Trở lại làng kháng chiến Bắc Sơn - Đồng Lạc

07:09, 01/09/2019

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, khu làng kháng chiến Bắc Sơn - Ðồng Lạc, xã Ðồng Sơn (Nam Trực) trở thành khu căn cứ cách mạng vững chãi trong lòng địch suốt 8 tháng, là mũi nhọn lợi hại chặn hai con đường thủy bộ của địch (sông Ðào và đường 490C) và mở tuyến giao thông của ta sang tả ngạn sông Hồng. 

Theo Lịch sử Ðảng bộ, xã Ðồng Sơn nằm ở vị trí quan trọng trên cả 2 tuyến giao thông thủy, bộ nên là căn cứ địa quan trọng của tỉnh nối liền 6 huyện phía nam tỉnh ra vùng tự do. Giai đoạn cuối năm 1949 đầu năm 1950, khi giặc Pháp chiếm đóng toàn bộ huyện Nam Trực, chúng lập ra hệ thống đồn bốt và các làng tề để kìm kẹp nhân dân, càn quét bắt phu, bắt lính, cướp bóc của cải, chống phá cách mạng. Giữ vững điểm nút quan trọng này để vận chuyển vũ khí đạn dược, truyền chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên cũng như đưa dẫn cán bộ của Ðảng qua lại từ hai phía là nhiệm vụ quan trọng được giao cho cán bộ, nhân dân xã Ðồng Sơn. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Ðảng, ngày 16-7-1950, nhân dân xã Ðồng Sơn bắt tay vào chuẩn bị nhân lực, vật lực để thực hiện rào làng kháng chiến, tổ chức phá tề, trừ gian, bảo vệ tài sản của nhân dân, tăng cường công tác địch vận, lôi kéo ngụy quân ngụy quyền bỏ hàng ngũ địch trở về và phương án chiến đấu chống lại kẻ thù. Thời điểm này, tại xã Ðồng Sơn thành lập 18 đội dân công du kích gồm 1.300 người đến các làng xung quanh chặt tre về rào 4 làng liên hoàn thành những chiến lũy, đào hệ thống giao thông hào ngang dọc thông từ xóm này qua xóm khác, nhà nọ sang nhà kia để cho bộ đội, du kích bí mật di chuyển, đánh địch. Các cổng ra, vào làng đều cài mìn, đặt chông, dưới ao thả chông cây, chông chà. Toàn xã có 5 đội du kích, gồm 175 đội viên, được trang bị 1 khẩu súng trung liên, 17 khẩu súng trường và các loại vũ khí như: dao găm, mã tấu, mìn dưa, mìn gậy; phối hợp với Ðại đội 33 của tỉnh, Ðại đội 40 của huyện Nam Trực sẵn sàng chiến đấu bảo vệ “Chiến khu Bắc Sơn - Ðồng Lạc”. Làng kháng chiến Bắc Sơn - Ðồng Lạc đã trở thành vùng tự do giữa lòng địch, là nơi tập kết của các đơn vị bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, dân công từ vùng địch ra vùng tự do và ngược lại, tiếp nhận thương binh của các đơn vị bộ đội sau các trận đánh; tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, bộ đội, du kích; là kho chứa vũ khí, đạn dược chuẩn bị cho kháng chiến. Làng kháng chiến Bắc Sơn - Ðồng Lạc còn nối liền với khu kháng chiến Ðồng Nguyên, xã Nghĩa Ðồng (Nghĩa Hưng) trở thành căn cứ kháng chiến không chỉ của 2 huyện Nam Trực, Nghĩa Hưng, của Ban chỉ đạo Kháng chiến phía nam tỉnh mà còn là nơi đóng quân của nhiều cơ quan quân sự, thông tin liên lạc và vận chuyển, tiếp tế hàng hóa, vũ khí đạn dược cho các huyện phía nam tỉnh. Sự tồn tại của làng kháng chiến trở thành cái gai nhức nhối đối với quân Pháp, chúng nhiều lần tìm cách đánh phá mà không thành công. Cho đến tận tháng 2-1951, địch dồn tổng lực mới phá được làng sau 3 ngày chiến đấu ác liệt. Mặc dù vậy, sau khi địch rút, quân dân địa phương lại tìm cách khôi phục sản xuất, chiến đấu, giữ vững đường dây liên lạc, vận chuyển ra vùng tự do cho đến ngày kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi. Với những đóng góp và chiến công hào hùng đó, năm 2000, Ðảng bộ và nhân dân xã Ðồng Sơn vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Tuổi trẻ xã Đồng Sơn (Nam Trực) tìm hiểu sơ đồ làng kháng chiến Bắc Sơn - Đồng Lạc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tại Nhà truyền thống xã.
Tuổi trẻ xã Đồng Sơn (Nam Trực) tìm hiểu sơ đồ làng kháng chiến Bắc Sơn - Đồng Lạc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tại Nhà truyền thống xã.

