Công tác thông tin truyền thông góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm

09:06, 14/06/2016
Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2016, những thông thông điệp như: “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”, “Nói không với thực phẩm bẩn”, “Quyết tâm ngăn chặn thực phẩm rau, thịt không an toàn”, “Không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục được phép sử dụng”, “Không sử dụng hóa chất, kháng sinh ngoài danh mục, chất cấm trong chăn nuôi”, “Lựa chọn rau, thịt sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ cho bữa ăn ngon, an toàn sức khỏe”… đã được chuyển tải tới người tiêu dùng bằng nhiều “kênh” thông tin phong phú như: qua các buổi nói chuyện, tập huấn, hội thảo, truyền thông lưu động; băng rôn, khẩu hiệu, áp phích, tờ gấp, băng đĩa hình, băng đĩa âm, pa nô... Công tác truyền thông về ATTP đã góp phần tích cực tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân biết và tuân thủ các quy định của pháp luật về ATTP; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm chất lượng ATTP.
Sơ chế và đóng gói hoa quả tại Siêu thị BigC Nam Định đảm bảo các quy định về ATTP.
Sơ chế và đóng gói hoa quả tại Siêu thị BigC Nam Định đảm bảo các quy định về ATTP.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác truyền thông về ATTP, những năm qua, các ngành: Y tế, Công thương, NN và PTNT đã phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh truyền thông về ATTP. Nội dung tuyên truyền tập trung phổ biến Luật ATTP, Thông tư của các bộ: Y tế, NN và PTNT, Công thương và liên bộ về bảo đảm ATTP theo từng lĩnh vực cụ thể. Tuyên truyền, phổ biến các mô hình tiên tiến về ATTP, hệ thống quản lý, kiểm soát ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm như: HACCP (ISO 22000), GMP, GHP, VietGAP; tuyên truyền hướng dẫn cách chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn; tuyên truyền việc thực hiện tốt các quy định về vệ sinh cơ sở, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ chế biến thực phẩm, vệ sinh cá nhân để phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm thực phẩm; tuyên truyền việc thực hiện tốt điều kiện vệ sinh cơ sở, bồi dưỡng kiến thức và khám sức khỏe cho người trực tiếp chế biến thực phẩm, giữ vệ sinh trong chế biến, vận chuyển, bảo quản, kinh doanh, sử dụng thực phẩm và phụ gia thực phẩm góp phần giảm thiểu ngộ độc thực phẩm… Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, công tác truyền thông về ATTP đã được các cơ quan quản lý Nhà nước về ATTP tập trung vào việc tuyên truyền sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn, hướng dẫn cách chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng rau, thịt an toàn cùng với việc nêu cao vai trò, trách nhiệm, tầm quan trọng của việc thực hiện tốt các quy định về vệ sinh cơ sở, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ chế biến thực phẩm, vệ sinh cá nhân trong việc phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm chéo thực phẩm. Trong đó, với chức năng cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh, Sở Y tế đã mở nhiều lớp tập huấn cho hơn 1.000 người là cán bộ các cơ quan liên quan, mạng lưới y tế tuyến huyện, xã, chủ các doanh nghiệp và các đối tượng tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm để cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP, giúp họ thực hiện đúng, nghiêm túc đối với các quy định của pháp luật về công tác ATTP. Các cơ quan: Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh, Sở GD và ĐT, Ban Quản lý các KCN tỉnh… cũng “vào cuộc” tích cực để triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật về ATTP. Năm 2015, đã có gần 30 tin, bài, ảnh tuyên truyền về công tác ATTP được đăng tải trên Báo Nam Định; trên 40 lượt thông điệp về công tác ATTP được phát trên Đài PT-TH tỉnh; 803 băng rôn được treo tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh trong các dịp cao điểm như: Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu… Cùng với công tác tuyên truyền, Chi cục ATTP tỉnh đã thực hiện ký cam kết trách nhiệm đảm bảo ATTP với khoảng 2.000 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố trong toàn tỉnh; có 279 giáo viên và nhà bếp một số trường mầm non và tiểu học của Thành phố Nam Định được tập huấn kiến thức về ATTP. Đặc biệt, trong Tháng hành động vì ATTP năm 2016, toàn tỉnh đã tổ chức 71 buổi nói chuyện chuyên đề về ATTP cho 9.331 người nghe; tổ chức 32 buổi tập huấn về ATTP cho 2.500 người; tổ chức 2 buổi hội thảo cho 150 người; có nhiều tin, bài, ảnh đã được đăng tải trên Báo Nam Định; 3.575 lượt phát thanh; 857 băng rôn, khẩu hiệu; 1.900 tờ tranh áp phích; 25 nghìn tờ gấp; 10 buổi tuyên truyền lưu động… đã được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh với nhiều nội dung và hình thức phong phú. Công tác truyền thông về ATTP còn được thực hiện thông qua kênh truyền thông trực tiếp như đội ngũ cán bộ các ngành: Y tế, NN và PTNT, các đoàn thể như: MTTQ, Hội CTĐ, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, lực lượng vũ trang… với nhiều  hình thức dễ tiếp thu như hướng dẫn thực hành cụ thể theo nhóm, nói chuyện, hội thảo, hội diễn, hội thi quần chúng, hội thi cộng tác viên tuyên truyền về ATTP… tập trung cao độ vào 3 thời điểm: trước và trong dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì chất lượng ATTP, Tết Trung thu… tại các khu dân cư. 
 
Công tác truyền thông về ATTP đã góp phần tích cực phổ biến kịp thời các chủ trương, đường lối, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật của Đảng, Nhà nước tới cơ quan quản lý liên quan và các tầng lớp nhân dân; thông tin kịp thời cho người dân về vấn đề đảm bảo ATTP, góp phần nâng cao ý thức, chuyển biến nhận thức của người sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm. Qua đó, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh đã đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm và thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo đúng quy định. Qua điều tra kiến thức về thực hành ATTP của các nhóm đối tượng của ngành Y tế trong năm 2015 cho thấy: 83,3% người sản xuất thực phẩm, 85% người kinh doanh thực phẩm, 83,8% người tiêu dùng thực phẩm, 90% người quản lý hiểu biết đúng về ATTP; 69,5% người sản xuất thực phẩm, 69,2% người kinh doanh thực phẩm đã thực hành đúng về ATTP. Tỷ lệ cơ sở vi phạm về ATTP cũng đã giảm hẳn so với những năm trước. Đơn cử, trong Tháng hành động vì ATTP năm 2016, toàn tỉnh đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 4.339 cơ sở/12.261 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, trong đó có 3.115 cơ sở đạt tiêu chuẩn, chiếm tỷ lệ 71,8% so với số cơ sở được thanh tra, kiểm tra./.
 
Bài và ảnh: Minh Thuận


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com