Tăng cường công tác an toàn vệ sinh lao động trong doanh nghiệp

08:06, 05/06/2018

Những năm qua, cùng với việc chú trọng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm chú trọng đến công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), cải thiện môi trường làm việc. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp, người lao động chưa quan tâm đầu tư đúng mức và chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về ATVSLĐ.

Cty TNHH Garnet (KCN Hòa Xá, TP Nam Định) thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn, vệ sinh lao động.
Cty TNHH Garnet (KCN Hòa Xá, TP Nam Định) thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn, vệ sinh lao động.

Nhằm đẩy mạnh công tác ATVSLĐ, hằng năm, UBND tỉnh đều kiện toàn Ban chỉ đạo Tháng hành động ATVSLĐ tỉnh, xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án về ATVSLĐ như: Chương trình quốc gia về bảo hộ lao động; chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động ATVSLĐ, trong đó chú trọng thực hiện các giải pháp hiệu quả, đẩy mạnh công tác ATVSLĐ. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp và người lao động thực hiện tốt công tác ATVSLĐ được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức như: trên các phương tiện thông tin đại chúng; treo băng rôn, khẩu hiệu, phướn; phát hành tờ rơi, tờ gấp... Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 90 cuộc tọa đàm, 2 cuộc thi tìm hiểu ATVSLĐ; kẻ vẽ, chăng treo 3.647 khẩu hiệu, băng rôn… tại trung tâm Thành phố Nam Định, các khu, CCN và làng nghề; phát hành trên 80 nghìn tờ rơi, tờ gấp tranh, áp phích tuyên truyền về công tác ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và người lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; cấp phát sổ tay hướng dẫn thực hiện công tác ATVSLĐ cho các doanh nghiệp và người lao động; đăng tải, phát sóng hàng trăm tin, bài trên truyền hình, báo in, báo điện tử. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức và ý thức tự giác của người sử dụng lao động cũng như người lao động trong việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ. Bên cạnh đó, các ngành chức năng, các huyện, thành phố tăng cường phổ biến, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ; tập huấn, huấn luyện cho người lao động về công tác ATVSLĐ, PCCN. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 201 lớp huấn luyện ATVSLĐ cho 17.630 người là chủ sử dụng lao động, cán bộ phụ trách công tác ATVSLĐ và người lao động, trong đó có 1.100 người làm công việc nặng nhọc, độc hại tại 10 doanh nghiệp; tổ chức 52 hội nghị sơ kết, tổng kết về công tác ATVSLĐ. Đồng thời các ngành chức năng, các huyện, thành phố đã tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra tại 107 doanh nghiệp trọng điểm, có nhiều lao động và tiềm ẩn nguy cơ mất ATVSLĐ... Qua kiểm tra, các doanh nghiệp đã nhận thức được trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, từ đó nâng cao ý thức cho người lao động bằng biện pháp tuyên truyền, tập huấn, trang bị các phương tiện, kỹ thuật về bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động. Công tác đảm bảo ATVSLĐ tại doanh nghiệp, đơn vị được quan tâm hơn. Phần lớn các doanh nghiệp, đơn vị và người lao động đều hưởng ứng, thực hiện nghiêm túc các quy định về ATVSLĐ. Việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, PCCN đã có sự chuyển biến tích cực, bảo đảm an toàn, sức khoẻ tại nơi làm việc cho người lao động. Các doanh nghiệp đều củng cố, kiện toàn hội đồng bảo hộ lao động, mạng lưới an toàn viên; xây dựng, triển khai kế hoạch bảo hộ lao động, các biện pháp an toàn lao động, PCCN, cải thiện điều kiện lao động, phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Hầu hết các doanh nghiệp tự kiểm tra về công tác ATVSLĐ tại khu vực sản xuất, kinh doanh; qua đó phát hiện 28 nguy cơ rủi ro, kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót, những nguy cơ tiềm ẩn mất ATVSLĐ, PCCN; bổ sung, hoàn thiện 242 nội quy, quy trình làm việc; tổ chức 199 cuộc thực hiện quan trắc môi trường lao động tại cơ sở. Các doanh nghiệp tổ chức 263 cuộc khám sức khỏe định kỳ cho 25.866 lượt người lao động; tổ chức thăm hỏi, động viên 77 cá nhân và gia đình người bị tai nạn lao động, người bị bệnh nghề nghiệp có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, đôn đốc, nhắc nhở người lao động thực hiện nghiêm các quy định về ATVSLĐ, sử dụng đầy đủ bảo hộ lao động cá nhân khi làm việc; trang bị bảo hộ lao động cho người lao động theo yêu cầu công việc, nhất là đối với người lao động làm việc trong điều kiện có các yếu tố nguy hiểm, độc hại. Bên cạnh kết quả đạt được, công tác ATVSLĐ còn bộc lộ một số hạn chế. Một bộ phận doanh nghiệp, người lao động chưa quan tâm đầu tư đúng mức và chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Công tác vệ sinh công nghiệp, cải thiện môi trường tại nơi làm việc của một số đơn vị còn kém. Việc đôn đốc, kiểm tra người lao động sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân chưa thường xuyên… Việc thực hiện quan trắc môi trường tại nơi làm việc; tổ chức khám và lập hồ sơ quản lý bệnh nghề nghiệp cho người lao động chưa thực hiện đầy đủ.

Hưởng ứng Tháng hành động ATVSLĐ năm 2018, với chủ đề “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”, Ban chỉ đạo Tháng hành động ATVSLĐ các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động trong việc thực hiện ATVSLĐ, các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc. Các ngành chức năng, các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp và người lao động thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Kiểm tra, rà soát các nội quy, quy trình, quy định bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc của các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhất là các cơ sở có nhiều yếu tố độc hại, nguy hiểm. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tăng cường triển khai công tác ATVSLĐ, chú trọng các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm có hại tại đơn vị, phòng ngừa tai nạn lao động, tổ chức huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động; trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ cá nhân và tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Ngoài sự chủ động của các doanh nghiệp, người lao động cần chủ động trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng về ATVSLĐ, áp dụng các biện pháp bảo hộ khi lao động sản xuất, giảm thiểu các nguy cơ mất ATVSLĐ, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp./.

Bài và ảnh: Minh Tân

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com