Góp phần nâng cao sức khoẻ học đường

09:10, 29/10/2010

Hướng dẫn học sinh sử dụng các loại thuốc thông dụng theo chương trình y tế học đường tại trường THCS Mỹ Hà (Mỹ Lộc).  Ảnh: Xuân Thu
Hướng dẫn học sinh sử dụng các loại thuốc thông dụng theo chương trình y tế học đường tại trường THCS Mỹ Hà (Mỹ Lộc).
Ảnh: Xuân Thu
Năm học 2009-2010, toàn tỉnh có 790 trường với 349418 học sinh từ cấp học mầm non đến THCS trong diện được quản lý, chăm sóc sức khoẻ theo chương trình y tế trường học. Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế và ngành Giáo dục - Đào tạo nên công tác y tế trường học tại tỉnh ta đã đạt hiệu quả ở cả 3 chương trình: Phòng chống bệnh mắt hột, Nha học đường và Vệ sinh học đường. Trong đó chương trình phòng chống bệnh mắt hột học đường được triển khai nền nếp từ nhiều năm đã làm giảm đáng kể tỷ lệ học sinh mắc bệnh mắt hột hoạt tính, tỷ lệ nhiễm mới và tái phát thấp. Riêng trong đầu năm học 2009-2010, đã có 345224 học sinh được khám bệnh mắt hột, đạt tỷ lệ 98,8% tổng số học sinh của tất cả các trường mầm non, tiểu học, THCS toàn tỉnh, phát hiện 4689 học sinh mắc bệnh mắt hột hoạt tính. Đến tháng 3-2010, các huyện, thành phố trong tỉnh đã tiến hành khám, phúc tra đánh giá kết quả điều trị và điều trị dự phòng sau một năm học với số lượng học sinh được khám phúc tra là 76546 em. Kết quả cho thấy tỷ lệ học sinh mắc bệnh mắt hột hoạt tính đã giảm từ 1,48% xuống còn 0,69%, tỷ lệ khỏi do điều trị đạt gần 70%, không có trường hợp tái phát. Chương trình nha học đường, hầu hết các trường đều có phòng nha học đường được trang bị tương đối đủ các y dụng cụ. Duy trì thường xuyên việc xúc miệng bằng dung dịch fluor 0,2% mỗi tuần 1 lần tại các lớp học, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vệ sinh răng miệng cho học sinh, do đó, tỷ lệ học sinh mắc các bệnh về răng miệng như sâu răng, viêm lợi, viêm tuỷ, viêm quanh cuống ở răng sữa đã giảm so với năm học trước. Đặc biệt chương trình vệ sinh học đường trong những năm học gần đây đã được ngành giáo dục quan tâm và có sự cải thiện. Các trường học đều quan tâm đến việc xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp như trồng cây xanh, sửa sang nâng cấp cơ sở vật chất, điều kiện học tập, sinh hoạt cho học sinh; hầu hết các trường có đủ phòng học cho học sinh với các tiêu chuẩn về ánh sáng, kích thước bàn ghế, công trình vệ sinh, bãi tập thể lực, cung cấp nước uống sạch cho học sinh. Các trường có học sinh bán trú đều đảm bảo các điều kiện về VSATTP, không để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm trong học sinh...

Tuy nhiên, công tác y tế trường học vẫn còn một số bất cập, hạn chế cần khắc phục. Ở một số địa phương chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa ngành Y tế và Giáo dục nên việc triển khai các hoạt động còn chậm, hiệu quả chưa cao. Qua kiểm tra tại một số phòng y tế nhà trường cho thấy tài liệu tuyên truyền còn nghèo nàn, không được thay thế, bổ sung kịp thời. Một số trường, sổ theo dõi sức khoẻ học sinh ghi chép không đầy đủ, không đúng với quy định. Cán bộ y tế định biên cho các trường học còn thiếu, công tác đào tạo, tập huấn cho đội ngũ này chưa được quan tâm đúng mức. Ở một số trường, phương tiện chiếu sáng nhân tạo trong các phòng học còn thiếu, không đảm bảo đủ ánh sáng cho học sinh, giáo viên; một số lớp kích thước bàn ghế còn chưa phù hợp với vóc dáng của học sinh. Khắc phục những hạn chế nêu trên, trong những năm học tới, công tác y tế trường học sẽ thực sự phát huy hiệu quả góp phần chăm sóc sức khoẻ toàn diện cho học sinh./.

Phương Mai

[links()]



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com