Khu vực doanh nghiệp phục hồi, khởi sắc

07:09, 05/09/2022

8 tháng đầu năm, tình hình thế giới diễn biến phức tạp khiến tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại; trong nước hoạt động sản xuất, kinh doanh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như áp lực lạm phát, giá nguyên vật liệu đầu vào gia tăng; nền kinh tế tiếp tục chịu nhiều ảnh hưởng từ bên ngoài do có độ mở lớn; dịch bệnh COVID-19 và nhiều loại dịch bệnh khác tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh đã tích cực kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi, phát triển doanh nghiệp, cùng với nỗ lực vượt khó, tinh thần đổi mới, chủ động thích ứng của cộng đồng doanh nghiệp nên khu vực doanh nghiệp có nhiều tín hiệu phục hồi, khởi sắc.

Sản xuất đồ chơi trẻ em xuất khẩu tại Công ty TNHH Quốc tế KAM FUNG Việt Nam (Giao Thủy).  Bài và ảnh: Thanh Thuý
Sản xuất đồ chơi trẻ em xuất khẩu tại Công ty TNHH Quốc tế KAM FUNG Việt Nam (Giao Thủy). 

Các ngành, các địa phương đã quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20-5-2022 của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN ngày 20-5-2022 của Ngân hàng Nhà nước. Tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; thực hiện miễn, giảm lãi vay đối với 4.587 khách hàng với dư nợ là 4.562 tỷ đồng, số tiền lãi miễn giảm là 19,9 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với 2.258 khách hàng với dư nợ là 2.745 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ tăng cường năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa với các nội dung chính gồm hỗ trợ tham gia cụm liên ngành, chuỗi giá trị sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi số và tăng cường đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại, nâng tầm thương hiệu, chất lượng sản phẩm… đã được các ngành, các địa phương đẩy mạnh thực hiện. Đặc biệt chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp nâng tầm thương hiệu, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, chế biến nông sản, thực phẩm thiết yếu tham gia chương trình OCOP, đảm bảo mức giá phù hợp. Thúc đẩy các ngành hàng thế mạnh, chủ lực của tỉnh tận dụng khai thác sâu thị trường nội địa và tiếp cận, mở rộng thị trường xuất khẩu; tích cực tận dụng cơ hội phục hồi sau đại dịch COVID-19 tăng tốc đáp ứng nhu cầu thị trường và phát triển các ngành du lịch, vận tải nội địa.

Về phía các doanh nghiệp đã chủ động nắm thông tin, nhất là sự thay đổi chính sách của các nước nhập khẩu; đã linh hoạt, nhanh nhạy thay đổi phương án sản xuất, kinh doanh theo thích ứng với mọi khó khăn và nhu cầu tiêu dùng của thị trường; đẩy mạnh ứng dụng số hóa, thương mại điện tử trong xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Trong 8 tháng đầu năm, dù phải đối mặt với tình trạng chi phí sợi, vải, logistic tăng cao do giá dầu tăng, sự cạnh tranh cục bộ về nhân công nhưng nhóm các doanh nghiệp ngành Dệt may một mặt nỗ lực tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế với giá cả phù hợp để đảm bảo đủ nguyên, nhiên, vật liệu, đồng thời tăng cường chăm lo đời sống, giữ chân người lao động, nhất là các lao động có tay nghề để ổn định nhân lực đáp ứng các kế hoạch sản xuất. Trước tình trạng nhiều đối tác nước ngoài rút ngắn thời gian thực hiện các đơn hàng từ 6-8 tháng xuống còn 3 tháng và giảm sâu sản lượng đặt các mặt hàng kỹ thuật thấp, các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu của tỉnh đều nỗ lực đảm bảo chất lượng và đảm bảo thời hạn giao hàng đúng, thậm chí vượt tiến độ tại các hợp đồng đã ký kết. Nhờ đó, trong bối cảnh ngành dệt may toàn quốc gặp khó, giảm sút khách hàng, các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu của tỉnh lại gia tăng niềm tin với khách hàng nhờ năng lực sản xuất các mặt hàng khó, giao hàng nhanh và vẫn ổn định được đơn hàng. Nhóm các doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm của tỉnh đã đẩy mạnh thiết lập các chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm an toàn; tăng cường tính liên kết trong tìm kiếm, tiếp cận, xây dựng uy tín, thương hiệu, phát triển bạn hàng và gia tăng thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước. Đến nay, toàn tỉnh có 251 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 212 sản phẩm hạng 3 sao và 39 sản phẩm hạng 4 sao; có 4 sản phẩm nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao; có 2 sản phẩm Nghêu thịt hộp Lenger (của Công ty TNHH Thuỷ sản Lenger Việt Nam, thành phố Nam Định) và Gạo sạch chất lượng cao 888 (của Công ty TNHH Toản Xuân, huyện Ý Yên) là sản phẩm tiềm năng xếp hạng 5 sao. Nhiều sản phẩm được đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp vào thị trường châu Âu, Nhật Bản như: Ngao và các sản phẩm chế biến từ ngao, muối sạch...

