Nghề bỏ đăng bắt cá

09:12, 02/12/2016
Tận dụng điều kiện tự nhiên, người dân nhiều vùng quê đã có những cách khác nhau để phát triển nghề đánh bắt cá. Nhưng đặc biệt hơn là loại hình quây lưới (bỏ đăng) đã mang lại cho những người dân nơi đây nguồn thu nhập, giúp họ phần nào giảm bớt đi những khó khăn trong cuộc sống.
Ông Vũ Đức Văn, xã Phương Định (Trực Ninh) đang thu hoạch cá từ bỏ đăng của gia đình.
Ông Vũ Đức Văn, xã Phương Định (Trực Ninh) đang thu hoạch cá từ bỏ đăng của gia đình.
Trong cái nắng hanh đầu đông, chúng tôi có dịp gặp và trò chuyện với ông Vũ Đức Văn, ở khu cầu Đôi, xã Phương Định (Trực Ninh) khi ông đang thoăn thoắt phân loại cá, cua, ốc… Gần 40 năm tuổi nghề, bàn chân ông đã đi khắp những con sông trong và ngoài xã để đánh cá. Ông Văn cho biết: Nghề bỏ đăng bắt cá ở địa phương tôi đã có từ lâu đời, nhiều gia đình đã có 2-3 đời làm nghề. Đăng là ngư cụ phổ biến ở những vùng quê có địa hình rộng, những dòng sông có nước ra vào thường xuyên, thả lưới đăng thường khai thác quanh năm. Cũng như các nghề khác, nghề bỏ đăng bắt cá có việc làm quanh năm, không mang tính thời vụ nhưng thông thường thu hoạch nhiều cá, tôm nhất là từ tháng 1 đến tháng 7 âm lịch. Đăng thường được đặt ở những nơi cố định chặn ngang đường di chuyển của cá, lưới đăng như bức tường chặn giữa dòng khiến cá phải bơi men theo tường lưới và bị giữ ở chuồng lưới. Chia sẻ thêm về kinh nghiệm bỏ đăng, ông Văn cho biết, đăng gồm có 3 bộ phận chính là đăng lưới, chuồng và lọp. Đăng lưới là dãy lưới chặn ngang đường di chuyển của cá thường được làm bằng tre tạo thành dãy đăng hình chữ nhật, chiều dài của tấm lưới đăng tùy thuộc vào độ rộng cho phép của khu vực khai thác (lòng kênh, mương) hoặc phụ thuộc vào mức độ phát tán của đàn cá xuất hiện gần khu vực đặt lưới đăng. Nếu khai thác ở sông lớn phải chọn chiều dài tấm đăng sao cho chặn được càng nhiều cá càng tốt. Tuy nhiên, nếu khai thác ở các vùng kênh mương thì người ta thường lắp đặt chiều dài lưới đăng theo đường ngoằn ngoèo để tăng diện tích chặn cá. Bên cạnh đó, khi chọn mua các tấm đăng phải tính được chiều cao tấm đăng từ tầng mặt cho đến sát đáy và có dự phòng thêm từ 10-20% độ cao nhằm đảm bảo phần trên của tấm đăng được nổi lên khi có nước lớn. Độ hở giữa các thanh đăng của tấm tre phải đảm bảo ngăn không để cá vượt qua được các khe. Chuồng lưới đăng là nơi giữ cá, chứa cá và hướng cá vào lọp. Chuồng lưới có dạng hình chữ nhật hoặc hình đa giác, yêu cầu đối với chuồng lưới đăng là phải có diện tích vừa đủ, không được quá nhỏ hoặc quá lớn, bởi vì nếu làm quá nhỏ sẽ làm cho cá cảm thấy chật chội, có thể tìm cách thoát ra ngoài, nếu quá lớn sẽ khó thu gom hoặc khó hướng cá vào lọp. Lọp có dạng hình ống, hình hộp hoặc hình trụ, yêu cầu đối với lọp là phải bền, chắc không để cho cá có thể phá lọp ra ngoài. Ban đầu dựng nghề cần tới sự tham gia của hàng chục người để trồng đăng xuống dòng sông cho nhanh, còn đến lúc thu hoạch thì chỉ cần 1 chiếc thuyền và 1 người chèo ra để nhổ đăng lên là có thể thu hoạch được. Ông Văn tay vừa nhặt rác vừa trò chuyện, mỗi một lần nhổ đăng lên, mẻ nào bắt được nhiều cá thì tôi thấy ham lắm, có thêm động lực để hy vọng vào những lần nhổ đăng tiếp theo. Khi thời tiết không thuận lợi hoặc vào mùa nước cạn thì lượng cá sẽ ít hơn. Nghề quây lưới bỏ đăng bắt cá được cái “sướng” hơn các nghề khác là bỏ ra một ít vốn liếng khoảng 2 triệu đồng, chịu khó ngày hai buổi sáng và chiều nhổ đăng là có ngay tiền dắt túi. Mỗi ngày những người thợ đổ đăng cũng kiếm được 100-150 nghìn đồng, nhiều khi vào mùa nước lớn thì số thu nhập cũng tăng lên gần 500 nghìn đồng/ngày. Tính ra, trung bình 1 tháng những người thợ đổ đăng cũng có một khoản thu nhập đáng kể từ 5-6 triệu đồng. Đối với những người nông dân, đặc biệt là những hộ nghèo, số tiền trên có thể giúp họ trang trải cuộc sống hằng ngày, có thể lo con cái ăn học đầy đủ, thu vén cho cuộc sống gia đình. Ông Văn cho biết thêm, hiện một lạng tôm có giá 13 nghìn đồng, loại cá nhỏ có giá 15 nghìn đồng/kg, ốc to có giá 10-11 nghìn đồng, ốc nhỏ có giá từ 5.000-6.000 đồng/kg. Bây giờ, nhiều người lo ngại tôm cá nuôi bằng thức ăn công nghiệp nên tôm, cá đánh bắt tự nhiên rất được ưa chuộng, do đó thu nhập của những người làm nghề cũng khá ổn định. Tuy nhiên nghề nào cũng có khó khăn riêng. Đăng thả ngay dòng nước chảy nên ngoài tôm cá còn có rong rêu, bèo, rác bị chặn lại, thường 2 tháng phải vệ sinh đăng một lần, nhổ lưới và các dụng cụ quây bắt lên giặt sạch sẽ phơi nắng rồi lại cắm trở lại các vị trí như ban đầu. Nhiều khi trời mưa rét những người thợ bỏ đăng vẫn phải ngâm mình dưới nước để lội vớt bèo và các vật cản ở trong đáy chắn lỗ vào lọp của cá, rồi cả chuột cắn rách đăng lưới người thợ phải vá lại hoặc thay thế bằng tấm lưới mới. Do người bỏ đăng phải liên tục ngâm dưới nước nên dễ mắc các bệnh về chân, tay, nhất là khi hiện nay, tình trạng nguồn nước đang bị ô nhiễm trầm trọng. Không những thế, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật ngày càng nhiều khiến lượng cá, tôm trong môi trường tự nhiên ngày càng ít đi, nên thu hoạch những người làm nghề đăng đó cũng bị ảnh hưởng đôi phần.
 
Nghề thả đăng bắt cá đòi hỏi sự cần cù chịu khó, kiên nhẫn, nhiều lúc phải dầm mình hàng giờ dưới nước và cũng gặp không ít hiểm nguy. Song bản tính hay lam hay làm của những người nông dân đã biết dựa vào tự nhiên, tận dụng khai thác nguồn lợi để có thêm thu nhập cải thiện đời sống./.
 
Bài và ảnh: Văn Huỳnh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com