Người cựu binh "nghiện" đàn

09:10, 29/10/2010

Ông Đặng Quang Học và cây đàn nguyệt
Ông Đặng Quang Học và cây đàn nguyệt

Trong căn nhà cấp bốn liêu xiêu vẫn thường vang lên tiếng đàn thánh thót, du dương. Suốt mấy chục năm qua, với hai "vật báu" được truyền lại từ cụ thân sinh, một là cây đàn tranh, hai là đàn nguyệt, người cựu binh vẫn tiếp tục những bản nhạc của một thời máu lửa. Tiếng đàn của ông khi âm trầm nghĩ về đồng đội cũ, khi lại ôn tồn như lời khuyên răn cháu con.

ÂM NHẠC HÒA QUYỆN TÂM HỒN

Người cựu binh mà tôi muốn nhắc đến là ông Đặng Quang Học ở xã Mỹ Hưng, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định.

Từ ngoài cổng, tôi đã được thưởng thức làn điệu "Khúc ca hoa trúc". Thấy có khách, ông ngưng đàn rồi vồn vã mời tôi ngồi uống trà. Trong căn nhà cấp bốn của ông Học, có lẽ vật quý giá nhất là mấy cây đàn treo trên tường. Nhấp chén trà, ông bắt đầu kể về những cây đàn. Hai cây đàn, một đàn nguyệt, một đàn tranh của ông là do cụ thân sinh Đặng Quang Lanh để lại. Cụ Lanh là người mê đàn từ nhỏ. Thời đó, cụ mua được 3 cây đàn. Cụ chơi đàn chỉ vì mê đàn. Với bàn tay sần sùi của một người lao động phải nuôi 8 người con, nhưng tiếng đàn của cụ luôn mượt mà, trong trẻo. Nó đã ngấm vào người cậu bé Đặng Quang Học không biết tự bao giờ. Ông Học tâm sự, từ cái thời đầu còn để chỏm, mỗi khi nghe cha gảy đàn là ông lại "mon men" đến xem. Thấy chiếc đàn treo trên tường, cậu bé Học tò mò muốn lấy lắm nhưng không thể với tới. Đến năm 7 tuổi, ông chính thức được cha dạy đánh đàn. Một lần, nghe trên Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng làn điệu chèo của nghệ sĩ Kim Liên, ông như bị hút hồn. Có điều gì đó như mách bảo cuộc đời ông sẽ gắn với những làn điệu mượt mà ấy. Khi cụ Lanh qua đời, ông được thừa hưởng những cây đàn đó. Cũng từ đó, ông miệt mài luyện tập. Ngoài ra ông còn tìm mua những cuốn sách dạy tự học cách đánh đàn. Với tư chất thông minh cộng với lòng yêu đàn, chỉ một thời gian sau ông đã có thể chơi thành thạo rất nhiều loại đàn như đàn ghi ta, đàn nguyệt, đàn tranh, đàn nhị… Để thêm phần hào hứng cho câu chuyện, ông liền ôm đàn và cất giọng:

Hoa chanh nở giữa vườn chanh

Thầy u mình với chúng mình chân quê…

Năm 1979, chàng trai Đặng Quang Học lên đường nhập ngũ vào Tiểu đoàn 13, Đoàn 325A. Ông thường tham gia đàn hát phục vụ các anh em chiến sĩ. Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời quân ngũ của ông là trong một buổi diễn ông phải hát đi hát lại một ca khúc đến cả chục lần. Đó là làn điệu "Khúc ca hoa trúc" mà tôi may mắn được nghe lúc mới đến. Buổi biểu diễn kết thúc, anh em trong tiểu đội vỗ tay ầm ầm, nhất tề đứng dậy hô to: "Hát nữa đi đồng chí ơi!". Câu nói đó như còn luôn vang vọng trong tâm trí người cựu binh Đặng Quang Học. Năm 1984, ông Học xuất ngũ trở về địa phương. Do mến mộ tài năng, đầu năm 1985, đơn vị lại cử người về đón ông lên Bắc Giang để đàn hát cho anh em trong đơn vị. Thời gian này, ngoài việc đàn hát, ông còn tranh thủ giúp anh em trong đơn vị làm những việc vặt.

ƯỚC MƠ VỀ MỘT "NGÔI NHÀ ÂM NHẠC"

Trở về quê hương, vừa tăng gia sản xuất, lúc rảnh rỗi, ông lại ôm đàn ra gảy. Tiếng đàn như xua tan mọi ưu phiền của đời thường. Thỉnh thoảng, trên xã hoặc huyện có tổ chức văn nghệ, ông lại được mời lên biểu diễn. Trong một lần đi biểu diễn, ông đã tìm được "một nửa" của mình. Họ đến với nhau cũng vì tiếng đàn chứa chan tình cảm kia. Bươn chải bao nhiêu năm mà gia đình ông vẫn thuộc diện nghèo khó. Mãi đến năm 1994, ông mới cất được căn nhà cấp bốn với ba vạn gạch do hai vợ chồng ông tự đóng. Một mẫu ruộng, vợ chồng ông tất tả tự làm lấy, một năm cho 3 tấn thóc, chỉ đủ tiền đóng học cho hai người con. Nghèo là thế, nhưng cuộc sống của hai vợ chồng ông luôn vui vẻ. Niềm tin của cả gia đình ông đặt hết vào hai người con. Cô con gái đầu, Đặng Thị Thu Hà, nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi tỉnh. Hà đã lén đăng kí thi vào Trường chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định). Hôm đi thi, Hà đã nhờ một người bạn chở đi. Chỉ khi có kết quả, gia đình ông Học mới được biết. Hà đã thi đỗ và nằm trong tốp đầu của khoa thi năm đó. Học bổng hai tháng đầu tiên, Hà dùng để sắm cho mình một chiếc đàn ghi ta. Năm cuối cấp, Hà được tuyển thẳng vào Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông Học dọn hai mâm cơm để "khao" họ hàng, mà bữa cơm cũng chỉ toàn thấy rau. Hiện nay, Hà đang theo học cao học (cũng thuộc diện tuyển thẳng).

Cậu con trai thứ hai Đặng Đình Văn, hiện đang học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Văn cũng chơi được nhiều loại đàn như bố. Cứ khi nào hội tụ cả gia đình, 3 bố con lại cùng nhau đánh đàn, ca hát. Cả gia đình vui như hội, hàng xóm cũng sang nghe…

Vào mỗi dịp hè hoặc thứ bảy, chủ nhật, nhà ông lại đông nườm nượp. Già có, trẻ có, tất cả đều đến để học đánh đàn. Tôi thật sự bất ngờ khi ông cho biết, luôn dành một mảnh đất để xây dựng "trường nhạc" giữa làng quê! Ông muốn xây dựng một ngôi nhà để dạy tất cả mọi người đánh đàn. "Nhưng đó vẫn chỉ là ước mơ" - ông Học thở dài. Bao nhiêu tiền kiếm được ông đều dành dụm cho con cái ăn học. Không biết đến bao giờ ông mới có đủ tiền để thực hiện tâm nguyện ấy. Đang dở câu chuyện, thấy mấy cậu bé thập thò ngoài cửa, ông liền gọi vào trong nhà. Thì ra đó là "học trò" của ông. Cứ khi nào rảnh là các em lại đến để học đàn...

Kế Toại - Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com