Cảnh báo tình trạng "tín dụng đen" hoạt động công khai ở nông thôn

08:06, 01/06/2018

Thời gian gần đây tình trạng “tín dụng đen” nở rộ, hoạt động công khai ở các làng quê dưới nhiều hình thức và đang tạo ra những hệ lụy đối với tính thanh khoản của thị trường tài chính cũng như gây mất trật tự an toàn xã hội. Nhiều gia đình rơi vào cảnh khốn đốn vì phải “gồng mình” trả nợ “lãi mẹ đẻ lãi con” theo ngày.

Tình trạng cho vay theo kiểu
Tình trạng cho vay theo kiểu "tín dụng đen" đang diễn ra tràn lan công khai ở nhiều vùng nông thôn khiến người dân lo ngại.

Ở các vùng quê giờ không khó để tìm được một địa chỉ vay tiền một cách “không thể dễ dàng, thuận lợi hơn” thông qua số điện thoại được in trên những tờ rơi quảng cáo dán công khai tại bất cứ cây cột điện, hộp công tơ điện, tường bao nào ở mỗi đường dong, ngõ xóm. Các loại tờ rơi với đủ kích cỡ từ 1/2 khổ giấy A4 đến cả khổ giấy A3 được dán khắp nơi, từ đầu hồi nhà dân, cánh cổng, thậm chí ở cả bảng tin của nhà văn hóa thôn, xóm. Thông tin rõ ràng, bắt mắt, mời gọi hấp dẫn theo kiểu: Bạn cần tiền? chỉ cần “nhấc điện thoại”, thủ tục nhanh - gọn, hay “cho vay không cần thế chấp”, chỉ cần “số điện thoại” “thời gian giải quyết từ 5 đến 10 phút”; rồi “Tiền - tiền - tiền, chỉ cần alo là có”... Anh Phạm Văn H, một người dân ở huyện Vụ Bản cho biết: “Những tờ rơi có in nội dung “tiền - tiền - tiền” và số điện thoại cùng tên người cho vay được dán khắp nơi từ cổng chợ đến tường bao, cột điện... Bất cứ ai có nhu cầu vay tiền chỉ cần nhấc điện thoại gọi là có người đưa tiền “tươi” (tiền mặt) đến cho vay ngay lập tức hoặc hẹn đến địa điểm gần nhất, có thể là quán nước ven đường, quán bia, hàng cà phê...”. Thậm chí thời gian gần đây, để tạo sự “an tâm” cho khách hàng, trên những tờ rơi quảng cáo công khai này, các đối tượng cho vay nặng lãi còn mạo danh là cán bộ của các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Vẫn theo anh H thì tại khu vực mình sinh sống, đối tượng khách hàng vay từ các kênh này chủ yếu là thanh niên mới lớn, ham mê các trò đỏ - đen, “nghiện” game online, hoặc những người có việc phát sinh đột xuất cần gấp tiền mặt mà không có nguồn huy động. Dịch vụ “tài chính trao tay, có ngay tiền triệu” được quảng bá và thực hiện công khai khắp các vùng nông thôn đang khiến dư luận không khỏi nghi ngại. Trong vai một khách hàng đang cần 5 triệu đồng để trả nợ gấp, tôi gọi đến số điện thoại 0987.362xxx của người cho vay có tên “Mr.Thanh - cán bộ tín dụng của ngân hàng V” được ghi trên tờ rơi dán ngay cổng chợ. Sau vài câu thăm hỏi xã giao, ngay lập tức tôi được hẹn tới một quán nước ven Quốc lộ 10 để gặp gỡ thỏa thuận. Mặc dù không hề quen biết, nhưng qua mấy câu chào hỏi để xác định đúng là khách hàng, “Mr.Thanh” đã rất nhanh nhẹn bắt tay và giới thiệu về mình: Chẳng giấu gì em, anh làm nghề này cả chục năm nay, nhưng giờ “dịch vụ này” cũng phải cạnh tranh quyết liệt với các ngân hàng. Anh hoạt động ở khắp khu vực các xã của huyện Vụ Bản... nên chú em cứ yên tâm về uy tín nhé. Em vay bao nhiêu tùy nhu cầu nhưng nhớ thực hiện trả tiền lãi, gốc “chuẩn” là bọn anh đỡ “vất”. Cuộc gặp gỡ, thỏa thuận được ngã ngũ nhanh chóng, chưa đầy 10 phút được ghi âm bằng chiếc điện thoại Iphone 6 và xem đó là “bằng chứng” khi có vấn đề cần giải quyết bằng pháp luật. Thứ mà chủ nợ như “Mr.Thanh” cần ở tôi chỉ là xác định số điện thoại và địa chỉ nhà ở hiện tại mà thôi. Số tiền 5 triệu đồng đã được “giải ngân” ngay lập tức và thu lãi luôn 10 ngày đầu. Theo “Mr.Thanh” thì “anh cũng giúp cho nhiều người làm ăn buôn bán trong chợ cần “giật nóng” để kinh doanh, trả tiền hàng, hay có việc khẩn cấp mà chưa thu xếp được số tiền mặt... Tuy nhiên trên thực tế số người vay ngắn hạn từ 1 đến 3 ngày để chi trả cho việc làm ăn có nhưng không nhiều mà phần lớn là số thanh niên mới lớn, ham vui, thích ăn chơi và có máu đỏ đen mới tìm đến những món vay được tính “lãi ngày” này. Vẫn theo “Mr.Thanh” thì cách tính lãi đang được áp dụng phổ biến hiện nay như sau: Nếu khách hàng có tài sản thế chấp và đồng ý ghi “giấy nợ” và sẵn sàng bán tài sản cho chủ nợ thì giá cho vay 1 triệu đồng phải chịu lãi 3.000 đồng/ngày, thu lãi trước 10 ngày. Nếu vay 10 triệu đồng thì chỉ nhận 9,7 triệu đồng, sau 10 ngày lại thu lãi tiếp. Còn vay bằng uy tín hay khách hàng vãng lai thì vay 1 triệu đồng chịu lãi 5.000 đồng/ngày... Như vậy nếu tính ra tỷ lệ lãi suất sẽ khoảng 15%/tháng và 180%/năm. Với nhiều nông dân do bí bách và cũng không thể tính toán nhanh, chỉ thấy số tiền lãi mỗi ngày vài nghìn đồng không quá lớn nên rất dễ sập bẫy khi nợ quá hạn, số tiền đội lên nhanh chóng và phải đối mặt với các nguy cơ từ việc xiết nợ.

