Chuyện những tấm bia công đức

08:02, 09/02/2012

Đầu năm đi lễ đền chùa. Ở đâu cũng thấy khói hương nghi ngút. Người đi lễ chắp tay vái lia lịa rồi thả tiền “giọt dầu” lên đĩa, hòm công đức. Tiền để vào hòm công đức phần lớn chỉ là tiền lẻ. Còn với khoản tiền lớn, người công đức trực tiếp chuyển cho người quản lý di tích. Để ghi công người công đức, người ta nghĩ ra một thứ gọi là “bia lưu danh”.

Bên cạnh Đền Trình chùa Hương ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội có một dãy bia đá để danh sách khách thập phương phát tâm công đức cho đền. Mỗi tấm bia đá khắc được vài chục cái tên và số tiền ủng hộ của nhà hảo tâm. Sau khi rời Đền Trình, khách lên đến chùa Thiên Trù thắp hương cũng gặp được những tấm bia đá như thế. Mỗi tấm bia đặt trên lưng một con rùa. Khách leo núi lễ chùa mỏi mệt đều tìm một chỗ ngồi ở đây vừa khuất nẻo mà lại vừa đỡ gió. Khi người ta ngồi kín ghế đá thì những tấm lưng rùa cũng được trưng dụng làm ghế ngồi. Lúc nghỉ ngơi, người ta mới rảnh rang đọc những dòng chữ ghi trên bia đá. Đó không phải là bia giới thiệu về chùa hay về khu di tích mà là bia khắc tên người có tiền ủng hộ chùa.

Đền Bà Chúa Kho ở thôn Cổ Mễ, xã Vũ Ninh, Thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh cũng có cả dãy bia đá ghi tên người công đức vào đền. Danh sách đề rõ tên, địa chỉ, số tiền người ủng hộ. Địa chỉ người góp tiền cung tiến có ở khắp nơi, từ Nam ra Bắc. Tất nhiên, để được ghi danh vào bia đá, số tiền ủng hộ phải khá lớn. Thậm chí có nơi, người ta công đức hiện vật gì cũng đều được ghi rõ trên bia đá.

Mỗi năm, đến thăm các di tích, đền chùa, khách thập phương lại thấy nhiều di tích có thêm bia đá khắc tên các nhà hảo tâm. Không biết sau một thời gian nữa, các di tích này liệu có còn đất để dựng bia ghi danh?

Khi du khách đến một điểm du lịch đền chùa, di tích, người ta mong tìm được chút hiểu biết về lịch sử, văn hóa. Bia đá nên dành để lưu giữ những thông tin về lĩnh vực đó, để lưu truyền cho thế hệ sau những thông tin về lịch sử, văn hóa của di tích. Việc xuất hiện những tấm bia đá ghi tên nhà hảo tâm như hiện nay làm giảm đi không gian linh thiêng ở các di tích này. Các nhà quản lý văn hóa cần phải xem xét lại vấn đề này và đưa ra những quy định cụ thể, nhằm tránh việc thương mại hoá ở chốn linh thiêng./.

Theo: cand.com.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com