Thực hiện ứng xử văn minh du lịch

07:04, 24/04/2017
Những năm qua hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định cả về số lượng du khách và doanh thu. Tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng điểm đến du dịch văn minh, an toàn, thân thiện, các cấp, các ngành trong tỉnh đang tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân, khách du lịch thực hiện tốt Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch do Bộ VH, TT và DL ban hành ngày 2-3-2017.
 
Với 2,3 triệu lượt người đến tham quan, nghỉ dưỡng ở các khu, điểm du lịch mỗi năm, ngành du lịch tỉnh cũng còn nhiều khó khăn, bất cập như ứng xử thiếu văn minh của một số du khách, hoạt động các cơ sơ kinh doanh lưu trú, ăn uống, lữ hành chưa chuyên nghiệp, cảnh quan, môi trường khu, điểm du lịch có nơi chưa được bảo đảm... Tại Khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp (TP Nam Định), Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy (Vụ Bản)..., trong khi nhiều khách du lịch chấp hành tốt các quy định của pháp luật thì vẫn còn không ít du khách nữ mặc quần áo phản cảm, khách nói chuyện ồn ào, văng tục, bá vai bá cổ nhau... khi thắp hương. Đêm diễn ra Lễ Khai ấn Đền Trần (14 tháng Giêng), mặc dù Ban tổ chức đã nhắc nhở nhưng nhiều du khách vẫn cố tình ném tiền lên kiệu rước, hoặc chen chúc, xô đẩy để cướp hoa, quả trên các ban thờ để xin “lộc vua, lộc thánh”. Ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của một số du khách rất kém khi vứt đồ ăn thừa, giấy bóng, đồ lễ bừa bãi, hoặc dùng phấn, bút xóa... viết, vẽ lên tường tháp Phổ Minh và các bia đá nơi đây. Theo Ban quản lý Khu di tích lịch sử Đền Trần - Chùa Tháp, dù đã tích cực tuyên truyền, nhắc nhở nhưng tình trạng thiếu văn minh du lịch của du khách vẫn diễn ra thường xuyên. Ở nhiều điểm di tích trong tỉnh, tình trạng người ăn xin nằm, ngồi giữa các lối đi vào cửa điện, đền, dịch vụ đổi tiền lẻ, dịch vụ xem bói, bán hàng rong... mặc dù được các cơ quan chức năng và các địa phương giải quyết nhưng vẫn xuất hiện gây phản cảm. Việc triển khai các quy định của pháp luật về kinh doanh du lịch chưa được một số cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn Thành phố Nam Định, Khu du lịch biển Quất Lâm (Giao Thủy), Khu du lịch biển Thịnh Long (Hải Hậu) chấp hành nghiêm. Tình trạng tăng giá phòng, đồ ăn trong khi chất lượng dịch vụ không cao vẫn còn xảy ra vào dịp Lễ Khai ấn Đền Trần, chợ Viềng xuân, vào dịp nghỉ lễ cuối tuần... Nhiều du khách rất bức xúc khi người dân quanh các khu, điểm du lịch lợi dụng các lễ hội để “chặt chém” tiền gửi xe ô tô, xe máy. Anh Trần Xuân Minh ở phố Vị Xuyên (TP Nam Định) cho biết: “Đêm Khai ấn Đền Trần, tôi gửi xe ô tô ở các nhà dân ven Quốc lộ 10 gần đó giá tăng vọt lên gấp 10 lần so với quy định của UBND tỉnh. Còn trong đêm diễn ra chợ Viềng xuân Vụ Bản năm 2017, giá coi xe ô tô ở nhà một người dân Thị trấn Gôi là 200 nghìn đồng. Do không có điểm gửi xe nên nhiều du khách tỉnh xa đành chấp nhận với suy nghĩ “Năm chỉ có một lần”.
Múa rồng trong Lễ hội Đền Trần (TP Nam Định).
Múa rồng trong Lễ hội Đền Trần (TP Nam Định).
Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch ra đời không là văn bản quy phạm pháp luật mà chỉ là quy định mang tính chuẩn mực định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách thức ứng xử văn minh của các tổ chức, cá nhân khi tham gia du lịch. Đối tượng áp dụng là khách du lịch người Việt Nam đi du lịch trong nước và nước ngoài, người nước ngoài đi du lịch Việt Nam, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh du lịch, cộng đồng dân cư tại các điểm du lịch. Tùy từng đối tượng, bộ quy tắc đưa ra các hành vi cần thực hiện. Với du khách, phải xếp hàng trật tự, tôn trọng sự khác biệt về văn hóa, trang phục phù hợp, không vứt rác bừa bãi, không lấy đồ người khác... Những người cung cấp dịch vụ du lịch, khách sạn, doanh nghiệp vận chuyển, người bán hàng không chèo kéo khách, không nâng giá, ép giá, không bán hàng kém chất lượng, không lấy thương hiệu của người khác để kinh doanh; cung cấp cho khách du lịch các sản phẩm, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng, ATVSTP... Đối với cộng đồng dân cư cần lịch sự, nói lời hay, cử chỉ đẹp, thân thiện với khách du lịch; nhiệt tình chỉ dẫn, giúp đỡ du khách khi có yêu cầu; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của cộng đồng; giữ thái độ nhã nhặn, lịch sự khi giải quyết sự cố đối với khách du lịch; không tranh giành, gây gổ với khách... Bộ VH, TT và DL cũng đưa ra một số khẩu hiệu tuyên truyền như “Du lịch có hiểu biết và có trách nhiệm”, “Mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch”, “Du lịch hướng tới sự chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả”, “Nói không với dịch vụ kém chất lượng”... Để thực hiện bộ quy tắc trên, thời gian tới Sở VH, TT và DL cần phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương có khu, điểm du lịch đẩy mạnh tuyên truyền thông qua hệ thống loa đài, băng rôn, khẩu hiệu sinh động nâng cao nhận thức của khách du lịch, các cơ sở kinh doanh lưu trú, nhà hàng, cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, người bán hàng, các doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên du lịch, cộng đồng dân cư... đối với việc thực hiện văn hóa văn minh du lịch. Đối với các khu, điểm du lịch có đông du khách nước ngoài như Vườn quốc gia Xuân Thủy, cần lập tờ rơi, tờ gấp bằng tiếng Anh quy định những điều du khách được làm và không được làm để họ hiểu và thực hiện. Sở VH, TT và DL cũng cần phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh vận động các thành viên nâng cao chất lượng phục vụ du khách từ ăn uống, lưu trú, di chuyển, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về kinh doanh du lịch; lồng ghép, đưa nội dung ứng xử văn minh du lịch vào một số chương trình đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghề du lịch. Các địa phương cần quan tâm đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng, nhân lực cho việc bảo vệ môi trường như lắp đặt thùng rác, xây dựng khu vệ sinh thuận tiện, bố trí thêm công nhân vệ sinh ở những khu, điểm du lịch có đông du khách; tổ chức các chiến dịch làm sạch môi trường; hình thành các đội tình nguyện viên du lịch...
 
Bộ quy tắc văn minh du lịch được triển khai rộng rãi sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong tỉnh và khách du lịch đến tỉnh, từng bước hình thành thói quen, hành vi ứng xử văn minh, tạo mối quan hệ tốt đẹp, hài hòa, thân thiện giữa du khách và người dân địa phương... Qua đó xây dựng hình ảnh du lịch hấp dẫn, thân thiện, đưa du lịch của tỉnh ngày càng phát triển./.
 
Bài và ảnh: Thanh Ngọc


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com