Phát triển du lịch nông thôn mới

04:01, 09/01/2020

Đối với các địa phương trong tỉnh, việc khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch nông thôn vừa góp phần phát triển kinh tế tạo thêm nguồn lực để tiếp tục xây dựng nông thôn mới bền vững vừa góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử của từng vùng, từng địa phương.

Rước trong Lễ hội Đền Trần (ảnh trên).  Ảnh: Ngọc Quang
Rước trong Lễ hội Đền Trần .
Ảnh:
Ngọc Quang

Với kết quả chương trình xây dựng tỉnh nông thôn mới, du lịch nông thôn ở tỉnh ta có nhiều điều kiện để phát triển như: Hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất tại các địa phương được tập trung đầu tư, cải tạo, nâng cấp đồng bộ theo quy hoạch hướng hiện đại; cảnh quan môi trường các vùng quê được kiến thiết theo tiêu chí “Sáng - xanh - sạch - đẹp” với các mô hình “Nhà sạch, vườn xanh, đường, sông không rác”, tạo khung cảnh nông thôn đẹp mắt, hấp dẫn du khách. Du lịch nông thôn ở tỉnh ta với trọng tâm du lịch cộng đồng lấy giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử của các vùng quê, cảnh quan sinh thái nông nghiệp để khai thác; tạo mối liên kết, bổ trợ cho các dòng sản phẩm du lịch khác. Trong đó, du lịch sinh thái tại các vùng nông thôn đang là lựa chọn của nhiều du khách khi tới Nam Định. Mô hình du lịch sinh thái cộng đồng tại huyện Giao Thủy với điểm nhấn hoạt động tham quan, tìm hiểu mùa chim di cư từ tháng 9 âm lịch năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau tại Vườn quốc gia Xuân Thủy thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước. Các dịch vụ thuê phòng nghỉ, dịch vụ ăn uống, phương tiện tham quan, hướng dẫn viên... tại địa phương đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của các đoàn khách tham quan. Khu vực Ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Thuỷ hiện có 14 phòng nghỉ đảm bảo nhu cầu nghỉ ngơi của khoảng 40 khách/ngày. Hợp tác xã Du lịch sinh thái cộng đồng Giao Xuân có 12 phòng nghỉ dạng homestay có thể phục vụ từ 50-60 khách/ngày. Các hộ tham gia làm du lịch sinh thái cộng đồng đã đầu tư trang thiết bị, điều kiện ăn ngủ cho khách du lịch với mô hình ăn, nghỉ ngay trong nhà dân. Trong đó, gia đình anh Trịnh Văn Hậu, xã Giao Xuân đầu tư xây dựng Khu trung tâm du khách có diện tích 800m2 quy mô phục vụ 120 người. Dịch vụ tham quan bằng đường thủy tại Vườn quốc gia của các đoàn khách bằng 2 phương tiện tàu thép có sức chứa trên 40 khách/tàu. Đảm nhiệm công tác hướng dẫn viên cho du khách là cán bộ của Ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Thủy và một số cá nhân của Hợp tác xã Du lịch sinh thái cộng đồng Giao Xuân. Theo báo cáo của Ban quản lý, số lượng du khách quan sát các loại chim, nghiên cứu hệ sinh thái rừng ngập mặn hàng năm dao động từ 13-15 nghìn lượt khách trong nước và khoảng 1.000 khách quốc tế. Tận dụng tiềm năng du lịch trên địa bàn huyện, Hợp tác xã Du lịch sinh thái cộng đồng Giao Xuân đã khai thác thêm các tour du lịch văn hóa, lễ hội truyền thống, du lịch làng nghề, du lịch biển. Các tour du lịch có thời gian từ 1 đến 3 ngày với những hoạt động: nghỉ dưỡng tắm biển tại Khu du lịch Quất Lâm; ẩm thực thưởng thức hải sản trên các chòi canh của người nuôi ngao giữa biển xã Giao Xuân; du lịch văn hóa với các hoạt động hát chèo, bơi chải, vật, múa rồng, cà kheo trong lễ hội truyền thống đình Kiên Hành, xã Giao Hải; trải nghiệm ở các làng nghề truyền thống như làm mắm thủ công ở xã Giao Châu, nghề làm muối ở xã Bạch Long, đóng tàu biển (tàu gỗ) tại thị trấn Quất Lâm… 