Bước vào thời kỳ đổi mới, tinh thần cách mạng và niềm tự hào về một thời hào hùng “rào làng kháng chiến” không chịu khuất phục của tập thể cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Ðồng Sơn đã được phát huy mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Xác định hai mũi nhọn kinh tế chủ lực là phát triển làng nghề và sản xuất nông nghiệp, Ðảng uỷ, UBND xã đã tập trung chỉ đạo, đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện nhiều biện pháp khuyến khích sản xuất phát triển như: quy hoạch diện tích đất sản xuất nông nghiệp thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đồng thời bố trí diện tích đất để phát triển ngành nghề và thu hút đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp. Xã đã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ vốn, tư liệu sản xuất, khoa học kỹ thuật của Trung ương và tỉnh để hỗ trợ, khuyến khích người dân ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; đưa nông dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất rau màu, trồng cây dược liệu và nuôi thủy sản ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh để lựa chọn áp dụng vào thực tế địa phương. Ðến nay, xã có 2 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp. Trong đó, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nam Thành đã thực hiện các khâu dịch vụ sản xuất thiết yếu và đại diện ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm lúa gạo giữa các hộ xã viên với các Công ty Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân (Ý Yên) trên tổng diện tích 60ha với phương thức người dân canh tác trên ruộng đất của mình theo quy trình kỹ thuật, giống, vật tư nông nghiệp của doanh nghiệp tư vấn. Sản phẩm được các doanh nghiệp thu mua ngay tại ruộng với giá cao hơn thị trường cùng thời điểm từ 5-10% đã giúp người dân yên tâm sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thành công ở mô hình liên kết sản xuất lúa thương phẩm, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nam Thành đang tiếp tục tìm đối tác để liên kết sản xuất lúa giống và cây dược liệu để khai thác tối đa tiềm năng đất đai, phát huy kinh nghiệm trình độ thâm canh của người dân. Về ngành nghề nông thôn, xã Ðồng Sơn có nghề truyền thống làm bánh và nấu phở của làng Giao Cù nổi tiếng trên cả nước và theo chân người Việt ra nước ngoài. Với một lực lượng lao động đông đảo khoảng 5.000 người tham gia bán phở, chế biến nguyên liệu làm phở ở khắp các tỉnh, thành phố trong toàn quốc, người dân Ðồng Sơn đã góp phần bảo tồn, phát triển và tôn vinh nét đẹp văn hoá ẩm thực của người Nam Trực nói riêng và Việt Nam nói chung. Chỉ riêng nghề làm bánh và món phở Giao Cù đã giúp bao người khởi nghiệp thành công, là sinh kế mang lại thu nhập, đời sống sung túc cho nhiều người.

Ðồng chí Ðoàn Văn Trường, Chủ tịch UBND xã cho biết: Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, chúng tôi thực sự trăn trở lo lắng bởi đối chiếu với bộ tiêu chí chung thì xã chỉ đạt 4 tiêu chí, còn tới 15 tiêu chí chưa đạt, trong đó có nhiều tiêu chí khó đòi hỏi mức đầu tư lớn trong khi nguồn thu chủ yếu của nhân dân trong xã là sản xuất nông nghiệp. Phát huy tinh thần cách mạng, chung sức, đồng lòng, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới, Ðảng bộ và nhân dân trong xã đã nỗ lực phấn đấu, tìm ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn như: chia nhỏ nhiệm vụ, tuyên truyền, vận động từng người dân, từng hộ gia đình, từng thôn đội, tổ sản xuất tự hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới trong phạm vi, trách nhiệm của mình; xã chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, phát triển ngành nghề phụ để nâng cao thu nhập cho người dân; tranh thủ huy động tối đa các nguồn đầu tư để xây dựng cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và vận động kêu gọi tinh thần tri ân, hướng về quê hương để huy động sự đóng góp của con em địa phương sinh sống, làm ăn thành công ở các nơi. Nhờ đó, những khó khăn về kinh phí đầu tư đã được tháo gỡ. Năm 2017, xã Ðồng Sơn đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới sau nhiều nỗ lực quyết tâm với những thành tựu quan trọng như: tổng kinh phí đầu tư xây dựng phát triển nông thôn mới đạt trên 64 tỷ đồng: trong đó, vốn huy động nhân dân đóng góp 14 tỷ đồng. Nhiều công trình công cộng được xây mới, cải tạo, nâng cấp đảm bảo tiêu chí xanh - sạch - đẹp; 100% trường học trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, thu nhập bình quân đầu người đạt 41 triệu đồng/năm, tăng 3,9% so với thời điểm bắt đầu triển khai chương trình, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9% xuống còn 1,85%… Qua gần 5 năm thực hiện nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ xã lần thứ XXVI (nhiệm kỳ 2015-2020), Ðồng Sơn đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của xã đạt 6,5%; thu ngân sách trên địa bàn năm 2018 tăng gần 300% so với năm 2017./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com