Tăng cường các giải pháp phòng chống HIV/AIDS

08:03, 11/03/2020

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (Sở Y tế), toàn tỉnh hiện có 4.161 trường hợp nhiễm HIV (còn sống), sinh sống ở cả 10 huyện, thành phố, 224/229 xã, phường, thị trấn. Số người nhiễm HIV được phát hiện cao nhất tại thành phố Nam Định (2.225 người), Giao Thủy (626 người), Xuân Trường (668 người). Riêng trong năm 2019, tỉnh ta đã phát hiện mới 53 trường hợp nhiễm HIV, 104 bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS và 45 trường hợp tử vong. Các trường hợp phát hiện nhiễm HIV mới nguyên nhân chủ yếu lây truyền qua đường tình dục (chiếm 52,8% tổng số trường hợp phát hiện mới), đường máu (chiếm 45,3% tổng số trường hợp phát hiện mới); tập trung trong nhóm tuổi từ 30-39 (chiếm 38% tổng số trường hợp phát hiện mới); nam chiếm 77% số người nhiễm HIV được phát hiện. Phần lớn người nhiễm HIV được phát hiện từ hệ thống bệnh viện hoặc các cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện ở những người thuộc nhóm nguy cơ cao.

Tư vấn cho bệnh nhân điều trị cai nghiện ma túy bằng Methadone tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Tư vấn cho bệnh nhân điều trị cai nghiện ma túy bằng Methadone tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Trước thực trạng trên, Ban Chỉ đạo Phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh chỉ đạo các ngành thành viên, các huyện, thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng chống HIV/AIDS: tổ chức thực hiện tốt pháp luật và các chế độ chính sách đối với người nhiễm HIV; đẩy mạnh công tác dự phòng lây nhiễm HIV; thực hiện tốt công tác điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV; tăng cường giám sát dịch HIV/AIDS, can thiệp giảm tác hại… Trong đó, công tác thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS được đa dạng hóa các hình thức, nội dung tuyên truyền sinh động, dễ hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên hệ thống đài phát thanh các huyện, thành phố, đài truyền thanh ở các xã, phường, thị trấn; truyền thông lưu động; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2019 và hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1-12-2019); cấp phát 15 nghìn tờ rơi, 600 áp phích truyền thông về điều trị cai nghiện ma túy bằng Methadone, tư vấn xét nghiệm tự nguyện và điều trị ARV; tổ chức 7 buổi nói chuyện chuyên đề về phòng chống HIV/AIDS cho 1.315 bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang điều trị ARV tại Trung tâm Y tế các huyện: Ý Yên, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Giao Thủy; phát 1,79 triệu bơm kim tiêm sạch, 287.500 bao cao su, tài liệu truyền thông, xét nghiệm HIV thông qua đội ngũ tiếp cận cộng đồng tại các huyện: Giao Thủy, Hải Hậu, Trực Ninh, Xuân Trường, Ý Yên, thành phố Nam Định cho 2.933 người nghiện chích ma túy, 1.046 tiếp viên nhà hàng khách sạn và 777 nam quan hệ tình dục đồng giới.

Cùng với dự phòng lây nhiễm HIV và can thiệp giảm tác hại, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện tốt công tác xét nghiệm và giám sát dịch HIV/AIDS; phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; dự phòng lây nhiễm HIV trong các dịch vụ y tế; phòng, chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục; phòng, chống đồng lây nhiễm lao và HIV; an toàn truyền máu liên quan đến HIV/AIDS. Hướng dẫn và giám sát chuyên môn, kỹ thuật về phòng, chống HIV/AIDS đối với các Trung tâm Y tế tuyến huyện và tuyến xã; tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật về HIV/AIDS… Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh có 6.197 người được tư vấn và xét nghiệm sàng lọc tại 10 cơ sở, trong đó phát hiện 94 người có HIV dương tính. Điều tra, thống kê, rà soát người nhiễm HIV tại cộng đồng ở 30 xã, phường để xác định các trường hợp người nhiễm HIV còn sống trên địa bàn chưa điều trị ARV, vận động họ tham gia điều trị tại xã, phường. 10 cơ sở điều trị HIV/AIDS tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện Hải Hậu, Xuân Trường, Ý Yên, Nghĩa Hưng, Nam Trực, Trực Ninh, Giao Thủy, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi tỉnh đã điều trị HIV/AIDS và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho 1.319 bệnh nhân HIV/AIDS. Tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có thẻ BHYT trên địa bàn tỉnh chiếm 99,9% tổng số bệnh nhân. Tư vấn xét nghiệm cho 24.809 phụ nữ mang thai, phát hiện 11 phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho 12/12 phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Xét nghiệm HIV cho 3 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, kết quả không có trẻ có kết quả HIV dương tính. Để tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ y tế. Năm 2019 và đầu năm nay, Trung tâm đã tổ chức 4 lớp tập huấn cho cán bộ Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, các đơn vị cung cấp dịch vụ dự phòng, chăm sóc điều trị HIV/AIDS về tư vấn xét nghiệm HIV, sử dụng phần mềm HIV Info, can thiệp giảm tác hại; tổ chức 36 lớp tập huấn cho 1.550 lượt cán bộ y tế thôn, đội các nội dung về phòng, chống HIV/AIDS tại 9 huyện, qua đó nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ y tế làm công tác tư vấn, dự phòng, chăm sóc điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS.

Năm 2020, hướng đến mục tiêu 90-90-90 (90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV; 90% người nhiễm HIV điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế); khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3%; giảm số người nhiễm HIV mới, giảm số người HIV/AIDS tử vong, giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, Ban Chỉ đạo Phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh chỉ đạo các ngành thành viên, các huyện, thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Tập huấn cho cán bộ y tế cơ sở về tư vấn, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng. Tuyên truyền, vận động người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT để giảm gánh nặng chi phí điều trị cho người nhiễm HIV. Mở rộng các hình thức xét nghiệm HIV bao gồm: Tư vấn xét nghiệm tự nguyện tại phòng tư vấn, xét nghiệm; lưu động và tư vấn xét nghiệm HIV tại xã, phường để tăng tỷ lệ người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của bản thân. Tăng cường kiểm tra giám sát các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại các tuyến huyện, thành phố, tuyến xã, phường. Củng cố và tăng cường hệ thống chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế thực hiện công tác chăm sóc, hỗ trợ, điều trị người nhiễm HIV, điều trị dự phòng HIV lây truyền mẹ con tại các tuyến. Cải thiện chất lượng hoạt động chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS./.

Bài và ảnh: Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com