Thúc đẩy sử dụng dịch vụ công mức độ 3, 4

08:04, 15/04/2020

Một trong những mục tiêu quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính (CCHC), xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) vào giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Sử dụng DVCTT đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội cho cả người sử dụng dịch vụ,  cơ quan cung cấp dịch vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng văn minh hiện đại. Tuy nhiên, việc sử dụng DVCTT nói chung và DVCTT mức độ 3, 4 hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế. Để thực hiện tốt mô hình CQĐT trong giải quyết TTHC, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cập nhật ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, tạo thuận lợi tối ưu cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Cán bộ Trung tâm hành chính huyện Hải Hậu hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.  Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Cán bộ Trung tâm hành chính huyện Hải Hậu hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Cổng cung cấp DVCTT của tỉnh đã đi vào hoạt động chính thức từ ngày 1-7-2018 và hoàn thành việc kết nối với Cổng cung cấp dịch vụ công quốc gia cũng như một số phần mềm quản lý lý lịch tư pháp (Bộ Tư pháp). Cổng niêm yết công khai 1.671 TTHC, cung cấp 963 DVCTT mức độ 3, đạt 57% tổng số dịch vụ (trong đó cấp tỉnh 512 dịch vụ, 97 dịch vụ cấp huyện và 6 dịch vụ cấp xã); 349 DVCTT mức độ 4, đạt 20% (cấp tỉnh 281, cấp huyện 68). Đến nay, 100% các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố và 100% xã, phường, thị trấn với tổng số 580/1.759 TTHC được cung cấp ở mức độ 3, mức độ 4, đạt tỷ lệ 33%. Theo số liệu thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông (TT và TT), đến nay đã có 113.602 hồ sơ TTHC của người dân và doanh nghiệp được tiếp nhận giải quyết trên Cổng cung cấp DVCTT của tỉnh (bình quân hàng tháng đã tiếp nhận giải quyết hơn 6.000 hồ sơ TTHC). Trong đó, hồ sơ TTHC sử dụng DVCTT mức độ 3, mức độ 4 là 5.284, đạt tỷ lệ 0.044%. Như vậy so với kế hoạch lộ trình cung cấp dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 của tỉnh đặt ra đến hết năm 2019, các cơ quan hành chính của tỉnh phải cung cấp tối thiểu 40% dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 20% dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 thì việc thực hiện vẫn chậm. Quý I năm 2020, số TTHC tiếp nhận trên Cổng cung cấp DVCTT là 22.591 hồ sơ, trong đó mức độ 3, mức độ 4 là 1.477 hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ TTHC sử dụng DVCTT mức độ 3, 4 mới đạt 0,061%, trên tổng hồ sơ tiếp nhận. Tại các huyện, tỷ lệ hồ sơ sử dụng DVCTT mức độ 3, 4 phát sinh rất ít, đặc biệt là trong các lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường. Lợi ích từ DVCTT đem lại cho xã hội là rất lớn, tuy nhiên trên thực tế, đa số người dân, tổ chức vẫn lựa chọn cách truyền thống là đến cơ quan chức năng để thực hiện TTHC, điều này dẫn đến lãng phí nhiều nguồn lực xã hội. Theo nhận định của ngành chức năng thì nguyên nhân của tình trạng chậm sử dụng DVCTT mức độ 3, 4 do công tác tuyên truyền về việc cung cấp dịch vụ còn hạn chế; đặc biệt tâm lý của người sử dụng dịch vụ chưa sẵn sàng cho việc giao dịch trực tuyến. Bên cạnh đó khả năng ứng dụng tin học hạn chế, nên nhiều người dân còn e ngại, không yên tâm sử dụng các DVCTT, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến chế độ chính sách, đất đai, tài nguyên môi trường... 

Để phát huy hiệu quả DVCTT mức độ 3, 4 trên địa bàn tỉnh, Ban chỉ đạo xây dựng CQĐT tỉnh yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương, đơn vị tập trung thực hiện tốt Kế hoạch số 18/KH-BCĐ, ngày 4-4-2019 về thực hiện Nghị quyết số 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử. Do đó, bên cạnh tiếp tục đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh cũng như các địa phương; thường xuyên rà soát văn bản quy phạm pháp luật ở từng lĩnh vực để tham mưu, đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ cho phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật hiện hành; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu và trực tiếp hỗ trợ người dân sử dụng các DVCTT. Thực hiện đồng bộ các giải pháp này, tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh cũng như các huyện, thành phố đã đồng loạt đầu tư trang thiết bị, cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn người dân tra cứu thông tin cũng như thực hiện các thao tác sử dụng DVCTT mức độ 3, 4; trong đó, chú trọng đối tượng người sử dụng dịch vụ có kiến thức tin học, dễ tiếp cận thông tin như: cán bộ công chức, chủ doanh nghiệp, học sinh, sinh viên… để tăng số lượng “công dân điện tử”. Tại Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, để gia tăng lượng khách hàng sử dụng DVCTT mức độ 3, 4, Ban Quản lý đã áp dụng nhiều biện pháp như: tích hợp phần mềm DVCTT lên Trang thông tin điện tử, gửi văn bản hướng dẫn sử dụng đến từng doanh nghiệp trong các khu công nghiệp; cử cán bộ công chức trực tiếp hướng dẫn người dân đến giao dịch sử dụng phần mềm DVCTT. Do đó lượng hồ sơ giải quyết TTHC thuộc lĩnh vực Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh thông qua DVCTT tăng nhanh. Năm 2018, khi bắt đầu triển khai lượng hồ sơ sử dụng DVCTT mức độ 3, 4 mới chỉ đạt 83/511 hồ sơ TTHC (18%) thì đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ đã đạt 505/587 hồ sơ TTHC (88,8%). Kết quả này là cơ sở để khẳng định việc kiên trì áp dụng các giải pháp của Ban chỉ đạo xây dựng CQĐT tỉnh, Sở TT và TT đề ra sẽ cải thiện mạnh mẽ tình trạng chậm sử dụng DVCTT mức độ 3, 4 trên phạm vi toàn tỉnh./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com