Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán

09:12, 27/12/2016
Chỉ còn khoảng một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2017. Thời điểm này nhiều người dân đã “rục rịch” mua sắm để chuẩn bị cho một cái Tết đầy đủ, trọn vẹn. Dự kiến dịp Tết năm nay, nhu cầu về thực phẩm của người dân tăng khoảng 25-30% so với ngày thường, kéo theo đó là sự tăng giá của các mặt hàng thực phẩm như: thịt gia súc, gia cầm, giò, chả, hoa, quả, rượu, bia, nước giải khát, mứt, kẹo, các gói quà Tết, phụ gia thực phẩm... Tuy nhiên, bên cạnh nỗi lo tăng giá, người tiêu dùng không khỏi băn khoăn về thực trạng mất vệ sinh ở các mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết…
 
Dạo quanh các chợ đầu mối trên địa bàn Thành phố Nam Định như: Chợ Mỹ Tho, chợ Hoàng Ngân, chợ Phạm Ngũ Lão, chợ Phụ Long…, không khó để nhận ra các điều kiện về cơ sở hạ tầng, nguồn nước sạch, mặt bằng bán hàng ở phần lớn các chợ chưa đạt điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP). Tại chợ Phụ Long, nơi hằng ngày diễn ra hoạt động mua bán thực phẩm phục vụ đời sống của nhân dân, trong tổng số 220 quầy thì có tới 146 quầy kinh doanh rau tươi, hoa quả, 62 hộ kinh doanh thịt, cá... Điều đáng quan tâm là tại chợ Phụ Long, công tác ATTP vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bởi tình trạng rác thải vẫn bị xả bừa bãi ở khu vực xung quanh chợ và trong chợ. Khu vực bán hải sản tươi sống, các hàng rau, thịt, đồ tươi sống... được bày bán lộn xộn, có quầy bày ngay sát mặt đất. Tại khu vực bán cá, hải sản tươi sống, nước chảy lênh láng, xung quanh là những vũng nước đọng... Chợ Mỹ Tho có tổng số 310 hộ kinh doanh, trong đó 76 hộ kinh doanh hoa quả, rau tươi, 20 hộ kinh doanh thịt cá tươi sống, cá khô, 20 hộ kinh doanh dưa cà, mắm tôm, còn lại là các hộ kinh doanh bánh kẹo. Công tác ATTP tại chợ vẫn còn nhiều điều đáng bàn khi các mặt hàng đồ khô, ô mai, bánh kẹo, hạt hướng dương, phụ gia thực phẩm... được bày bán khá nhiều nhưng trong số đó có không ít mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng. Dạo quanh các chợ ở nông thôn, cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh tương tự về tình trạng ATTP chưa đảm bảo vệ sinh tại các chợ, đặc biệt là khu vực bày bán các mặt hàng thủy sản và khu vực giết mổ gia cầm. Tuy nhiên, vì sự tiện lợi nên nhiều người mua “tặc lưỡi” chấp nhận mua tôm cá, gia cầm mổ ngay trên mặt sàn bê tông nhếnh nhoáng nước và rác thải… Còn tại các chợ đầu mối và một số khu phố bán bánh kẹo trên địa bàn Thành phố Nam Định các mặt hàng bánh kẹo, hoa quả, đồ uống phục vụ Tết, vấn đề ATTP vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn; trong đó có nhiều loại bánh kẹo bán theo cân giá rẻ và các mặt hàng nước uống như rượu, bia, nước giải khát, nước tăng lực, nước khoáng, mì chính, bột ngọt… nhãn hiệu hàng hoá, kiểu dáng, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng... Đặc biệt, tại nhiều vùng nông thôn trong tỉnh, ngoài các mặt hàng phục vụ Tết có bao bì, nhãn mác rõ ràng, vẫn còn khá nhiều loại hoa quả, bánh kẹo, mứt, ô mai, hạt bí, hạt hướng dương, nước uống đóng chai, đóng bình không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng… được bày bán tràn lan tại các chợ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm (NĐTP) cho người dân. Theo Chi cục ATVSTP tỉnh, nguyên nhân gây NĐTP đang ngày càng diễn biến phức tạp. Đơn cử, các vụ NĐTP xảy ra những năm gần đây nguyên nhân NĐTP do hóa chất bảo vệ thực vật chiếm 38,5%, do vi sinh vật chiếm 30,7%, các vụ còn lại không xác định được nguyên nhân. Thực trạng đó cộng với nguy cơ hiện nay hầu hết các gia đình có thói quen sử dụng thực phẩm rau, thịt tại các chợ truyền thống trong khi điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng, nguồn nước sạch ở hầu hết các chợ này chưa đạt yêu cầu bảo đảm ATTP. Chưa kể hệ thống phòng chống côn trùng tại chợ không đầy đủ và hiệu quả, hệ thống cống rãnh tại chợ chưa đảm bảo vệ sinh, thực phẩm tiêu hủy, thực phẩm sống còn để lẫn với thực phẩm chín…, dẫn tới việc chưa thể quản lý, kiểm soát được nguồn gốc các sản phẩm thịt, rau, củ, quả tại các chợ. Thực tế quá trình thanh tra, kiểm tra của các ngành chức năng cho thấy giấy phép kinh doanh có hộ có, có hộ không, các hàng rau nhỏ lẻ chủ yếu là tự cung tự cấp, việc giết mổ gia cầm bừa bãi, chế biến ngay trên sàn… rất mất vệ sinh. Bên cạnh đó, hầu hết thực phẩm rau, thịt bày bán tại các chợ truyền thống phần lớn đều không qua kiểm định chất lượng, nguồn gốc của các cơ quan chức năng về ATTP. Do vậy người tiêu dùng rất khó xác định được đâu là thực phẩm an toàn và thường chỉ có thể lựa chọn rau, thịt theo thói quen. Trước “mê hồn trận” về thực phẩm, người nội trợ không khỏi băn khoăn, lo ngại thực phẩm “bẩn”, thực phẩm không an toàn nên thường mua thực phẩm chỗ quen biết dựa trên lòng tin đối với người chủ cửa hàng. Chị Ngô Thị Hoa ở ngõ 75, đường Điện Biên (TP Nam Định) cho biết: “Tôi thường mua thực phẩm tại cửa hàng người quen, hoặc các sản phẩm ở siêu thị, bởi chỗ người quen sẽ có độ tin cậy cao hơn, hoặc thực phẩm ở siêu thị thường có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nhưng mới đây, tôi lại nghe có thông tin nhân viên của một siêu thị đi gom rau trôi nổi ở chợ rau đêm rồi tuồn vào siêu thị tiêu thụ, nên chúng tôi rất băn khoăn, lo lắng”. Năm 2016, qua các đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về ATTP, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện khoảng 20-27% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm vi phạm quy định về ATTP. Các sản phẩm vi phạm bị tiêu hủy gồm: đậu tương hết hạn sử dụng, dầu hào không rõ nguồn gốc xuất xứ, mì chính, hạt nêm giả, bánh kẹo, thuốc thú y hết hạn sử dụng, nội tạng động vật đang trong quá trình phân hủy bốc mùi hôi thối... Tuy nhiên, thực tế, số thực phẩm không đảm bảo chất lượng đang trôi nổi ngoài thị trường lớn hơn gấp nhiều lần so với số lượng thực phẩm được phát hiện qua các đợt thanh tra, kiểm tra. 
 
Để thắt chặt hơn nữa công tác bảo đảm ATTP trong dịp Tết Nguyên đán, các ngành chức năng, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật ATTP. Cùng với việc nâng cao hơn nữa chất lượng thanh tra, kiểm tra và giám sát sau thanh, kiểm tra, các ngành chức năng, các địa phương cần tuyên truyền, vận động người dân sẵn sàng tố giác những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh không bảo đảm ATTP; kiên quyết tẩy chay những sản phẩm gây hại cho sức khỏe con người./.
 
Minh Thuận


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com