Tăng cường xử lý vi phạm an toàn thực phẩm

08:09, 04/09/2018

Trong 8 tháng đầu năm 2018, công tác kiểm tra, kiểm soát, xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) được các lực lượng chức năng tiến hành thường xuyên với nhiều biện pháp mạnh.

Toàn tỉnh đã thành lập 478 đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về ATTP với tổng số 6.024 lượt cơ sở được kiểm tra, trong đó có 4.698 cơ sở đạt (88%); trong số 1.326 cơ sở vi phạm, có 269 cơ sở bị xử lý (20,3%), 131 cơ sở bị cảnh cáo (9,9%), 130 cơ sở bị phạt tiền (9,8%) với tổng số tiền phạt trên 300 triệu đồng… Số lượng các hình thức phạt bổ sung, khắc phục hậu quả bao gồm: 6 cơ sở bị đóng cửa, 1 cơ sở đình chỉ lưu hành sản phẩm, 26 cơ sở tiêu huỷ sản phẩm, 59 loại sản phẩm bị tiêu huỷ, 1 sản phẩm phải khắc phục về nhãn… Số lượng các sản phẩm bị tịch thu, tiêu huỷ bao gồm 488kg mì chính giả, 10 chai Coca loại 1.500ml, 10 hộp sữa nước, 27 loại bánh, kẹo, sữa hết hạn sử dụng, thực phẩm Trung Quốc nhập lậu, 23 can xì dầu không rõ nguồn gốc, 3kg nguyên liệu làm xúc xích có sử dụng phẩm mầu, một số sản phẩm nội tạng động vật (ruột non của lợn) đang phân huỷ bốc mùi, 0,5kg hỗn hợp phụ gia Natri polyphotphate và Sorbic acid hết hạn sử dụng… Đơn cử là đầu tháng 1-2018, Phòng PC49 Công an tỉnh đã phát hiện cơ sở của bà Mai Thị Hồng, xã Xuân Tiến (Xuân Trường) có hành vi sang chiết, đóng gói mì chính giả nhãn hiệu Miwon, Ajinomoto với số lượng lớn; lập hồ sơ chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh truy cứu trách nhiệm hình sự. Phòng PC49 Công an tỉnh đã kiểm tra, phạt cơ sở sản xuất giò chả Lịch Liễu ở xã Nghĩa Hùng (Nghĩa Hưng) số tiền 15 triệu đồng về hành vi vi phạm việc sử dụng phụ gia thực phẩm, tiêu huỷ 3kg nguyên liệu làm xúc xích có sử dụng phẩm màu, 500ml phẩm màu dùng trong thực phẩm không có thời hạn sử dụng. Chi cục ATVSTP tỉnh phối hợp với PC49 Công an tỉnh xác minh sản phẩm nội tạng động vật (ruột non của lợn) với khối lượng khoảng 700kg đang bị phân huỷ tại xã Hải Bắc (Hải Hậu). Phòng PC49 Công an tỉnh đã tiến hành hoàn thiện hồ sơ và buộc tiêu huỷ toàn bộ số sản phẩm động vật trên. Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản tỉnh (Sở NN và PTNT) phạt 1 cơ sở sản xuất giò chả với lỗi vi phạm sử dụng phụ gia thực phẩm thuộc danh mục được phép sử dụng theo quy định nhưng đã quá thời hạn sử dụng với số tiền phạt 10 triệu đồng... Công tác kiểm tra, xử lý nghiêm những sai phạm đã góp phần tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực ATTP, qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm của chính quyền địa phương, của chủ cơ sở trong việc thực hiện công tác ATTP trên địa bàn và tại cơ sở, tác dụng răn đe để cơ sở có ý thức sản xuất, kinh doanh lành mạnh.

Tuy nhiên, thực tiễn việc xử lý vi phạm ATTP vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế do chế tài xử lý còn quá nhẹ, mới chỉ dừng ở mức xử lý vi phạm hành chính là phạt tiền nên chưa đủ sức răn đe. Trong 8 tháng đầu năm 2018, trong số 1.326 cơ sở vi phạm ATTP, có 1.057 cơ sở vi phạm nhưng chỉ nhắc nhở (79,7%). Việc xử phạt vi phạm ATTP chủ yếu tập trung ở các nội dung: Vi phạm quy định về kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV; điều kiện vệ sinh cơ sở; điều kiện trang thiết bị dụng cụ; điều kiện về con người; ghi nhãn thực phẩm; chất lượng sản phẩm thực phẩm… Còn đối với thực phẩm tươi sống, các đoàn thanh tra, kiểm tra chủ yếu bằng cảm quan do chưa có đủ điều kiện để phát hiện các hóa chất tồn dư, chất cấm có trong loại thực phẩm này. Như vậy, việc kiểm soát chất lượng thực phẩm tươi sống, một mặt hàng “chủ lực” có trong bữa ăn, cũng là nguồn thực phẩm “đầu vào” còn nhiều khoảng trống. Một trong những “lỗ hổng” nữa về công tác xử lý ATTP là công tác hậu kiểm sau khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; sự thiếu kiên quyết xử lý vi phạm về ATTP ở một vài địa phương; cố tình sai phạm việc thực thi các quy định về ATTP trong quy trình chế biến sản xuất... Bên cạnh đó, tại tuyến cơ sở (xã, phường, thị trấn), việc kiểm tra chủ yếu bằng cảm quan, còn những vấn đề như lạm dụng chất tăng trưởng, chất kích thích, chất bảo quản trong chăn nuôi thì chưa thể làm được. Mặt khác, tại tuyến cơ sở, hầu hết các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh là nhỏ lẻ, nhận thức của người sản xuất, chế biến, kinh doanh còn hạn chế, chưa có ý thức mua sắm trang thiết bị, các điều kiện đảm bảo ATTP theo quy định, nên động đến đâu phát hiện lỗi đến đó. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở nhỏ lẻ, manh mún nên dù có tổ chức kiểm tra nhưng chỉ tuyên truyền, nhắc nhở không xử lý vụ nào. 

Để khắc phục tồn tại trên, công tác thanh tra, kiểm tra cần thiết thực, cụ thể, không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra giấy phép sản xuất, kinh doanh, vi phạm về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, điều kiện con người... mà các đơn vị phải cụ thể các nội dung kiểm tra như dư lượng thuốc thú y trong thực phẩm, chất cấm, số đơn vị cơ sở vi phạm VSATTP, hoặc kiểm tra những nơi có nguy cơ xảy ra ngộ độc, cơ sở sản xuất thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc để ngăn ngừa tình trạng ngộ độc thực phẩm... Đặc biệt, cần kiểm tra tại những nơi tập trung các loại thực phẩm tươi sống thu hút nhiều số lượng người tiêu dùng và tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP cao. Các ngành: Y tế, NN và PTNT, Công thương và UBND các huyện, thành phố cần tiếp tục hỗ trợ tuyến cơ sở về chuyên môn nghiệp vụ; tổ chức đào tạo lấy mẫu thực phẩm cho các cán bộ xã, phường, thị trấn; tăng cường kiểm tra đột xuất, nhất là ở tuyến xã, phường, thị trấn, tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, thịt, dịch vụ thức ăn đường phố. Khi phát hiện vi phạm, phải xử phạt nghiêm minh, tránh nể nang. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh chấp hành quy định của pháp luật về ATTP./.

Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com