Phong trào thi đua phát huy sáng kiến trong các doanh nghiệp

07:04, 22/04/2021

Những năm qua, phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” đã được đông đảo công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) trong tỉnh tích cực hưởng ứng. Tại các doanh nghiệp, phong trào đã khích lệ tinh thần phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tăng cao thu nhập cho người lao động.

Anh Nguyễn Mạnh Toàn (bên phải), Công đoàn Công ty TNHH Padmac Việt Nam, Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản) hướng dẫn công nhân áp dụng sáng kiến vào sản xuất.
Anh Nguyễn Mạnh Toàn (bên phải), Công đoàn Công ty TNHH Padmac Việt Nam, Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản) hướng dẫn công nhân áp dụng sáng kiến vào sản xuất.

Phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã khơi dậy tiềm năng sáng tạo của CNVCLĐ trong tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 153.357 đoàn viên, CNVCLĐ đang lao động sản xuất ở các cơ quan, doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn. Trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề của người lao động ngày càng được nâng lên; trên 70% đoàn viên, người lao động trong các doanh nghiệp đã qua đào tạo. Đây là điều kiện thuận lợi để LĐLĐ tỉnh phát động, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước hàng năm và được CNVCLĐ trong tỉnh tích cực hưởng ứng với nhiều sáng kiến, sáng tạo, giải pháp hay ứng dụng vào thực tiễn đời sống xã hội. Tiêu biểu như sáng kiến cải tiến phương pháp làm định vị mẫu trực tiếp trên dàn máy thêu vi tính của anh Nguyễn Mạnh Toàn, Công đoàn Công ty TNHH Padmac Việt Nam, Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản). Trước đây mỗi khi sản xuất 1 mã hàng kỹ thuật phải làm định vị dưới bàn khung, sau đó mới cho lên máy thêu. Làm theo cách truyền thống này vừa tốn nhân lực, không có năng suất dẫn đến tình trạng ùn hàng không kịp tiến độ, nhiều khi phải gia công bên ngoài. Với sáng kiến làm định vị trên dàn máy, anh Toàn đã không sử dụng phương pháp truyền thống mà thiết kế định vị trên máy, công nhân chỉ việc vừa trông máy vừa dán hàng vào định vị đã có sẵn thay vì phải mất một người vào khung như trước và một người trải hàng trên máy. Với cách làm này, chỉ cần hai người làm trực tiếp trên máy vừa tiết kiệm được nhân công vừa tăng sản lượng gấp 1,5 lần. Việc đưa sáng kiến cải tiến vào sản xuất đã tăng năng suất lao động và giảm được nhân công, làm lợi cho công ty 156 triệu đồng/năm. Hay sáng kiến “Đổi mới trong quản lý hệ thống kiểm soát đơn hàng trong công ty, phục vụ tăng năng suất, hiệu quả lao động” của chị Nguyễn Thị Lệ Thu, Công đoàn Công ty TNHH Thuận Thành (Nam Trực). Trong quá trình sản xuất, công ty đã áp dụng nhiều ứng dụng kỹ thuật nhưng chưa đạt yêu cầu, vì máy móc còn lạc hậu. Qua thực tế công việc, chị Thu đã nghiên cứu cần phải có một hệ thống thông tin kiểm soát việc nhập, xuất nguyên liệu và liên thông để tất cả có thể điều hành và quản lý theo tài khoản riêng và đảm bảo về thời gian. Bên cạnh đó, khi sử dụng trang thiết bị phải đơn giản, chi phí vật tư ít, không cần nhân công vận hành thiết bị. Để thực hiện được điều đó, chị Thu đã tham mưu lãnh đạo công ty, cung cấp các thiết bị sử dụng phần mềm liên quan đến các lượng của đơn hàng, các chủng loại mặt hàng, còn có hệ thống truyền treo đưa và gắp các mặt hàng đến tay công nhân. Ngoài ra, còn có các máy công nghệ hiện đại như máy kiếm vải, máy nhồi lông vũ, máy làm gá tiết kiệm được nhiều chi phí và nhân công phục vụ cho việc sản xuất không bị ngừng trệ và gián đoạn. Thông qua phần mềm và tài khoản được công ty cung cấp, người sử dụng có thể quản lý được đầu vào, đầu ra của hàng hóa và tại mỗi truyền. Kết quả ứng dụng của sáng kiến đã góp phần nâng cao hiệu quả lao động và có tính chuẩn xác hơn so với việc nhập liệu thủ công bằng tay mà sản lượng hàng ngày là không chính xác, hiệu quả lao động không cao. Theo tính toán của công ty, trong quá trình vận hành sáng kiến, số lượng nguyên liệu để nhập thủ công giảm đáng kể và không mất thời gian kiểm kê lại nguyên liệu đầu vào và đầu ra của sản phẩm, tiết kiệm cho công ty 120 triệu đồng/năm. Những sáng kiến kinh nghiệm trên của các công nhân lao động trong các doanh nghiệp đã thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ tích cực tham gia. Để phong trào phát huy hiệu quả, hàng năm, LĐLĐ tỉnh phối hợp với các sở, ngành phát động phong trào thi đua đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Các cơ quan, đơn vị cũng chủ động phối hợp với các tổ chức đoàn thể phát động phong trào thi đua, coi đó là một trong những tiêu chí để bình xét thi đua, khen thưởng. Nhờ vậy, số lượng các đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, kinh doanh được áp dụng vào thực tiễn sản xuất ngày càng tăng. Cụ thể, LĐLĐ tỉnh phối hợp với Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh tổ chức tổng kết hội thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ VII (2018-2019); đã có 35 giải pháp đạt giải, 4 tác giả là đoàn viên công đoàn được LĐLĐ tỉnh khen thưởng. Những đề tài, sáng kiến của các tập thể và cá nhân ở các lĩnh vực không chỉ thể hiện trí tuệ, sáng tạo của người lao động, mà còn thể hiện tinh thần yêu lao động của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng công việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. 

Phong trào thi đua phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật của công nhân lao động trong các doanh nghiệp đã tạo thành phong trào sâu rộng; khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước, năng động sáng tạo, vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn; sản xuất phát triển, kinh doanh có hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com