Giếng làng

03:03, 15/03/2012

Tôi sống ở thị thành đã mấy mươi năm qua nhưng cứ mỗi lần về quê lại lân la tới cái giếng làng đầu xóm, dù ở đó chỉ còn chơ vơ cái thành giếng to tròn làm bằng gạch thẻ xưa bởi người ta đã đổ rác đầy lòng giếng.

Ngày xưa, cái giếng này luôn là đầu câu chuyện vui buồn lẫn lộn của cả xóm. Nhà ai chuẩn bị cưới, gả con; nhà ai sắp có đám giỗ, đám thôi nôi, đầy tháng, cúng "căn” ai nấy đều biết. Đã vậy chuyện mất chó, mất gà; chuyện cãi nhau, đánh nhau vì ghen tuông; chuyện "lăng nhăng” làng trên xóm dưới; rồi tới chuyện có chửa hoang... cũng được bàn tán xôn xao.

Phụ nữ thì mang cả thau quần áo ra giếng vừa giặt giũ vừa ngồi lê đôi mách cười sang sảng. Cánh đàn ông đi làm đồng về ghé vào rửa ráy chân tay đầy bùn đất, có người còn giội hàng chục gàu nước lên mình rồi vác cuốc, vác cày chạy huỳnh huỵch về nhà. Lũ con nít chúng tôi sau khi đá bóng nhựa trên những cánh đồng vừa mới gặt xong, hay trên các sân đình, sân chùa mình mẩy lấm lem ùa tới giếng làng tha hồ đùa giỡn, giội nước ào ào thật sảng khoái làm sao. Rất lạ. Nước giếng làng tôi trong suốt, lũ con nít chúng tôi vừa xối nước lên đầu vừa uống nước vào bụng đến no đầy. Vậy mà hiếm khi bị tiêu chảy, đau bụng. Có khi mải tắm làm bùn đất văng vào các thau quần áo vừa mới giặt xong của các bà, các chị. Vậy là trốn nhanh để khỏi bị nghe những lời nguyền rủa té tát.

Những đêm trăng sáng, chúng tôi lại quây quần bên miệng giếng để nhìn trăng nhấp nhô dưới đáy. Có đứa ném những viên đá nhỏ xuống mặt nước để ánh trăng tan ra rồi tụ lại dần rất lạ lẫm. Có khi được nghe người lớn kể nhiều chuyện cổ tích. Tôi nhớ nhất là chuyện Thạch Sanh - Lý Thông bởi có đoạn Thạch Sanh bị nhốt dưới hang sâu như cái giếng làng. Hay chuyện Tấm Cám có đoạn cô Tấm bị xô xuống giếng rồi chết. Cứ mỗi lần như vậy, chúng tôi nhìn xuống đáy giếng mà rùng mình khiếp sợ.

Nghe người lớn kể rằng không phải chỗ nào trong làng cũng đào được giếng tốt. Người ta phải "xin xâm”, "xin keo” với thần giếng nhiều lần để chọn địa điểm có thể đào giếng có nước quanh năm, nước trong, mát, người sử dụng không bị nhiễm bệnh. Không biết hư thực ra sao chớ làng tôi tin chuyện này có thực. Nhiều người có chuyện gì đôi co, minh chứng sự trong sạch thường hay thề thốt: có sai, có gian thì bị té giếng. Có lẽ thần giếng sẽ bẻ họng, vặn cổ người gian ác chăng? Nếu không chết thì cũng điên loạn chăng? Bởi ai thần kinh không bình thường thì bị gán cho cái danh "đồ té giếng”.

Hồi đó, giếng làng tôi khá lớn, đường kính khoảng hai, ba mét, sâu độ năm, sáu mét, thành giếng xây bằng gạch, bên dưới đúc bằng các ống cống xi măng. Ban đầu múc bằng gàu, thùng, sau này xóm tôi thiết kế trục quay tay bằng gỗ cho đỡ vất vả. Xung quanh thành giếng là sân xi măng rộng để nhiều người cùng lúc có thể giặt giũ, tắm rửa.

Nhiều đôi trai gái xóm tôi nên duyên chồng vợ cũng nhờ cái giếng làng. Thơ mộng lắm, tình tứ lắm khi các cô gánh nước giếng đầu làng đêm trăng sáng, hay ngồi giặt áo bên giếng dưới trăng. Các chàng thì đón đưa sau luỹ tre làng, ngồi tán gẫu tự tình bên thành giếng, mơ về chuyện lứa đôi. Đã có biết bao nhiêu bài thơ, bài hát, câu hò về khung cảnh nên thơ, mộc mạc chân quê này.

Giờ nước máy đã về khắp mọi nơi. Ở nông thôn cũng đã có nước "phông tên” từ các trạm cấp nước. Bằng không họ cũng có giếng khoan sâu hàng trăm mét dưới lòng đất. Chỉ bật công tắc điện là nước chảy đến trong tích tắc. Vậy là giếng làng đã bị lãng quên, chối bỏ. Đau xót hơn, người ta ném vào giếng những thứ rác rưởi, xác súc vật, và bất cứ thứ gì bỏ đi. Giếng đầy dần, hôi hám dần và không ai tới nữa.

Riêng tôi lại tới thăm giếng làng mỗi bận về quê như thăm một người bạn thân thiết chỉ biết hi sinh và rồi bị ruồng bỏ vô tội vạ. Có người nói tôi điên điên vì hoài cổ không đúng chỗ, chắc năm xưa nhiều lần té giếng?. Mặc! Tôi vẫn vậy, vẫn tiêng tiếc khi đến cạnh giếng làng, ngồi trên thành giếng, sờ tay lên chiếc tay quay đang mục rã trong những đêm trăng huyền dịu./.

Theo: daidoanket.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com