Thêm cơ hội mua nhà ở cho người thu nhập thấp

08:06, 25/06/2021

Chương trình phát triển nhà ở xã hội luôn được Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm nhằm tạo điều kiện cho người dân có thu nhập thấp có nhà ở để đảm bảo cuộc sống ổn định lâu dài. Mới đây, Nghị định 49/2021/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành ngày 1-4-2021 để thay thế cho Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội được cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và cả người dân kỳ vọng sẽ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn tạo “cú hích” quan trọng cho phát triển nhà ở xã hội.

Các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh hiện chưa nhiều, không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế của người dân (Trong ảnh: Khu nhà ở công nhân tại KCN Bảo Minh - Vụ Bản).
Các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh hiện chưa nhiều, không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế của người dân (Trong ảnh: Khu nhà ở công nhân tại KCN Bảo Minh - Vụ Bản).

Sau 5 năm ban hành, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP (Nghị định 100) đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần bảo đảm chính sách an sinh xã hội. Tính đến ngày 31-5-2021, thực hiện Nghị định 100, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh tỉnh đã giải ngân giúp 162 hộ thuộc đối tượng thu nhập thấp, chủ yếu tập trung tại thành phố Nam Định và thị trấn trung tâm các huyện được vay vốn để cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới nhà ở, đảm bảo cuộc sống ổn định. Tổng dư nợ của chương trình đạt 60 tỷ 441 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, ngân hàng tiếp tục giải ngân thêm cho 35 hộ vay vốn. Ngoài ra, hệ thống 4 ngân hàng được Nhà nước chỉ định cho vay chương trình nhà ở xã hội gồm Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn chưa thực hiện triển khai cho vay theo Nghị định 100. Theo quy định, nguồn vốn để cho vay mua nhà ở xã hội tại các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước là các ngân hàng phải tự huy động, được ngân sách Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất. Tuy nhiên, đến nay, cơ quan quản lý vẫn chưa bố trí nguồn ngân sách cấp bù chênh lệch lãi suất nên các các ngân hàng được chỉ định chưa thực hiện triển khai cho vay theo Nghị định 100. Vì vậy, Nghị định 49/2021/NĐ-CP (Nghị định 49) có nhiều điểm mới nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các chủ đầu tư tham gia xây dựng, phát triển dự án nhà ở xã hội và người mua nhà.

Một trong những điểm nhấn đáng chú ý trong Nghị định 49 là thời hạn vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng, tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên. Trước đây, Nghị định 100 quy định thời hạn vay tối thiểu là 15 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên. Cùng với đó, Nghị định 49 sửa đổi, bổ sung quy định về mức vốn, lãi suất, thời hạn vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở. Cụ thể, đối với mức vốn vay, quy định trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội thì mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê mua nhà. Trong trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay, tối đa không quá 500 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay. Lãi suất cho vay tại Ngân hàng CSXH do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho từng thời kỳ; lãi suất cho vay tại các tổ chức tín dụng được chỉ định do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định và công bố trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc không vượt quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong cùng thời kỳ… Mới đây, ngày 22-4-2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định số 679/QĐ-NHNN về mức lãi suất cho vay nhà ở xã hội tại các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định. Theo đó, mức lãi suất cho vay nhà ở xã hội tại các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định đối với khách hàng vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo quy định tại điểm a, điểm đ khoản 10 Điều 1 Nghị định 49 là 4,8%/năm. Như vậy, mức vay trên ngang bằng với mức vay nhà ở xã hội tại Ngân hàng CSXH hiện nay là 4,8%/năm. Cùng với đó, Chính phủ cũng đã quyết định bố trí 3.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, trong đó phân bổ 1.000 tỷ đồng tái cấp vốn cho Ngân hàng CSXH. Đặc biệt, dành 2.000 tỷ đồng cấp bù lãi suất, phân bổ cho 4 ngân hàng. Với nguồn vốn này, 4 ngân hàng thương mại trên có thể xây dựng các gói vay hỗ trợ tín dụng ưu đãi hơn cho người mua nhà ở xã hội trong năm 2020 và những năm tiếp theo. Chị Nguyễn Thị Mai, công tác tại UBND phường Lộc Vượng cho biết, tổng thu nhập của vợ chồng chị chỉ từ 12 đến 15 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, theo chị Mai tằn tiện lắm chỉ đủ trang trải việc thuê nhà, sinh hoạt phí cho vợ chồng và một con nhỏ. Khi được biết thông tin cho phép thời gian vay mua nhà ở xã hội tối đa lên đến 25 năm, chị Mai phấn khởi cho biết: “Những người có thu nhập như công chức chúng tôi thì thời gian được vay trong 25 năm để mua nhà là hợp lý. Quãng thời gian đó đủ để cho chúng tôi dành dụm, tiết kiệm, tích lũy để có thể mua hoặc đầu tư xây dựng một căn nhà, ổn định cuộc sống”.

Thời gian tới, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về các điểm mới của Nghị định 49, hướng dẫn người dân chuẩn bị về thủ tục hồ sơ đầy đủ theo các nội dung sửa đổi bổ sung của Nghị định mới về mức cho vay, thời hạn cho vay, điều kiện được vay vốn, giấy xác nhận về đối tượng, điều kiện nhà ở, điều kiện thu nhập. Phối hợp cập nhật danh sách các đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội lên Trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành liên quan nhằm loại trừ việc người được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội được hỗ trợ nhiều lần hoặc đã có nhà ở, đất ở; đã được Nhà nước hỗ trợ về nhà ở, đất ở; có phát sinh nộp thuế thu nhập cá nhân tại địa phương. Phối hợp với các hội, đoàn thể, các cơ quan, ban, ngành, địa phương xác nhận cho từng loại đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội và cơ quan xác nhận về điều kiện nhà ở đảm bảo đúng chức năng, nhiệm vụ. Triển khai tập huấn nghiệp vụ hướng dẫn về vay vốn nhà ở xã hội theo Nghị định 49 cho các cán bộ hội, đoàn thể nhận uỷ thác tại các địa phương. Với những điểm mới về phương thức, cơ chế chính sách, Nghị định 49 hứa hẹn sẽ góp phần thúc đẩy phát triển các dự án nhà ở xã hội, giải quyết căn bản nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng chính sách trong lĩnh vực nhà ở với sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ các tổ chức tín dụng khác bên cạnh Ngân hàng CSXH./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com