Phát triển du lịch nông thôn kết hợp với du lịch văn hóa tâm linh, du lịch làng nghề cũng là thế mạnh của du lịch tỉnh ta với các chương trình, hoạt động văn hoá đa dạng góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch của tỉnh. Nam Định có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội truyền thống nổi tiếng cả nước, là điểm đến hấp dẫn của khách thập phương, đặc biệt là vào những ngày đầu Xuân mới như: Hội chợ Viềng xuân, Lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản), Lễ hội Khai ấn Đền Trần (thành phố Nam Định), lễ hội truyền thống làng nghề hoa cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực)... Đến với các lễ hội trong tỉnh, du khách vừa đi lễ kết hợp chiêm ngưỡng, tham quan đình, chùa, các công trình kiến trúc thể hiện tài năng, trí tuệ của các nghệ nhân xưa. Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm không gian văn hóa đặc sắc với các di sản văn hóa phi vật thể quý giá như: nghi lễ hầu đồng, lễ Khai ấn Đền Trần, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Cũng tại đây, du khách còn được thưởng thức nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như: múa rối cạn, múa rối nước, hát chèo, hát chầu văn, ca trù và các trò chơi dân gian đặc sắc mang đặc trưng từng vùng, miền như: múa lân - sư - rồng, chọi gà, đua thuyền, đấu vật, cờ người, thổi cơm thi, kéo chữ… Ngoài ra, du khách khi đến với lễ hội tại các làng nghề truyền thống trong dịp Tết đến Xuân sang còn được tận mắt chứng kiến các nghi lễ “hiến xảo” để tấu, trình các vị tổ nghề. Làng nghề sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến (Ý Yên) có lịch sử tồn tại cách đây trên 600 năm, nổi tiếng với tục “rước lửa” vào đêm Giao thừa nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức của Vua Đinh Tiên Hoàng và hai tổ nghề là Ngô Đức Dũng và Ngô Ân Ba. Làng nghề sơn mài Cát Đằng là làng nghề truyền thống duy nhất trên địa bàn tỉnh được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia năm 2017 bởi các yếu tố: lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và giá trị sử dụng. Tại huyện Ý Yên, các làng nghề sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như sơn mài Cát Đằng, chạm khắc gỗ La Xuyên, đúc đồng Tống Xá… trong quá trình đầu tư phát triển sản xuất đã tích cực cải tạo môi trường, cảnh quan để thu hút khách du lịch; không ít các cơ sở trong làng nghề đã bắt đầu sản xuất và bán được sản phẩm lưu niệm cho du khách. Một số doanh nghiệp lữ hành còn kết nối với các nghệ nhân làng nghề tổ chức cho du khách tham gia trải nghiệm một số công đoạn sản xuất để cảm nhận những khó khăn, vất vả của người sản xuất cũng như những giá trị văn hóa kết tinh trong sản phẩm nghề truyền thống. Việc phát triển du lịch đem đến hiệu quả tích cực, tương tác với cả hai ngành kinh tế du lịch và công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt hiệu quả với phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới. 

Du khách tham quan tại Vườn quốc gia Xuân Thủy (Giao Thủy). Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Du khách tham quan tại Vườn quốc gia Xuân Thủy (Giao Thủy). Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo thêm nhiều cơ hội phát huy lợi thế, khai thác thế mạnh phát triển du lịch. Thời gian tới, các địa phương cần rà soát, quy hoạch, định hướng, xây dựng kế hoạch và đầu tư phát triển sản phẩm du lịch nông thôn theo hướng liên kết vùng. Trong đó, cần chú trọng quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp gắn với chính sách xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở khảo sát toàn diện thực trạng phát triển các mô hình du lịch nông thôn hiện có, xây dựng bản đồ du lịch với các tour, tuyến, điểm du lịch. Đồng thời xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch gắn với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP” nhằm tạo ra các sản phẩm đặc thù, độc đáo của các địa phương để hấp dẫn, lôi cuốn du khách đến tham quan, trải nghiệm, đặc biệt hướng đến đối tượng du khách có khả năng “chi tiêu” lớn. Cùng với đó, tập trung khai thác các giá trị đặc thù về cảnh quan, môi trường, văn hóa, lịch sử, lễ hội của các làng nghề truyền thống để tạo thành những sản phẩm du lịch đặc sắc, phát triển du lịch chiều sâu theo hướng trải nghiệm. Chú trọng bảo tồn không gian văn hóa, di tích lịch sử, sinh thái thông qua việc sử dụng các nguyên vật liệu thân thiện với môi trường. Xu hướng phát triển du lịch nông thôn trên nền tảng phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao và khai thác các yếu tố văn hóa truyền thống sẽ là lựa chọn tối ưu. Để phát triển du lịch nông thôn, các địa phương cũng cần có chính sách hỗ trợ các hộ kinh doanh du lịch, người dân địa phương trực tiếp làm du lịch được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Các chính sách đầu tư hạ tầng cũng cần được quan tâm như hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn, hệ thống điện, cấp thoát nước, bãi đỗ xe, trung tâm hướng dẫn, trưng bày cung cấp thông tin du lịch, bảng giới thiệu, bản đồ hướng dẫn, điểm dừng chân… Tăng cường kết nối và phát huy vai trò của các công ty lữ hành trong phát triển du lịch nông thôn. Bên cạnh mục tiêu về tăng trưởng số lượng khách, mục tiêu tăng chi tiêu của khách đối với các sản phẩm nông nghiệp được sản xuất tại chỗ cũng cần được chú trọng, trong đó chi tiêu cho mua sắm các sản phẩm nông nghiệp của địa phương là một trong những thước đo đánh giá hiệu quả của hoạt động du lịch nông thôn./.

Hoàng Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com