Giáo dục về giới, giới tính cho học sinh sinh viên - Vấn đề cần quan tâm

01:07, 14/07/2012

Học sinh, sinh viên (HSSV) là lứa tuổi tâm sinh lý phát triển, có nhu cầu khám phá, tìm hiểu về giới, giới tính. Tuy nhiên, do không có sự định hướng đúng đắn nên các em rất dễ có những nhận thức sai lầm về giới, giới tính. Tình trạng trẻ thành niên, thanh niên quan hệ tình dục sớm, nạo phá thai, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục đang có xu hướng gia tăng không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ sinh sản của các em mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số trong tương lai. Các bậc phụ huynh đều lo ngại về vấn đề này song trong cuộc sống hằng ngày lại chưa có sự chia sẻ, trao đổi thẳng thắn với các em. Không ít người có tâm lý né tránh khi con cái quan tâm tìm hiểu về giới, giới tính. Hiện nay ở các trường, vấn đề liên quan đến giới, giới tính đã được đưa vào chương trình giảng dạy nhưng còn sơ lược.

Tuyên truyền về giới tính cho sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định.
Tuyên truyền về giới tính cho sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định.

Trước thực tế này, để trang bị những kiến thức cơ bản, cần thiết về giới, giới tính, giúp HSSV có nhận thức đầy đủ, từ đó có hành động đúng trong quan hệ tình bạn, tình yêu, ngành Dân số đã thực hiện lồng ghép công tác tuyên truyền, giáo dục về giới trong các chương trình dân số, sức khoẻ sinh sản. Trong lĩnh vực truyền thông, chú trọng truyền thông trực tiếp qua các hình thức: phát tờ rơi, kẻ vẽ pa nô, áp phích, hoặc qua cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số, cán bộ đoàn thể, qua sinh hoạt các CLB…, với các nội dung truyền thông tập trung vào sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tình dục, phòng chống HIV/AIDS, bình đẳng giới, vai trò của nam giới trong chăm sóc sức khoẻ sinh sản và thực hiện bình đẳng giới. Chương trình giáo dục giới tính được đưa vào học đường. Nhiều dự án, chương trình giáo dục giới tính cho thanh niên HSSV tại cộng đồng được thực hiện. Đề án tiền hôn nhân được triển khai ở 37 xã của 10 huyện, thành phố. Đề án quan tâm trực tiếp đến đối tượng trong độ tuổi vị thành niên, thanh niên chưa lập gia đình. Trong 5 năm triển khai, đề án đã tổ chức được 152 buổi sinh hoạt CLB với 2.960 lượt người tham gia; nói chuyện chuyên đề 105 buổi với hơn 4.000 lượt người đến nghe, tư vấn tại cộng đồng 150 buổi cho 2.370 lượt người; hàng trăm tờ rơi được in ấn và cấp phát cho đối tượng với nội dung: hiểu biết đầy đủ về vị thành niên, thanh niên; nam, nữ vị thành niên cần biết, an toàn sức khoẻ sinh sản cho vị thành niên... Nhờ đó tại các xã được thụ hưởng đề án, nhận thức sự hiểu biết của cán bộ, nhân dân nói chung và nhóm đối tượng vị thành niên, thanh niên được nâng cao, giúp cho lớp trẻ có những kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho bản thân và chăm lo bảo vệ hạnh phúc gia đình, chăm sóc con cái sau này. Trong công tác giáo dục về giới, giới tính cho HSSV, ngành Dân số đã phối hợp với các đoàn thể xã hội để tuyên truyền đạt hiệu quả. Tỉnh Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã thành lập đội kịch tuyên truyền về sức khỏe sinh sản vị thành niên với 12 thành viên là HSSV các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thành phố Nam Định. Đội kịch đã tổ chức biểu diễn tuyên truyền tại 2 huyện Mỹ Lộc và Nam Trực. Nội dung các vở kịch tập trung vào các vấn đề về giới, giới tính, sức khoẻ sinh sản vị thành niên, cách phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Tại các buổi biểu diễn, đội kịch còn mời khán giả tham gia