Trước tình trạng cho vay nặng lãi diễn biến phức tạp và hoạt động ngày càng công khai, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội ở nhiều thôn, xóm, dư luận đang đặt câu hỏi, liệu có hay không sự “làm ngơ”, thậm chí là “bảo kê” cho hoạt động sai trái này? Hay liệu có sự “hợp tác” giữa cán bộ tín dụng của một số ngân hàng với các chủ cho vay “tín dụng đen” như quảng cáo của họ không? Trao đổi về vấn đề này với phóng viên, đại diện lãnh đạo Chi nhánh NHNN tỉnh khẳng định: Đến thời điểm này, Thanh tra NHNN tỉnh chưa phát hiện được trường hợp nào có sự câu kết móc ngoặc giữa cán bộ tín dụng của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn với các chủ cho vay hoạt động bên ngoài xã hội. Chi nhánh NHNN tỉnh đã phân công cán bộ, lực lượng chức năng tiếp tục theo dõi giám sát và kịp thời xử lý nghiêm khắc khi phát hiện các trường hợp vi phạm. Về chuyện người xưng danh “Mr.Thanh” là cán bộ tín dụng của Ngân hàng V phóng viên đã trao đổi với lãnh đạo đơn vị, thì lãnh đạo ngân hàng này quả quyết: Đây chỉ là sự “mạo danh” của các chủ nợ để “lừa” khách hàng đưa “con mồi” vào “bẫy tín dụng đen”. Đơn vị đã quán triệt tới toàn thể đội ngũ cán bộ, công nhân viên không “tiếp tay” cho bất kỳ hình thức tín dụng nào trái với quy định của pháp luật để bảo đảm hoạt động cho vay luôn an toàn, ổn định và bền vững. Nếu khách hàng có nhu cầu vay vốn nên đến trụ sở các tổ chức tín dụng, ngân hàng để làm thủ tục vay vốn với lãi suất phù hợp. Hiện nay, các ngân hàng luôn tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn nếu đáp ứng các yêu cầu theo quy định.

Lường trước những diễn biến của thị trường tài chính cho vay tiêu dùng có thể dẫn đến những hệ quả không mong muốn, nhất là làm mất an toàn và không bảo đảm tính thanh khoản của thị trường, ngày 15-5-2018, NHNN Việt Nam đã có Văn bản số 3436/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống. Theo đó, các tổ chức tín dụng phải thực hiện nghiêm các quy định về lãi suất, phí liên quan đến hoạt động cho vay theo quy định tại Thông tư 3/2016/TT-NHNN; nghiêm túc thực hiện các quy định về nguyên tắc, phương pháp tính lãi và phí, minh bạch lãi suất cấp tín dụng theo Thông tư 14/2017/TT-NHNN ngày 29-9-2017. Thực hiện nghiêm các quy định về minh bạch hóa hoạt động cho vay như: Quy định về niêm yết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cho khách hàng; cung cấp đầy đủ cho khách hàng trước khi xác lập thỏa thuận cho vay các thông tin về lãi suất cho vay, nguyên tắc và các yếu tố xác định lãi suất trong trường hợp áp dụng lãi suất có điều chỉnh lãi suất quá hạn, loại phí và mức phí theo quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN của NHNN. Riêng đối với các Cty tài chính tiêu dùng, NHNN yêu cầu phải ban hành đầy đủ quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất toàn hệ thống trong từng thời kỳ, trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng và báo cáo NHNN về khung lãi suất...

Một mùa hè sôi động “ăn, ngủ cùng bóng đá” đang đến gần, đây cũng là “cơ hội tốt” để thị trường tín dụng “đen” hoạt động. Do vậy rất cần sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng cảnh báo cho người dân và ngăn chặn “cò mồi” tín dụng “đen” hoành hành, góp phần giữ gìn mái ấm bình yên cho mỗi gia đình ở các vùng quê./.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com