Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục mầm non

07:10, 02/10/2019

Toàn tỉnh hiện có 244 trường mầm non, trong đó 240 trường mầm non công lập, 4 trường mầm non tư thục. Ngành học Mầm non đã được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, đội ngũ giáo viên từng bước được “chuẩn hóa”, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành học. Số trẻ đến trường đạt tỷ lệ cao, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ có nhiều chuyển biến tích cực.

Cô và trò Trường Mầm non Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) trong một giờ học.
Cô và trò Trường Mầm non Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) trong một giờ học.

Có được kết quả trên, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tăng cường chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động: “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”; “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”; xây dựng trường mầm non xanh - sạch - đẹp - an toàn. Sở Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp, sắp xếp mạng lưới phù hợp; giải quyết vấn đề trường, lớp tại khu vực có khu công nghiệp, khu đông dân cư. Đến nay, toàn tỉnh đã sáp nhập 43 trường; giảm 22 trường gồm thành phố Nam Định giảm 6 trường, huyện Trực Ninh giảm 7 trường; huyện Nghĩa Hưng giảm 1 trường; huyện Ý Yên giảm 6 trường; huyện Nam Trực giảm 2 trường. Sở chỉ đạo củng cố nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và hoạt động chăm sóc, giáo dục nhằm đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần cho trẻ. Các cơ sở giáo dục quan tâm đầu tư, đảm bảo các điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy, đặc biệt ở nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập. Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, sinh hoạt chuyên môn về nội dung đảm bảo an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho đội ngũ cán bộ, giáo viên; phối hợp với ngành Y tế triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho trẻ. Cuối năm học, 10/10 UBND huyện, thành phố kiểm tra đánh giá cấp giấy chứng nhận Trường học an toàn cho 100% trường mầm non đủ điều kiện theo quy định. Để nâng cao chất lượng công tác nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe cho trẻ, các địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo theo Nghị định số 06/2018/NĐ-CP của Chính phủ; duy trì, tăng tỷ lệ trẻ được ăn bán trú và nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú; xây dựng thực đơn cân đối, đa dạng, hợp lý theo mùa, tận dụng nguồn thực phẩm của địa phương, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng theo quy định tại Thông tư số 28/2016/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thực hiện nghiêm việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong các bếp ăn tại các cơ sở giáo dục mầm non như hợp đồng thực phẩm với những nơi tin cậy, có nguồn gốc rõ ràng, có sự tham gia giám sát của nhân viên y tế, lãnh đạo địa phương, đặc biệt trong thời gian bùng phát dịch bệnh tả lợn châu Phi; khuyến khích các trường có khuôn viên rộng phát triển mô hình VAC để vừa là môi trường cho trẻ hoạt động trải nghiệm, vừa cung cấp thực phẩm sạch cho trẻ; chế biến thức ăn theo một chiều; lưu mẫu thức ăn 24/24h theo quy định; tuân thủ kiểm định 3 bước theo quy định của y tế. Đảm bảo đủ nước uống cho trẻ theo quy định trong Chương trình giáo dục mầm non. 100% trẻ đến trường được kiểm tra sức khỏe và đánh giá tình trạng dinh dưỡng bằng biểu đồ tăng trưởng của Tổ chức Y tế thế giới. Các trường học phối hợp với ngành Y tế địa phương khám sức khỏe định kỳ cho trẻ 2 lần/năm, tăng cường các giải pháp giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và suy dinh dưỡng thể thấp còi so với đầu năm học, giảm tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì. Một số đơn vị tỷ lệ nuôi ăn bán trú ổn định và tăng tỷ lệ trẻ được nuôi ăn bán trú như Giao Thủy (khối nhà trẻ tăng 2,5%; khối mẫu giáo tăng 0,6%); Ý Yên (khối nhà trẻ tăng 4,2%; khối mẫu giáo tăng 3,1%)... 100% cơ sở giáo dục mầm non tuyên truyền tới phụ huynh và cộng đồng về kiến thức nuôi dạy trẻ theo khoa học thông qua các góc tuyên truyền của các nhóm, lớp; phối hợp với gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non mới với trên 118.200 lượt phụ huynh được tuyên truyền kiến thức nuôi dạy trẻ. 100% cơ sở giáo dục mầm non đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn, tổ chức môi trường giáo dục trong và ngoài lớp học theo hướng mở, tạo cơ hội cho trẻ tích cực khám phá, trải nghiệm và sáng tạo... Các cơ sở giáo dục mầm non xây dựng bộ công cụ đánh giá trẻ hàng ngày, sau chủ đề, giai đoạn, cuối năm theo chương trình, đề ra biện pháp điều chỉnh những mục tiêu chưa đạt được. 100% trường mầm non sử dụng Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi hỗ trợ thực hiện chương trình giáo dục mầm non và theo dõi sự phát triển của trẻ 5 tuổi đi vào nền nếp, chất lượng; giáo viên phối hợp chặt chẽ với gia đình trong việc chăm sóc giáo dục trẻ và tạo tâm thế tự tin cho trẻ vào lớp 1. Các cơ sở giáo dục mầm non phát triển chương trình giáo dục phù hợp với văn hóa, điều kiện của địa phương, của nhà trường, khả năng và nhu cầu của trẻ như tổ chức cho trẻ đi dã ngoại, tham quan các di tích lịch sử, bảo tàng, siêu thị, đài liệt sĩ, tổ chức hội chợ xuân của bé, chợ quê, tiệc Buffet, hội thi “Rung chuông vàng”, Tết Trung thu… với các hoạt động trải nghiệm như làm bánh, tham gia các trò chơi dân gian, tham gia các hoạt động mua bán, thử sức… giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, tư duy về sự vật hiện tượng xung quanh trẻ, rèn luyện kỹ năng sống. Để hình thành và xây dựng văn hóa đọc cho trẻ, các trường còn xây dựng “Tủ sách trường học”, triển khai góc sách truyện, thư viện của bé đến các nhóm lớp, bố trí “Thư viện thân thiện”… Đến nay đã có 720 tủ sách với hơn 300 đầu sách các loại: truyện cổ tích, ngụ ngôn; sách, truyện tự làm theo chủ đề trong chương trình giáo dục mầm non... đảm bảo tính giáo dục, phù hợp với trẻ. 

