Chủ động phương án ứng phó với ngập lụt và nước biển dâng

08:07, 10/07/2017
Trong thời gian gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu với các hiện tượng thiên tai cực đoan, nguy cơ siêu bão đi vào Biển Đông và ảnh hưởng đến nước ta là rất lớn, vì vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, huyện, thành phố chủ động xây dựng và chuẩn bị các điều kiện để thực hiện tốt phương án ứng phó phù hợp trong tình huống ngập lụt, nước biển dâng xảy ra. 
 
Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh; các ngành chức năng đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về nội dung, giải pháp và lộ trình ngập lụt, nước biển dâng và kế hoạch ứng phó siêu bão để cùng tham gia thực hiện, tự thích nghi; phổ biến kinh nghiệm và kiến thức về ứng phó với tình huống ngập lụt, nước biển dâng khi xảy ra siêu bão. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, hiện đại hoá công tác quan trắc, đo đạc môi trường, khí tượng thuỷ văn, từng bước xây dựng hệ thống giám sát môi trường và xây dựng hệ thống cảnh báo thiên tai, thời tiết. Sở TN và MT đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu khí tượng thủy văn biển cung cấp thông tin về kết quả xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ nguy cơ ngập gây ra bởi nước dâng do bão, siêu bão và đề xuất các giải pháp ứng phó theo Quyết định số 2842/QĐ-UBND ngày 23-12-2015 của UBND tỉnh; chuyển giao, hướng dẫn sử dụng bộ cơ sở dữ liệu về bão, nước biển dâng do bão, bản đồ nguy cơ ngập lụt gây ra bởi nước biển dâng trên địa bàn tỉnh giúp lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức hội, đoàn thể của tỉnh và lãnh đạo UBND, các phòng chức năng của 3 huyện và 20 xã, thị trấn giáp biển lập cơ sở dữ liệu phục vụ công tác hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với nước biển dâng. Tăng cường kiểm tra công tác khai thác, sử dụng tài nguyên biển và vùng bờ, công tác bảo vệ môi trường  của các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở khu vực ven biển. Phối hợp với các huyện ven biển tích cực huy động các nguồn vốn thực hiện dự án phục hồi tài nguyên, hệ sinh thái bị suy thoái vùng ven bờ, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển. Sở NN và PTNT tập trung thực hiện các chương trình, dự án củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển, đê sông. Chủ động xây dựng các công trình cấp nước, các thiết bị trữ nước sạch cho các hộ dân, tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng nguồn nước khoa học, tiết kiệm và hợp lý, đặc biệt là các hộ dân vùng biển. Sở TN và MT đã từng bước quy hoạch và quản lý nguồn nước ngầm và nước mặt, bảo vệ môi trường nước, chủ động phòng, chống, giảm thiểu tác động tiêu cực tới tài nguyên nước. Để giảm thiệt hại, nhất là tại các vùng chân ruộng trũng, thường xuyên bị bão, nước biển dâng và mưa ngập, các hộ nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp thực hiện chuyển dịch theo hướng sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, chuyển đổi từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây rau màu ngắn ngày, cây dược liệu; xây dựng các mô hình canh tác kết hợp có hiệu quả kinh tế cao; chuyển dịch từ các giống lúa dài ngày sang ngắn ngày, chịu mặn, chịu hạn, chịu rét; tăng diện tích trồng lúa vụ đông xuân, giảm diện tích vụ mùa (hay có bão, lụt). Chăn nuôi chuyển dịch theo hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ sang chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại quy mô vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, quan tâm lựa chọn giống vật nuôi có sức đề kháng cao, thích nghi với điều kiện thay đổi bất thường của thời tiết, tăng cường áp dụng công nghệ và phương thức sản xuất tiết kiệm nước. Tại những vùng ao, đầm ven biển dễ bị ngập úng, xâm nhập mặn, ngoài việc nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi, các hộ dân còn tích cực chuyển đổi cơ cấu con nuôi cho phù hợp, trong đó đẩy mạnh việc đưa các con giống mặn lợ trở thành con nuôi chủ lực thâm canh trên diện tích đất nhiễm mặn.
