Phát triển các vùng nuôi ngao bền vững

08:06, 02/06/2021

Trong hoạt động nuôi trồng thủy sản của tỉnh, con ngao đang là một trong những đối tượng nuôi chủ lực. Được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của các ngành chức năng, chính quyền địa phương và sự nỗ lực của các cơ sở nuôi nên nghề nuôi ngao đã khẳng định được vị thế.

Chế biến ngao xuất khẩu ở Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam.
Chế biến ngao xuất khẩu ở Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam.

Toàn tỉnh hiện có hơn 2.000ha nuôi ngao, trong đó có 2 vùng nuôi ngao lớn tại huyện Giao Thủy với 1.665ha, huyện Nghĩa Hưng có 500ha, hàng năm cung cấp từ 35 đến 40 nghìn tấn ngao thương phẩm và hàng chục tỷ con giống ra thị trường. Các hộ nuôi ngao giống, nuôi ngao thương phẩm có thu nhập trung bình trên 300 triệu đồng/năm. Vùng nuôi ngao của tỉnh được triển khai chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm chặt chẽ từ năm 2004 nên hiện nay vẫn được xếp là 2 trong số 13 vùng nuôi ngao trong cả nước đạt tiêu chuẩn B châu Âu về an toàn sinh học; sản phẩm đủ điều kiện để xuất khẩu vào thị trường EU. Năm 2020, toàn tỉnh có 500ha nuôi tại vùng ngao xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) được cấp chứng nhận nuôi thủy sản bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế  ASC (đây là chứng nhận ASC đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới cho ngao Meretrix lyrata). Chứng nhận ASC được ví như “VISA VIP” để các sản phẩm ngao của tỉnh đi vào nhiều thị trường trên thế giới, nhất là các thị trường châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản và hệ thống siêu thị cao cấp tại Trung Quốc, với giá trị cao hơn 2-3 lần. Khi đạt chứng nhận ASC này sẽ mở ra cơ hội lớn để phát triển các sản phẩm thương hiệu Việt Nam từ ngao, vừa mang lại giá trị kinh tế cao, vừa có thể quảng bá mạnh mẽ cho thương hiệu sản phẩm thủy sản nuôi trồng Việt Nam nói chung và thương hiệu sản phẩm ngao của tỉnh nói riêng.

Để phát huy lợi thế và những kết quả đã đạt được, Sở NN và PTNT đã tiếp tục duy trì chương trình giám sát chặt chẽ, nghiêm túc để đảm bảo trong thời gian tới vùng nuôi ngao 500ha của huyện Nghĩa Hưng giữ vững các tiêu chí được chứng nhận. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức về tầm quan trọng của phát triển nuôi thủy sản bền vững nói chung, nuôi ngao bền vững nói riêng để khuyến khích người dân, doanh nghiệp cùng quan tâm phát triển thêm các vùng nuôi thủy sản bền vững. Duy trì phát triển 2 vùng nuôi ngao giữ vững chuẩn B tiêu chuẩn châu Âu, xây dựng vùng nuôi ngao Giao Thủy theo tiêu chuẩn ASC tiến tới xây dựng và chứng nhận sản phẩm của 2 vùng nuôi ngao theo tiêu chuẩn hữu cơ. Bên cạnh đó Sở NN và PTNT còn tiếp tục hỗ trợ duy trì và phát triển liên kết chuỗi trong nuôi trồng, chế biến, kinh doanh ngao nói riêng, thủy sản nói chung; tập trung nguồn lực hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh chế biến sâu, phát triển thêm các sản phẩm mới từ ngao. Tiếp tục nghiên cứu, cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng các sản phẩm có chất lượng cao, thương hiệu mạnh có sức cạnh tranh trên thị trường; phấn đấu có thêm những sản phẩm OCOP 5 sao phát triển từ sản phẩm ngao ASC Nam Định. Thời gian tới Sở NN và PTNT sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị định 109/2018/NĐ-CP về chứng nhận ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Xây dựng Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn 2030, chương trình và kế hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ... trong đó có các giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu tiêu sản phẩm cho người dân. Từ đó, tạo điều kiện để Công ty TNHH Lenger Việt Nam xây dựng mô hình thí điểm làm sạch ngao đạt loại A theo tiêu chuẩn châu Âu về phương diện sinh học để sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu tươi sống trực tiếp. Hỗ trợ xây dựng vùng sản xuất giống ngao tập trung để sản xuất giống ngao có chất lượng cao phục vụ nuôi trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn, thông qua việc nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo nghề và phát triển kỹ năng nghề để có nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp nông nghiệp. Bên cạnh đó, huy động các nguồn lực để hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất thủy sản và ưu tiên nguồn lực cho việc thực hiện các nội dung cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Đẩy mạnh đăng ký bảo hộ sản phẩm, bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm. Tập trung các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, các rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu và định hướng để các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp có lợi thế trên địa bàn tỉnh.

Với việc triển khai thực hiện đồng bộ những giải pháp, tỉnh ta quyết tâm đưa nghề nuôi ngao phát triển bền vững./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com