Về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các trường hiện có gần 200 phòng học được xây mới, trên 170 công trình vệ sinh trường học được cải tạo, sửa chữa; hàng trăm bếp ăn, điểm trường có công trình nước sạch mới; 99,6% điểm trường có sân chơi ngoài trời được cải tạo, nâng cấp theo hướng xanh - sạch - đẹp - an toàn, thân thiện, lấy trẻ làm trung tâm. 100% trường mầm non đảm bảo đủ số lượng phòng học, công trình vệ sinh, nước sạch đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Các trường phát động phong trào tự làm đồ dùng, đồ chơi; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động giáo dục. 100% các trường mầm non được nối mạng internet, trung bình mỗi trường có 9 máy tính. 

Với những giải pháp tích cực, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã thực hiện tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo đảm an toàn cho trẻ; công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi tiếp tục được củng cố vững chắc, duy trì hiệu quả. Chất lượng nuôi ăn bán trú được nâng cao, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm; trẻ học 2 buổi/ngày tăng so với năm học trước. Một số trường mầm non ứng dụng, tích hợp một số nội dung của phương pháp giáo dục Montessori như kỹ năng thực hành cuộc sống, kỹ năng sống… nhằm tăng cường tính tích cực hoạt động của trẻ như các trường mầm non: Sao Vàng, Thống Nhất, 8-3, Hoa Sữa (thành phố Nam Định); Hải Châu (Hải Hậu)… 

Bên cạnh kết quả đạt được, chất lượng giáo dục mầm non của tỉnh còn một số tồn tại: Một số trường tỷ lệ nuôi ăn bán trú giảm; thực đơn còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa hợp lý, lặp lại, chưa tận dụng hết nguồn thực phẩm sẵn có tại địa phương và vẫn còn tình trạng sử dụng thức ăn chế biến sẵn (giò, chả...). Một số nơi chưa chú trọng tạo môi trường giáo dục cho trẻ, chưa kích thích trẻ tìm tòi khám phá, trải nghiệm. Một số giáo viên chưa quan tâm đến tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ, vẫn còn tình trạng thời gian cho trẻ ngồi trên ghế nhiều. Một số cán bộ quản lý, giáo viên kỹ năng nghề nghiệp hạn chế, chậm đổi mới phương pháp giáo dục... Những hạn chế này cần sớm được quan tâm khắc phục để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục mầm non./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com