UBND huyện Vụ Bản diễn tập phương án phòng chống thiên tai trên địa bàn xã Đại Thắng.
UBND huyện Vụ Bản diễn tập phương án phòng chống thiên tai trên địa bàn xã Đại Thắng.
Không chỉ chủ động các phương án ứng phó dài hơi, để đảm bảo ứng phó kịp thời, hiệu quả với từng tình huống ngập lụt, nước biển dâng nếu xảy ra siêu bão năm 2017, các huyện, thành phố đã chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn trên cơ sở phương án tổng thể của cấp trên, chủ động xây dựng phương án của địa phương sát với thực tế. Theo đó, các địa phương đã chú trọng xây dựng phương án phòng chống, ứng phó với tình huống ngập lụt, nước biển dâng do bão, siêu bão bằng các biện pháp phi công trình và biện pháp công trình, chủ động công tác “4 tại chỗ” (chỉ huy, lực lượng, vật tư và hậu cần). Tổ chức tập huấn, hướng dẫn tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ứng phó siêu bão, ngập lụt, nước biển dâng cho các trưởng điếm canh đê, cán bộ phụ trách giao thông thủy lợi. Hướng dẫn kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ về quản lý, tuần tra canh gác, bảo vệ đê và hộ đê cho lực lượng quản lý đê nhân dân để có biện pháp xử lý kịp thời khi xảy ra sự cố. Kiểm tra, rà soát các hộ dân sống ở vùng bối, bãi ven đê; nhà dột nát, nhà cấp 4, nhà hư hỏng, nhà yếu và nhà dưới phạm vi cột thu phát sóng có nguy cơ bị đổ do bão, thống kê rõ tên hộ, gia đình, thôn xóm cần sơ tán đến nhà kiên cố như trụ sở UBND, trường học, nhà thờ, nhà ở cao tầng của dân. Hướng dẫn các biện pháp chằng chống nhà cửa nhằm phòng tránh tốc mái, sụp đổ, bảo đảm an toàn tính mạng cho người và tài sản. Tăng cường kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình đê, kè, cống để kịp thời xử lý bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão và hạn chế tối đa khi có siêu bão đổ bộ vào. Phát quang cây cối, dọn dẹp rác thải trên mái đê, cơ đê để kiểm tra, xử lý các ẩn họa trong đê; hoàn thành san lấp ổ gà, rãnh nước, lầy lún trên mặt đê trước khi có tin bão tiến gần bờ. Tập trung triển khai phương án bảo vệ trọng điểm đê kè, vùng bối. Khi có siêu bão, bắt buộc đưa các tàu cá sơ tán về neo đậu tại các địa điểm an toàn; yêu cầu các chủ phương tiện không ở lại trên tàu thuyền, kiên quyết không cho phép các tàu ra khơi. Các huyện, thành phố cũng chủ động xây dựng phương án tổ chức ứng phó siêu bão cụ thể với các tình huống: siêu bão trên Biển Đông, siêu bão gần bờ và siêu bão gần bờ khẩn cấp; chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để thực hiện phương án sơ tán người dân khỏi vùng nguy hiểm và phương án khắc phục hậu quả, tìm kiếm cứu nạn sau bão, tái định cư cho người dân. Các nhiệm vụ cụ thể được phân công rõ ràng cho các phòng, ban, xã, phường, thị trấn theo chức năng, nhiệm vụ và phổ biến đến người dân để phối hợp chung sức, nỗ lực ứng phó hiệu quả với mọi tình huống ngập lụt, nước biển dâng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, nhà cửa, các công trình hạ tầng, các công trình trọng yếu do bão, siêu bão gây ra, đặc biệt là thiệt hại về người./.
 
Bài và ảnh: Thanh Thúy


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com