Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn vì nền nông nghiệp bền vững

08:05, 25/05/2022

Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KHKT), công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý để tái chế các chất thải, phế phụ phẩm làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản. Qua đó, không chỉ tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng cao mà còn giảm tối đa lượng chất thải, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tái sử dụng phụ, phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường.

Trang trại tổng hợp của anh Bùi Văn Lương, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) tận dụng phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc.
Trang trại tổng hợp của anh Bùi Văn Lương, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) tận dụng phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc.

Thực hiện Đề án tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, tỉnh ta ngày càng chú trọng hơn đến áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, giảm chi phí sản xuất nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu và chất lượng, nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh của nông sản, tăng thu nhập cho nông dân, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nổi bật là việc chỉ đạo, khuyến khích nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí tuần hoàn bền vững, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế khi giá thức ăn chăn nuôi, phân bón đang ngày càng tăng cao. Đối với lĩnh vực trồng trọt, các phụ phẩm như thân cây ngô, rau màu, rơm, rạ được tận dụng để tái sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, phôi nấm, ủ phân hữu cơ, ủ gốc giữ ẩm… Tại xã Đồng Sơn (Nam Trực), để khắc phục tình trạng đốt rơm, rạ gây ô nhiễm môi trường, những năm gần đây, nhiều hộ nông dân đã hợp đồng với doanh nghiệp thực hiện mô hình thu gom rơm bằng máy cuốn rơm ngay trên ruộng. Sau khi được nén chặt và buộc thành các cuộn to, rơm sẽ được vận chuyển và nhập cho các trang trại trong và ngoài tỉnh để làm thức ăn chăn nuôi, hoặc cung ứng cho các hộ trồng nấm, làm phân bón, che phủ cho cây trồng... Như vậy, vừa không phải đốt, vừa có thêm thu nhập giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trong lĩnh vực chăn nuôi, các công nghệ và kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến được áp dụng nhanh trên đàn gia súc, gia cầm giúp tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi, tăng giá trị sản lượng và chất lượng sản phẩm như: chăn nuôi theo công nghệ chuồng kín, quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, quy trình VietGAHP và các tiến bộ kỹ thuật mới về giống vật nuôi. Đặc biệt quy trình kỹ thuật về sử dụng đệm lót sinh học, phun men vi sinh, công nghệ khí sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường ngày càng được người dân quan tâm hơn. 

Từ năm 2020 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng 4 mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao tại Trung tâm Giống gia súc, gia cầm tỉnh, xã Nam Cường (Nam Trực) và 3 trang trại chăn nuôi ở các xã Yên Thắng (Ý Yên), Giao Hà (Giao Thủy), Xuân Thủy (Xuân Trường). Thực hiện mô hình, các trang trại được hướng dẫn xây dựng hệ thống chuồng khép kín, trang bị quạt thông gió, cấp nước uống tự động, gắn camera giám sát, nền chuồng sử dụng đệm lót sinh học với nguyên liệu chủ yếu là trấu trộn chế phẩm sinh học. Thức ăn cho lợn được phối trộn các chủng vi sinh để đảm bảo “đầu ra” quá trình tiêu hóa của lợn hạn chế yếu tố gây mùi, giảm mùi hôi khi thải ra môi trường. Nền đệm lót sinh học gồm trấu phối trộn với một số chủng vi sinh vật giúp khử mùi chất thải của lợn, đồng thời thúc đẩy nhanh tốc độ hoai mục thành phân hữu cơ không mùi. Sau khi lợn xuất chuồng, toàn bộ nền đệm lót sinh học sẽ được sử dụng làm phân bón hữu cơ cho rau màu, góp phần gia tăng nguồn thu nhập cho người chăn nuôi. Hiện nay, loại hình canh tác mang lại hiệu quả kinh tế cao là mô hình kinh tế tổng hợp tuần hoàn VAC (vườn - ao - chuồng) đã và đang được áp dụng thành công. Cây trồng chuyên canh trong mô hình có thể được sử dụng là bưởi da xanh, mít, ổi trên bờ, nuôi cá dưới ao kết hợp nuôi gà, vịt, lợn để tận dụng phụ phẩm cây trồng, chất thải của vật nuôi làm thức ăn cho cá cũng cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với độc canh như trước đây. Mô hình trồng rau - nuôi cá, tận dụng phế phẩm của rau loại thải để làm thức ăn cho cá được áp dụng rộng rãi. Trong nuôi thủy sản, một số trang trại nuôi tôm ở các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu đã ứng dụng công nghệ Biofloc để nuôi tôm 2-3 giai đoạn. Công nghệ này là phức hợp đa dạng của vi khuẩn, tảo, mùn xác hữu cơ động vật phù du, phân thải của tôm, thức ăn dư thừa… dưới tác động của môi trường nước trong ao trở thành thức ăn giàu độ đạm cho tôm. Tại các ao nuôi theo công nghệ Biofloc, tôm có thể nuôi với mật độ cao, sức đề kháng tốt hơn, tốn ít thức ăn, người nuôi tăng thêm thu nhập ít nhất 15% so với phương pháp thông thường, lại không ô nhiễm nguồn nước.

Có thể thấy, trong điều kiện biến đổi khí hậu thì việc áp dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu, đã và đang được nông dân trong tỉnh quan tâm thực hiện, ngày càng được mở rộng do hiệu quả cao trên tất cả các mặt kinh tế, môi trường và xã hội. Quá trình sản xuất theo chu trình khép kín, hầu hết các chất thải, phế phụ phẩm sẽ được tái chế, quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản; tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm tối đa sự lãng phí, thất thoát và lượng chất thải. Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc phát triển kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp ở tỉnh ta vẫn chưa thực sự đạt mức độ cao, chỉ dừng lại ở mức mô hình. Còn nhiều phụ phẩm cây trồng, vật nuôi chưa được tái sử dụng tại các địa phương dẫn tới tình trạng lãng phí và ô nhiễm môi trường. Để phát huy tiềm năng, lợi thế, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển toàn diện nông nghiệp tuần hoàn, thông qua các giải pháp như: Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thực hiện các chuỗi liên kết trong sản xuất tiêu thụ. Đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thông qua các hoạt động tập huấn, hội thảo, xây dựng và triển khai các dự án, mô hình trình diễn nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học, sử dụng phế phụ phẩm sau thu hoạch. Hoàn thiện và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, quay vòng hoàn trả lại hữu cơ cho đất, không đốt rơm rạ, thúc đẩy sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Nhà nước để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đồng thời đề xuất chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn cho cả nông hộ và doanh nghiệp tham gia tái chế phụ phẩm nông nghiệp…

Không chỉ trong nông nghiệp, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trên tất cả các lĩnh vực nói chung sẽ tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đây là yêu cầu mang tính cấp thiết hiện nay và là một trong những giải pháp nhằm bảo đảm chiến lược phát triển bền vững./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com