Nghĩa Hưng nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất của nông dân

05:07, 09/07/2021

Những năm qua, các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Nghĩa Hưng luôn quan tâm, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế; đồng thời nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, liên kết nông dân cùng nhau sản xuất, kinh doanh.

Đến thăm trang trại của hội viên nông dân Nguyễn Văn Bảy, chi hội 11, xã Nghĩa Hồng, thành viên tổ hợp tác nuôi ếch của xã, ai cũng cảm phục sự cần cù, nỗ lực của ông. Năm 2011, sau khi đi tham quan, tìm hiểu mô hình nuôi ếch Thái Lan tại Hà Nội và tỉnh Hưng Yên và học hỏi, tham khảo các nguồn tài liệu, nắm bắt được kỹ thuật, ông Bảy quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi. Từ hiệu quả ban đầu, năm 2016, ông vay thêm vốn, thuê thêm đất thuộc khu ruộng trũng trồng lúa kém hiệu quả của xã làm trang trại nuôi ếch sinh sản, ốc, cá truyền thống với quy mô 2,9ha. Trong đó, riêng nuôi ếch hiện có 56 bể nuôi với tổng diện tích trên 720m2. Trung bình mỗi năm, gia đình ông Bảy xuất bán khoảng 30 vạn con ếch giống. Cùng là thành viên của Tổ hợp tác nuôi ếch của xã, ông Nguyễn Văn Tụng ở đội 11 đã có kinh nghiệm 7 năm nuôi ếch thương phẩm. Ông Tụng cho biết, loài ếch rất nhạy cảm với môi trường nước bẩn nên trong quá trình nuôi cần xử lý tốt nguồn nước. Thêm vào đó, ếch rất háu ăn và hay cắn nhau nên cần quan sát, kiểm tra thường xuyên, hàng đêm phải soi đèn, phân loại các con cùng kích cỡ nuôi chung vào một bể. Nhờ nắm chắc kỹ thuật nuôi nên ếch giống, ếch thịt thương phẩm của gia đình ông ít bị bệnh tật, đạt năng suất cao. Năm 2020, gia đình ông cung cấp ra thị trường 6 tấn ếch thương phẩm và hàng chục vạn con ếch giống. Bên cạnh Tổ hợp tác nuôi ếch với 11 thành viên, tháng 9-2020, HND xã Nghĩa Hồng còn hỗ trợ hội viên thành lập Tổ hợp tác nuôi trâu với 28 thành viên. Tiêu biểu như ông Trần Văn Thỏa ở đội 4 thường xuyên duy trì đàn 10-12 con, chủ yếu là trâu sinh sản; ông Đinh Văn Thặng ở đội 8 hiện nuôi 11 con, trong đó có 8 con trâu sinh sản, thu lãi mỗi hộ hàng trăm triệu đồng/năm. Hiện tại, đã có 3 hộ nuôi ếch, 10 hộ nuôi trâu của các tổ hợp tác được vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân để phát triển sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Bảy, chi hội 11, xã Nghĩa Hồng kiểm tra sinh trưởng của ếch giống.
Ông Nguyễn Văn Bảy, chi hội 11, xã Nghĩa Hồng kiểm tra sinh trưởng của ếch giống.

Tại thị trấn Rạng Đông, từ tháng 10-2015, HND thị trấn đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ cá bống bớp với 17 thành viên tham gia nhằm liên kết nông dân cùng nhau sản xuất, mang lại khối lượng sản phẩm lớn với chất lượng cao, đồng đều; nâng cao khả năng tiếp cận thị trường tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định. Với gần 7km bờ biển và vùng bãi triều rộng lớn, có nhiều lợi thế trong nuôi trồng thủy, hải sản, đặc biệt thích hợp cho sự sinh trưởng của cá bống bớp, các thành viên Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ cá bống bớp đã liên kết chặt chẽ trong các khâu của quá trình sản xuất, tạo thành chuỗi giá trị hiệu quả. Trung bình mỗi thành viên có thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm. Từ chỗ không chủ động được nguồn con giống, người dân phải tự khai thác, đánh bắt ngoài biển hoặc thu mua lại của những hộ dân ven biển các huyện Giao Thủy, Hải Hậu... về nuôi vỗ thành thương phẩm, đến nay đã có 2 thành viên Tổ hợp tác đầu tư công nghệ hiện đại sản xuất giống cá bống bớp, giúp các hộ nuôi giảm chi phí sản xuất. Trong đó, từ năm 2012 ông Nguyễn Văn Sơn, tổ dân phố số 6 đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng trại sản xuất giống, mời kỹ sư thủy sản từ Hải Phòng về trực tiếp chuyển giao kỹ thuật nhân giống cá bống bớp. Từ 1,5ha nuôi thương phẩm ban đầu, đến nay trang trại của ông được mở rộng lên 10ha với công nghệ nuôi hiện đại; trong đó có 2ha ao nuôi thương phẩm được áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP, 8ha còn lại được chia thành hơn 100 bể ương giống, mỗi bể có thể tích 6m3. Nhằm gia tăng giá trị cá bống bớp, ông liên kết với gần 300 hộ nuôi ở địa phương và các xã lân cận xây dựng chuỗi sản xuất an toàn khép kín theo tiêu chuẩn VietGAP từ khâu sản xuất, cung ứng con giống đến nuôi thương phẩm, thu mua, sơ chế và tiêu thụ cá bống bớp. Trung bình mỗi năm, ông xuất bán 5 tấn cá thương phẩm, cung ứng hơn 10 triệu con giống; tổ chức thu mua 500-600 tấn cá cho bà con, thu lãi 1,5 tỷ đồng. Tham gia chuỗi liên kết của ông Sơn, các hộ nuôi thu lãi bình quân 200-300 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 24 lao động tại trại với thu nhập từ 6-10 triệu đồng/người/tháng…

Từ việc khuyến khích, hỗ trợ hội viên phát triển, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất, đến nay, các cấp HND huyện Nghĩa Hưng đã thành lập được 17 tổ hợp tác với 263 thành viên. Phần lớn các tổ hợp tác đảm nhận cung cấp các dịch vụ sản xuất đầu vào như vật tư, nguyên liệu thức ăn thủy sản và tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên… Bên cạnh đó, các thành viên trong tổ hợp tác còn được chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức sản xuất theo hướng an toàn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường. Đồng thời, tổ hợp tác cũng là cầu nối giữa doanh nghiệp với các hộ chăn nuôi trong sản xuất, đảm bảo quyền lợi cho các thành viên. Nhờ đó, kinh tế của hộ nông dân phát triển, đời sống ngày càng được nâng cao. Mỗi hộ trong Tổ hợp tác chế biến thủy hải sản ở Nghĩa Hải tạo việc làm cho 10-15 lao động, thu nhập bình quân 3,5-4 triệu đồng/người/tháng.

Thời gian tới, các cấp HND huyện Nghĩa Hưng tiếp tục nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất, giúp hội viên chủ động trong quy trình sản xuất cũng như thị trường đầu ra, tạo ra chuỗi cung ứng sản phẩm hàng hóa đa dạng tại các địa phương; góp phần phát triển kinh tế bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân./.

Bài và ảnh: Lam Hồng


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com