nhân kỷ niệm 67 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9, kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định, Liên hoan nhạc kèn năm nay dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 27-9-2012 tại tiền sảnh Nhà Văn hóa 3-2. Để chuẩn bị cho hoạt động này, Nhà Văn hóa 3-2 đã triển khai kế hoạch đến 10 huyện, thành phố, đồng thời cử cán bộ xuống cơ sở đôn đốc các đơn vị tích cực chuẩn bị để tham gia hội thi. Mỗi huyện sẽ chuẩn bị từ 1 đến 2 đội tham gia, mỗi đội từ 35-50 nhạc công. Nội dung các tiết mục dự thi là các tác phẩm âm nhạc ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương, đất nước trong thời kỳ đổi mới. Dự kiến hội thi năm nay sẽ quy tụ hơn 400 tay kèn của 10 huyện, thành phố; riêng huyện Hải Hậu sẽ cử đội nhạc kèn gồm 45 nhạc công nữ tham gia. Tất cả các đội kèn sẽ hợp nhất trình diễn bài "Bài ca non sông" tại lễ khai mạc và "Như có Bác trong ngày vui đại thắng" trong lễ bế mạc. Ngoài giải thưởng của Ban tổ chức hội thi, Hội Nhạc sỹ Việt Nam sẽ trao các giải thưởng cho các đội đoạt giải và các tiết mục xuất sắc nhất./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com