Quan tâm chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động

08:10, 28/10/2019

Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 4.500 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất với tổng số trên 180 nghìn lao động. Thời gian qua, các đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh luôn thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, quan tâm, tạo điều kiện để người lao động được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách về chăm sóc sức khoẻ.

Công nhân Công ty Cổ phần Daum & Jung An (Mỹ Lộc) sử dụng bảo hộ lao động, phòng bệnh nghề nghiệp. 
Công nhân Công ty Cổ phần Daum & Jung An (Mỹ Lộc) sử dụng bảo hộ lao động, phòng bệnh nghề nghiệp. 

Theo quy định của Nhà nước, người lao động được khám sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần; riêng người lao động làm việc nặng nhọc, môi trường làm việc có nhiều yếu tố độc hại được khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần. Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong 5 năm qua, số lượng người lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được khám sức khỏe định kỳ đều tăng lên, với gần 35 nghìn lượt người lao động được khám sức khỏe, trong đó có 21.351 lượt lao động nữ, qua đó phát hiện 118 người mắc bệnh nghề nghiệp. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, có 13 doanh nghiệp mời Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khám sức khoẻ cho người lao động, với tổng số 9.350 lao động; khám bệnh nghề nghiệp cho 14 doanh nghiệp với trên 4.000 lao động, chủ yếu là lao động trong các lĩnh vực: may xuất khẩu lao động; giầy da, túi xách; dệt nhuộm; xăng dầu, dầu khí… Cùng với khám sức khỏe định kỳ, các đơn vị, doanh nghiệp cũng tổ chức khám bệnh phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Bác sĩ Phan Văn Tùng, Trưởng Khoa Sức khỏe nghề nghiệp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Bệnh nghề nghiệp là những bệnh lý mang đặc trưng của nghề nghiệp hoặc liên quan tới nghề nghiệp, phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đến người lao động. Hiện có 34 bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội và chia làm 3 nhóm bệnh chính, gồm: Bệnh bụi phổi, bệnh nhiễm độc và nhóm bệnh khác. Gần đây, nhiều doanh nghiệp đã có ý thức hơn trong việc kiểm tra môi trường lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động, chủ yếu là những doanh nghiệp có đông người lao động, công ty có vốn đầu tư nước ngoài, như: Công ty May Sông Hồng, Công ty May Youngone… Tuy nhiên, một bộ phận người sử dụng lao động và người lao động vẫn chưa quan tâm đến công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, nguyên nhân dẫn đến các bệnh nghề nghiệp là do trong tổ chức lao động còn nhiều bất cập như: Người lao động làm việc quá lâu, không được nghỉ ngơi hợp lý, chế độ và cường độ lao động căng thẳng quá mức dẫn đến bệnh nghề nghiệp. Bên cạnh đó, người lao động trong quá trình sản xuất còn chủ quan, thờ ơ trong việc bảo vệ sức khoẻ của mình. Phía đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động còn trốn tránh, thiếu quan tâm, chăm sóc sức khoẻ người lao động, chưa thực hiện đầy đủ các chính sách bảo hộ lao động. Tại một làng nghề cơ khí, bụi và tiếng ồn từ các cơ sở sản xuất phát ra gây váng đầu, khó thở trong khi nhiều người lao động không đeo khẩu trang, đeo kính và găng tay bảo hộ. Thực tế, nhiều người lao động trong làng nghề đã mắc các bệnh về phổi do hít phải bụi kim loại nặng, hóa chất trong quá trình sản xuất. Lãng tai, điếc nghề nghiệp cũng là những bệnh mà nhiều lao động đang làm việc trong các nhà máy, trong các ngành dệt may, da giày… mắc phải. Nhằm tăng cường công tác an toàn vệ sinh lao động, chủ động phòng ngừa bệnh nghề nghiệp, Sở Y tế và các ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, huấn luyện cho người sử dụng lao động và người lao động về quản lý an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe và phòng chống bệnh nghề nghiệp. Hàng năm, UBND tỉnh đều thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về công tác an toàn vệ sinh lao động; tăng cường thanh tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, người lao động làm việc trong điều kiện có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp. Đoàn kiểm tra yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất củng cố, hoàn thiện bộ phận y tế cơ sở và mạng lưới an toàn vệ sinh; tăng cường công tác tự kiểm tra vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp; bố trí, sắp xếp thời giờ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý; tổ chức huấn luyện về vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp và sơ cấp cứu cho người lao động; cải thiện điều kiện lao động, giảm tiếp xúc trực tiếp với các hóa chất độc hại… Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan, đơn vị tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, huấn luyện cho người sử dụng lao động và người lao động về quản lý an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe và phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Để đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khoẻ, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động tại các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động đối với các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn, có hình thức xử phạt nghiêm minh đối với những đơn vị vi phạm. Các cơ sở sản xuất, nhất là các đơn vị có nhiều lao động, có nguy cơ cao mắc bệnh nghề nghiệp, hàng năm cần tổ chức tập huấn về an toàn vệ sinh lao động; cách chăm sóc sức khỏe, sử dụng bảo hộ lao động phòng bệnh nghề nghiệp cho người lao động, đồng thời thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường lao động, ứng dụng các giải pháp an toàn nhằm cải thiện điều kiện làm việc, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Chủ động phối hợp với cơ sở y tế thực hiện công tác chăm sóc sức khoẻ, khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp để có chế độ điều trị kịp thời cho người lao động. Bản thân người lao động cần có kiến thức, biết tự bảo vệ sức khỏe của mình và có yêu cầu chính đáng về các chế độ, bảo hộ lao động khi làm việc trong môi trường có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp./.

Bài và ảnh: Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com