tương tác và đóng thử các vai diễn trong tình huống kịch vừa xem, qua đó nâng cao nhận thức của các bạn trẻ về nội dung của vở kịch tuyên truyền. Đội kịch còn hướng đến đối tượng là học sinh THPT, THCS thuộc 2 huyện Mỹ Lộc và Nam Trực, cùng các em giải đáp những thắc mắc về giới tính, dân số, sức khoẻ sinh sản. Cùng với đội kịch, các CLB tiền hôn nhân, lớp học tiền hôn nhân do Đoàn Thanh niên làm nòng cốt nhiều năm qua cũng được xem là kênh giáo dục hiệu quả về giới, giới tính cho HSSV. Tiêu biểu như xã Nam Thái (Nam Trực) với các dự án: “Thanh niên với sức khoẻ sinh sản”, “CLB tiền hôn nhân”, “Đẩy mạnh các dịch vụ thân thiện cho thanh niên Việt Nam” đã tập trung tuyên truyền cho các em những kỹ năng sống, kỹ năng chăm sóc sức khoẻ vị thành niên, phòng chống xâm hại tình dục, tình bạn, tình yêu trong học đường. CLB tiền hôn nhân còn tổ chức giao lưu, sinh hoạt ngoại khoá tại trường THCS và các hoạt động tại cộng đồng về các vấn đề liên quan đến sức khoẻ sinh sản và sức khoẻ tình dục với nội dung phong phú, hình thức đa dạng, thu hút đông đảo thanh thiếu niên tham gia… Được sự hỗ trợ của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh cũng đã thực hiện dự án “Tạo sự gắn kết” do quỹ Ford tài trợ nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng và sự tự tin khi trao đổi về giới, giới tính, tình dục, sức khoẻ sinh sản của các bà mẹ có con tuổi vị thành niên và trẻ em gái tuổi vị thành niên. Trong khuôn khổ dự án đã thành lập được 4 CLB “Mẹ có con tuổi vị thành niên” và “Em gái tuổi vị thành niên” tại xã Nghĩa Hồng và Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) với 40 thành viên là phụ nữ có con tuổi vị thành niên và 42 thành viên là em gái tuổi vị thành niên tham gia. Hằng tháng vào các ngày thứ 7, chủ nhật, các CLB duy trì sinh hoạt với các trò chơi, thảo luận nhóm về những vấn đề cụ thể liên quan đến sức khoẻ tình dục, sử dụng các biện pháp tránh thai, cách phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác giáo dục về giới, giới tính cho HSSV hiện nay vẫn còn có những hạn chế. Các chương trình giáo dục về giới, giới tính mới chủ yếu đề cập đến vấn đề giải phẫu và chức năng sinh lý người, các vấn đề về chăm sóc, bảo vệ, trang bị cho các em kiến thức và kỹ năng về tình dục an toàn còn ít được đề cập thẳng thắn. Các hoạt động truyền thông về giới, giới tính cho HSSV cũng chưa được thường xuyên liên tục, chưa có sự đổi mới về hình thức, nội dung nhằm thu hút sự quan tâm của các em. Để giáo dục hiệu quả hơn nữa về giới, giới tính cho HSSV, công tác truyền thông cần tăng cường cả về dung lượng và thời gian, đa dạng hoá về hình thức, nâng cao chất lượng nội dung tuyên truyền, chú ý những thông tin, chủ đề mới có tính cập nhật, phù hợp với đặc điểm, quá trình nhận thức, nhu cầu phát triển tâm sinh lý lứa tuổi. Trong kế hoạch hành động giai đoạn 2011-2015 của tỉnh ta thực hiện Chiến lược dân số và sức khoẻ sinh sản Việt Nam, ngành Dân số đã đề ra giải pháp cơ bản là tăng cường giáo dục về dân số, sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tình dục, giới và bình đẳng giới trong và ngoài nhà trường. Bên cạnh những kiến thức phù hợp với lứa tuổi ở các cấp học, các hình thức giáo dục kết hợp với giải trí, tham vấn, tự học và sinh hoạt ngoại khoá cần được tăng cường nhằm huy động sự tham gia tự nguyện của vị thành niên và thanh niên. Cùng với nỗ lực của ngành Dân số, cần có sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa nhà trường, gia đình, đoàn thể, các tổ chức xã hội trong các hoạt động giáo dục về giới, giới tính, dân số cho HSSV./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com