Hội thảo về công tác truyền thông bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy

09:10, 08/10/2010

Đồng chí Trần Văn Chung, Uỷ viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội thảo.
Đồng chí Trần Văn Chung, Uỷ viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội thảo.
Ngày 7-10-2010, tại Sở Tài nguyên - Môi trường, Tổng cục Tài nguyên - Môi trường và Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức hội thảo về tăng cường công tác truyền thông bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy. Đồng chí Trần Văn Chung, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tới dự. Tham gia hội thảo, có lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường, Ban Tuyên giáo, Hội Nông dân, Phụ nữ, Tỉnh Đoàn Thanh niên và UBND một số huyện, thành phố của 5 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình.

Sông Nhuệ, sông Đáy là phân lưu của sông Hồng, với nhiều chỉ lưu quan trọng như: sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Lừ (Hà Nội); sông Tích, sông Hoàng Long, sông Vạc (Ninh Bình); sông Đào, sông Ninh Cơ (Nam Định); sông Châu Giang, sông Sắt (Hà Nam)… Hiện nay, hàng ngày lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy phải tiếp nhận hơn 600 nghìn m3 nước thải sinh hoạt; trong đó 61% của thủ đô Hà Nội, Nam Định 15%, Ninh Bình 11%, Hà Nam 9% và Hòa Bình 4%. Kết quả quan trắc cho thấy: Lượng ô nhiễm chất hữu cơ của nước thải rất cao, khiến nước ở sông Nhuệ và một số đoạn của sông Đáy bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là vào mùa khô. Ngoài ra, hàng năm lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy còn phải tiếp nhận khoảng 63 triệu m3 nước thải công nghiệp… Các ý kiến phát biểu tại hội thảo khẳng định, công tác truyền thông môi trường tại các tỉnh thuộc lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy đã được quan tâm song nội dung, phương thức truyền thông, điều kiện cơ sở vật chất, con người và kinh phí hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu. Điều kiện tiếp cận thông tin về môi trường, tỷ lệ người được tham gia các hoạt động truyền thông như: hội thảo, tập huấn, tham quan, trao đổi kinh nghiệm còn ít. Nhiều địa phương đã tổ chức các hoạt động tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ đang trực tiếp tham gia công tác môi trường, tuy nhiên số lượng lớp tập huấn ít, thời gian tập huấn và nội dung tập huấn còn nghèo nàn. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể ở nhiều nơi chưa thật sự coi trọng và quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên chấp hành luật pháp về bảo vệ môi trường và tự giác tham gia bảo vệ môi trường. Nội dung truyền thông về môi trường chưa phong phú, chưa có chiều sâu, nặng về lên án hành vi ô nhiễm môi trường, không làm rõ nguyên nhân, ít mạnh dạn đưa ra các giải pháp giảm thiểu, xử lý, khắc phục sự cố ô nhiễm… Các ý kiến đều cho rằng: Nội dung truyền thông môi trường trong thời gian tới cần tiếp tục tập trung tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, luật pháp, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề môi trường; giới thiệu, biểu dương được các tập thể, cá nhân điển hình có thành tích trong công tác bảo vệ môi trường, tổ chức được nhiều hoạt động thu hút đông đảo quần chúng tham gia bảo vệ môi trường. Phương thức truyền thông môi trường hiệu quả nhất là tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như: tivi, radio, báo chí, Internet có tính quảng bá sẽ rộng, số lượng đối tượng người xem, nghe, sử dụng đông đảo. Tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức về môi trường, về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về môi trường; tích cực tổ chức các hoạt động mít tinh, ra quân làm vệ sinh môi trường, ký cam kết bảo vệ môi trường, tham quan mô hình là phương thức được nhóm đối tượng cộng đồng, doanh nghiệp và nhóm đoàn thể đồng tình đánh giá cao. Tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu, thi sáng tác kịch bản, thơ ca, bài hát, phim, ảnh, vẽ tranh, thể thao giải trí mang nội dung bảo vệ môi trường, tăng cường thông tin, quảng bá tại các khu đông dân cư, khu vực bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tăng cường các biển quảng cáo, pa-nô có kích cỡ lớn về bảo vệ môi trường tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao…

Tin và ảnh: Khôi Nguyên



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com