Từng bước nhân rộng mô hình Trường học mới Việt Nam ở các trường tiểu học trong tỉnh

07:11, 20/11/2014

Từ năm học 2012-2013, mô hình Trường học mới Việt Nam (VNEN) được triển khai tại 1.447 trường tiểu học ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây được xem là một mô hình nhà trường tiên tiến, hiện đại, phù hợp với mục tiêu phát triển và đặc điểm của giáo dục nước ta. Tham gia thí điểm mô hình, tỉnh ta có Trường Tiểu học Yên Đồng (Ý Yên) và đến năm học 2014-2015, toàn tỉnh nhân rộng ở 28 trường tiểu học, trong đó Trường Tiểu học Nam Mỹ (Nam Trực) được ngành GD và ĐT chọn làm điểm để các trường tham khảo, học tập.

Cô và trò Trường Tiểu học Nam Mỹ (Nam Trực) trong một giờ học theo mô hình VNEN.
Cô và trò Trường Tiểu học Nam Mỹ (Nam Trực) trong một giờ học theo mô hình VNEN.

Dự một tiết học Toán theo mô hình VNEN của lớp 3A, Trường Tiểu học Nam Mỹ điều dễ nhận thấy là từ nội dung, phương pháp đến hình thức tổ chức lớp học đều thay đổi so với lớp học truyền thống. Ở bài “Phép cộng các số trong phạm vi 10.000”, học sinh không còn thụ động trong tiếp thu bài giảng theo giáo án soạn sẵn của giáo viên, mà giữ vai trò trung tâm trong lớp học. Sau khi giới thiệu phần học, mục tiêu của bài học, giáo viên đưa ra các phép tính để học sinh tự thảo luận. Bằng việc chia học sinh trong lớp thành các nhóm, mỗi nhóm 6 em, các học sinh trong nhóm cùng nhau thực hiện đặt tính, tính 3 phép tính rồi nói cho nhau nghe về cách đặt tính để cả nhóm cùng làm bài tập, sau đó các em tự đọc nội dung cách thực hiện đặt tính, viết vào sách và trao đổi, đánh giá kết quả với nhau. Học sinh nào gặp khó khăn sẽ dùng thẻ đỏ để báo cáo giáo viên hỗ trợ. Đến phần thực hành, học sinh trong lớp tiếp tục tự làm rồi chia sẻ với các bạn trong nhóm, các nhóm sẽ báo cáo với giáo viên về kết quả của bài làm. Như vậy, giáo viên là người hướng dẫn các em học và đánh giá kết quả sau cùng. Phương pháp học mới này giúp học sinh được trao đổi nhiều hơn, tăng sự tự tin và hình thành khả năng giao tiếp, giúp các em được rèn luyện toàn diện, không chỉ được học kiến thức mà được rèn luyện cả kỹ năng sống, năng lực tự quản bản thân, tự quản tập thể. Đặc biệt, trong cách giao bài tập về nhà của giáo viên, học sinh sẽ tự chủ về nội dung, kiến thức bài học thông qua hoạt động ứng dụng và phần bài tập về nhà yêu cầu phải có sự giúp đỡ của bố mẹ. Điều này đã tạo điều kiện để các bậc phụ huynh kiểm soát việc học tập của con mình. Hầu hết các em rất thích thú với cách học này và còn hào hứng hơn khi trước đây chỉ có lớp trưởng thì nay Ban cán sự lớp là Hội đồng tự quản do tập thể lớp bầu ra chứ không phải do cô giáo chủ nhiệm chỉ định. Hội đồng tự quản lớp có chủ tịch, hai phó chủ tịch và các uỷ viên phụ trách các ban: Học tập, thư viện, đối ngoại, tư vấn, văn nghệ - thể dục - thể thao, sức khỏe - vệ sinh, đảm nhiệm tổ chức toàn bộ các hoạt động của lớp, khi cần thiết mới nhờ giáo viên trợ giúp. Phòng học cũng được bày trí sinh động hơn, có góc học tập, hộp thư cá nhân, hộp thư “Điều em muốn nói” để trao đổi với giáo viên những điều thầm kín. Có thể cảm nhận một không gian học tập sáng tạo, cởi mở, hấp dẫn ở từng lớp học. Cô giáo Hoàng Thị Dung, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Những ngày đầu, để thay đổi được cách học, cách dạy truyền thống, nhà trường gặp không ít khó khăn do giáo viên chưa có kinh nghiệm, học sinh chưa quen với phương pháp học mới, phụ huynh chưa tin tưởng vào phương pháp mới. Xác định giáo viên là yếu tố then chốt quyết định thành công của mô hình, nhà trường đã tập trung tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, thường xuyên cử giáo viên tham dự các buổi học tập kinh nghiệm do Sở GD và ĐT hướng dẫn, sau đó về hướng dẫn lại cho các giáo viên khác. Bên cạnh đó, ban giám hiệu, các giáo viên dạy lớp VNEN đã phối hợp chặt chẽ với ban đại diện cha mẹ học sinh, chi hội trưởng của các lớp nhằm tham mưu, huy động xây dựng nguồn vốn để xây dựng sân trường, bồn hoa cây cảnh, trang trí các góc học tập…, đồng thời vận động phụ huynh tham gia tích cực vào các hoạt động giáo dục trong nhà trường như hỗ trợ các em hoàn thành các bài tập ứng dụng, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện, sự tiến bộ của các em, hỗ trợ các em tổ chức các hoạt động tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, cách mạng ở địa phương…”. Thực tế tại một số giờ học có thể thấy học sinh đã quen với cách học mới nên suốt quá trình học không khí lớp học khá sôi nổi. Điểm khác biệt lớn nhất là trước kia để đánh giá được mức độ hiểu bài của học sinh sau mỗi tiết học cô giáo cũng chỉ có thể kiểm tra một vài học sinh, nhưng ở mô hình này, tất cả các em đều được các bạn khác trong nhóm kiểm tra nên không xảy ra tình trạng “giấu dốt”. Các em được chủ động, sáng tạo trong việc học, được hoạt động theo nhóm rất vui vẻ; giáo viên chỉ tổ chức hướng dẫn các em thực hiện các nội dung của bài học. Bên cạnh đó, cả giáo viên, học sinh và phụ huynh đều sử dụng chung một loại sách giáo khoa nên thuận tiện trong việc trao đổi và kiểm tra mức độ hiểu bài của học sinh. Khi áp dụng phương pháp này, để một giờ học thành công thì giáo viên phải luôn nhạy bén trong việc tìm ra các nhóm trưởng có học lực tốt nhất nhóm, chia các nhóm sao cho đồng đều về học lực, quan sát việc học và thường xuyên quan tâm sát sao đến từng học sinh, kiểm tra khả năng tiếp thu kiến thức của các em để kịp thời hỗ trợ, đồng thời luôn chủ động sáng tạo đổi mới phương pháp, tích cực nghiên cứu ứng dụng ngoài thực tiễn, sáng chế thiết bị dạy học.

