Để dạy nghề trở thành phương tiện giảm nghèo

09:10, 08/10/2010

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hệ thống các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho người nghèo, hộ nghèo hiện nay tương đối toàn diện, bao gồm từ hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, chính sách tín dụng ưu đãi và chính sách dạy nghề cho người nghèo. Cụ thể, trong chương trình công tác 5 năm 2006-2010 về giảm nghèo, tỉnh ta có 594225 người nghèo được cấp thẻ BHYT miễn phí với tổng kinh phí đạt 43,9 tỷ đồng. Về giáo dục, đã thực hiện miễn, giảm học phí cho 1919 học sinh, hưởng trên 383 triệu đồng và cấp 23085 giấy chứng nhận cho học sinh, sinh viên hưởng kinh phí hỗ trợ trên 27 triệu đồng. Về tín dụng, đã cho 90611 hộ nghèo vay trên 682 tỷ đồng vốn ưu đãi và hàng trăm tỷ đồng vốn lãi suất thấp cho học sinh, sinh viên diện hộ nghèo học tập. Đặc biệt về nhà ở, trong 5 năm qua, tỉnh ta đã xây mới 276 nhà, sửa chữa 1248 nhà tình nghĩa với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng; triển khai dạy nghề miễn phí cho 2160 người nghèo với kinh phí trên 3,5 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có các chương trình, dự án phi chính phủ, khuyến nông khuyến ngư, dự án từ các tổ chức đoàn thể với kinh phí hàng tỷ đồng hỗ trợ cho người nghèo…

Từ những hỗ trợ trên, tốc độ giảm nghèo của tỉnh ta đã có những chuyển biến rõ rệt. Năm 2006, tỷ lệ hộ nghèo tỉnh ta là 11,08%; đến hết năm 2009 còn 6,72% (giảm 4,36%). Trong 6 tháng đầu năm 2010, số hộ nghèo trong tỉnh giảm còn 6,46%… Tuy nhiên, tốc độ trên chưa đạt mức mong muốn và tốc độ giảm nghèo chưa bền vững; hàng năm số hộ tái nghèo vẫn còn, nhiều hộ nghèo bổ sung. Phân tích nguyên nhân của tình trạng trên cho thấy, cùng với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ ngày càng được nâng lên thì chuyển biến của công tác dạy nghề cho người nghèo còn chậm, chưa tương xứng với nhu cầu của người nghèo cũng như với vai trò của học nghề đối với hiệu quả giảm nghèo. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến trở thành hộ nghèo của tỉnh ta là do thiếu việc làm ổn định. Để thoát nghèo thì người nghèo phải được học nghề, có nghề nghiệp vững vàng. Tuy nhiên ở tỉnh ta số lượng người nghèo hiện nay được học nghề lại rất khiêm tốn. Với 6,72% hộ nghèo năm 2009 tương đương với 35345 hộ, 105249 người, trong đó 55,2 nghìn người nghèo ở độ tuổi lao động nhưng chỉ có 2000 người lao động nghèo được học nghề miễn phí. Năm 2010, theo kế hoạch cũng chỉ có 2270 người được học nghề miễn phí. Tính cả 3 năm (2006, 2007, 2008) cũng chỉ đạt 2160 người, chiếm tỷ lệ rất thấp trong tổng số lao động nghèo cần nghề, cần việc của tỉnh. Như vậy đòi hỏi người nghèo phải tự đầu tư kinh phí học nghề. Với mức đầu tư hiện nay cho dạy nghề người nghèo khoảng 3 triệu đồng/người/khoá học nghề thì rất ít người nghèo có đủ tiền học nghề; thậm chí ở nhiều địa phương, có nhiều người nghèo còn không dám học nghề miễn phí vì trong thời gian học nghề không biết lấy gì để bản thân và gia đình sinh sống.

Cùng với số lượng ít, chất lượng dạy nghề cho người nghèo chưa cao. Ở một vài địa phương có tình trạng dạy cho đủ chỉ tiêu, tập hợp danh sách rồi mở lớp mà không tính toán nghề được dạy có phù hợp, phát triển ổn định hay không. Có ý kiến cho rằng các khoá học với thời gian 3 tháng ở mức độ sơ cấp hiện nay không đảm bảo học viên có tay nghề vững vàng, thực sự trở thành "kế sinh nhai" lâu dài cho người nghèo. Người nghèo cần có phương pháp học nghề phù hợp, tốt nhất là vừa học vừa làm.

Với những thực tế nêu trên, đề nghị ngành Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, điều chỉnh và kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh để dạy nghề cho lao động hộ nghèo thực sự trở thành phương tiện giảm nghèo hiệu quả và bền vững./.

Hoàng Đông



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com