Với những nỗ lực kể trên, các doanh nghiệp của tỉnh đã góp phần giúp chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp (IIP) của tỉnh trong 8 tháng đầu năm 2022 tiếp tục khởi sắc với mức tăng 13,93% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,23%. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,03% so với cùng kỳ năm 2021; một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao như: Sản xuất chế biến thực phẩm, tăng 15,82%; sản xuất đồ uống tăng 31,43%; sản xuất trang phục tăng 19,14%; sản xuất kim loại tăng 17,13%; sản xuất thiết bị điện tăng 10,10%. Tính chung 8 tháng, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tăng 1,99% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp hoạt động ở  ngành thương mại, dịch vụ phục hồi nhanh giúp tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn tỉnh trong 8 tháng đầu năm nay đạt 39.233 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2021. Một số doanh nghiệp thuộc các ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 đã có sự phục hồi ấn tượng với mức doanh thu tăng mạnh. Nhóm doanh nghiệp du lịch lữ hành đạt tốc độ phục hồi nhanh với kết quả doanh thu ước đạt 8 tỷ đồng và 15 nghìn lượt khách, tăng 33,0% doanh thu và tăng 56,7% lượt khách so với cùng kỳ năm trước. Nhóm doanh nghiệp kinh doanh vận tải (hành khách và hàng hóa) đều đạt mức tăng trưởng tích cực với mức doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải 8 tháng đầu năm 2022 đạt 4.124 tỷ đồng, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp xuất khẩu toàn tỉnh đạt 1.942 triệu USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Khu vực doanh nghiệp Nhà nước 39 triệu USD, tăng 4,7%; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước 579 triệu USD, tăng 34,9%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 1.324 triệu USD, tăng 8,6%; mặt hàng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh chủ yếu là hàng may mặc, da giày và lâm sản. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 8-2022, toàn tỉnh có: 713 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 6.186 tỷ đồng (cùng kỳ có 584 doanh nghiệp); có 343 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Mặc dù có sự phục hồi tích cực như vậy nhưng khu vực doanh nghiệp của tỉnh vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp, khó lường; một số vướng mắc về chính sách, pháp luật và thực thi các thủ tục hành chính của chính quyền địa phương còn hạn chế… 

Thời gian tới, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định sản xuất, bảo đảm các cung cầu và kiểm soát giá cả các hàng hóa cơ bản, thiết yếu như: xăng dầu, phân bón, điện, than. Đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia phát triển các chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm, nhất là nông sản an toàn, có truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các FTA mà Việt Nam đã ký kết để tăng tốc sản xuất, nhất là các sản phẩm, hàng hóa tỉnh có thế mạnh (nông sản, sản phẩm dệt may, gạo chất lượng cao, sản phẩm thuỷ sản đông lạnh…). Phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối, logistics, tập trung khai thác tốt các thị trường nội địa vẫn còn dư địa làm trụ đỡ trong bối cảnh thị trường nước ngoài đang có xu hướng bị thu hẹp do nhu cầu giảm. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm thời gian, chi phí trong sản xuất, kinh doanh; chú trọng đẩy mạnh số hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh; tiếp tục cải cách, đơn giản hoá các thủ tục, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; hỗ trợ tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước. Đẩy mạnh triển khai chính sách, giải pháp hỗ trợ, đào tạo nâng cao kỹ năng, tay nghề cho người lao động nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ theo ngành như dệt may. Các doanh nghiệp tích cực chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp để ngày càng tiếp cận sâu trên thị trường trong nước và quốc tế; quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giữ chân người lao động; chủ động tìm hiểu, nắm bắt, đón đầu các xu hướng kinh doanh mới để thích ứng với các biến động khách quan./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com