Từ năm học 2012-2013, ngoài Trường Tiểu học Yên Đồng được Bộ GD và ĐT chọn làm thí điểm mô hình VNEN, Sở GD và ĐT đã chỉ đạo tất cả các trường tiểu học trong tỉnh thực hiện xây dựng mô hình lớp học mới theo hướng xanh, sạch, đẹp, thân thiện và hiện đại để hỗ trợ tích cực việc đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập, phát huy sự sáng tạo của giáo viên và học sinh tạo tiền đề cho việc triển khai đại trà mô hình VNEN sau này. Đến năm học này, cả 29 trường thực hiện thí điểm mô hình VNEN đã có kinh nghiệm tổ chức mô hình lớp học kiểu mới. Trong đó việc trang trí không gian và môi trường học tập đã được chuyển thành những “công cụ” để áp dụng thực tế vào việc dạy và học, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Các em được tự chủ trong việc tự trang trí góc học tập, viết những mơ ước, những điều muốn nói lên những hình trang trí ở cửa lớp, trong phòng học sao cho ngăn nắp và sinh động; tự tay trồng và chăm sóc góc cây xanh, cùng giáo viên làm dụng cụ học tập, xây dựng không gian lớp học với “Góc học tập”, “Góc cộng đồng”, “Thư viện lớp học”, mở nhiều “Hòm thư vui”, hòm thư “Điều em muốn nói”, tạo ra môi trường giáo dục thân thiện, an toàn. Bên cạnh đó, việc đổi mới phương pháp dạy và học đã giúp học sinh được rèn luyện toàn diện, không chỉ được học kiến thức mà còn cả kỹ năng sống, năng lực tự quản bản thân, tự quản tập thể của mình. Cách thức tổ chức lớp học cũng khác hẳn so với cách thức dạy học truyền thống; học sinh được bố trí, tổ chức ngồi học theo nhóm để cùng trao đổi và tự học. Giáo viên lên lớp dạy học theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm, chuyển việc truyền thụ của giáo viên thành việc hướng dẫn học sinh tự học, tự nghiên cứu tìm hiểu kiến thức trong bài và qua tài liệu. Học sinh được hình thành thói quen làm việc trong môi trường tương tác, được học hỏi bạn để tự hoàn thiện, luôn có ý thức được mình phải bắt đầu và kết thúc hành động như thế nào, không chờ đến sự nhắc nhở của giáo viên, tránh sự thụ động trong dạy và học.

Mô hình Trường học mới VNEN chỉ áp dụng cho học sinh từ lớp 2, bởi lúc này các em đã đọc thông, viết thạo để tự đọc, tự học theo tài liệu, sách hướng dẫn. Vì vậy Sở GD và ĐT đã tập trung chỉ đạo các trường tiểu học phải đặc biệt quan tâm đến học sinh lớp 1, dạy học đảm bảo theo chuẩn kiến thức kỹ năng, chú ý đến việc học xong lớp 1 học sinh phải “đọc thông, viết thạo” thì lên lớp 2 mới học theo mô hình trường học mới được. Trong thời gian tới, ngành GD và ĐT sẽ tăng cường kiểm tra, khảo sát chất lượng, tổ chức các hội thảo để học tập, chia sẻ kinh nghiệm giữa các trường, cụm trường, nhân rộng mô hình cho các trường khác để áp dụng linh hoạt phương pháp dạy và học của mô hình, phát huy tính tích cực mà mô hình Trường học mới VNEN đem lại, góp phần trong việc đổi mới dạy và học ở bậc học./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com