Những nông dân"công nghệ cao" ở Hải Hậu

04:01, 09/01/2020

Những ngày cuối cùng của năm, không khí Tết đã tràn khắp muôn nơi, tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện với những nông dân “công nghệ cao” của huyện Hải Hậu. Họ là những người mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm. Qua đó không chỉ phát triển kinh tế gia đình mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới bền vững.

Trang trại nuôi tôm theo “Công nghệ 4.0” của anh Phạm Văn Quang, xóm Tây Sơn, xã Hải Chính.
Trang trại nuôi tôm theo “Công nghệ 4.0” của anh Phạm Văn Quang, xóm Tây Sơn, xã Hải Chính.

Điểm đến đầu tiên là cơ sở trồng rau “công nghệ cao” của anh Lê Tiến Đạt, xóm 7, xã Hải Cường. Tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Đạt có công việc ở một doanh nghiệp bảo hiểm nông nghiệp với mức lương ổn định tại Hà Nội. Vốn trăn trở về sản xuất “nông nghiệp sạch”, Đạt đã tìm hiểu về thị trường rau an toàn. Càng tìm hiểu, Đạt càng thấy đam mê và đưa ra một quyết định táo bạo là “nghỉ việc về quê trồng rau”. Quyết tâm hơn với “dự án” riêng của mình, Đạt đã cất công vào Đà Lạt, Bình Thuận và Thành phố Hồ Chí Minh để tham khảo, học tập các công nghệ trồng rau sạch. Sau hơn 2 năm chuẩn bị, đến tháng 10-2018, Đạt đầu tư 700 triệu đồng thuê 700m2 tại quê nhà để xây dựng mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới. Đến nay, Đạt đã sở hữu cơ sở trồng rau công nghệ cao, bao gồm sản xuất rau công nghệ cao bằng các phương pháp thủy canh và tưới nhỏ giọt theo công nghệ của Israel. Đạt cho biết, một nửa diện tích nhà lưới được anh áp dụng phương pháp thủy canh hồi lưu trồng các loại rau ăn lá, chủ yếu là xà lách và các loại rau cải nhập ngoại chuyên trồng thủy canh. Phương pháp này có ưu điểm vượt trội so với cách làm truyền thống như: không phải làm đất, không có cỏ dại; không phải sử dụng thuốc trừ sâu bệnh, trừ cỏ; sản phẩm sạch đồng nhất; không tích lũy chất độc, gây ô nhiễm môi trường… Diện tích còn lại áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel với công thức “mùa nào, thức nấy”; mùa hè trồng dưa lưới, mùa đông trồng các loại bắp cải, su hào. Với phương pháp này, mỗi gốc cây được thiết kế 1 chiếc béc tưới nước công suất 2 lít/giờ/gốc, sử dụng máy bơm tưới vào gốc cây qua béc tưới với lượng nước chính xác tới từng giọt, đảm bảo yêu cầu sinh trưởng của cây trồng trong từng giai đoạn và tiết kiệm được lượng nước tưới. Tất cả các sản phẩm của cơ sở được trồng trong nhà lưới nên hạn chế được sâu bệnh do côn trùng xâm nhập, đảm bảo mẫu mã sản phẩm đẹp, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Sau khi thu hoạch sản phẩm được sơ chế, đóng gói và chuyển thẳng đến các địa chỉ phân phối tại Hà Nội. Bằng cách trồng gối lứa, ngày nào vườn rau thủy canh của Đạt cũng có rau sạch xuất đi, mỗi tháng cung ứng ra thị trường từ 500-600kg rau sạch với giá bán 35 nghìn đồng/kg.

Rời cơ sở trồng rau sạch của Đạt, tôi đến trang trại nuôi thỏ an toàn sinh học của anh Nguyễn Lương Bằng, xóm 4, xã Hải Trung. Đi tham quan một vòng trang trại, tôi không khỏi bất ngờ bởi trang trại nuôi hàng nghìn con nhưng không khí vẫn sạch, không bốc mùi hôi nồng nặc đặc trưng trong chăn nuôi thỏ. Anh Bằng chia sẻ: “Người làm việc thấy thoải mái thì con vật nuôi mới thoải mái, không bị stress, đảm bảo tăng trọng cũng như chất lượng thịt”. Mặc dù ngành chăn nuôi hiện nay đang gặp nhiều khó khăn song thu nhập từ chăn nuôi của gia đình anh vẫn ổn định. Hiện anh đang nuôi 1.000 con thỏ sinh sản bố mẹ, trung bình mỗi tháng anh xuất bán 2.500 con thỏ với giá 178 nghìn đồng/con, trừ chi phí thu lãi vài trăm triệu đồng/năm. Đạt được hiệu quả như vậy là do anh đã mạnh dạn đầu tư mô hình ứng dụng công nghệ cao, thay đổi từ chuồng hở sang công nghệ chuồng kín với số vốn đầu tư hơn 3 tỷ đồng cho 3 dãy chuồng, mỗi dãy có hơn 500 lồng nuôi. Các dãy chuồng được trang bị hệ thống máy lạnh làm mát không khí cùng với những chiếc quạt công suất lớn. Dưới mỗi dãy lồng nuôi thỏ, anh thiết kế hệ thống máng hứng phân rộng khoảng 1m. Sau mỗi ngày, công nhân của trại sẽ quét dọn đáy lồng, rửa máng ăn, máng uống, xả nước dồn toàn bộ phân thỏ xuống hầm biogas và được xử lý theo quy trình làm phân hữu cơ bón cho cây trồng. Do vậy, trang trại luôn đảm bảo chất lượng môi trường. Ngoài ra, anh Bằng thực hiện phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, bổ sung men vi sinh kích thích tiêu hóa đảm bảo thỏ hấp thu dinh dưỡng trong thức ăn, do vậy đàn thỏ của gia đình anh luôn mạnh khỏe, không bị mắc bệnh. Chứng kiến thành công ở mô hình nuôi thỏ của anh Bằng nhiều hộ đã tham khảo, học hỏi kinh nghiệm và đầu tư nuôi thỏ tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn. Trước sự phát triển của nghề nuôi thỏ, cuối năm 2016, anh Bằng đứng ra vận động các hộ gia đình chăn nuôi thỏ trong vùng thành lập Hợp tác xã chăn nuôi Sơn Nam với gần 20 thành viên tham gia. Sau khi đi vào hoạt động ổn định, anh Bằng đứng ra ký hợp đồng với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nippon Zoki Việt Nam, giúp việc tiêu thụ sản phẩm được ổn định, không bị phụ thuộc thương lái và thị trường tự do, các thành viên trong Hợp tác xã có nguồn thu nhập ổn định, nhiều hộ vươn lên làm giàu, góp phần phát triển kinh tế ở địa phương.

Trang trại nuôi tôm theo “công nghệ 4.0” của anh Phạm Văn Quang, xóm Tây Sơn là một trong những trang trại thủy sản làm ăn hiệu quả nhất của xã Hải Chính. Trang trại có quy mô 0,8ha nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Ngoài trang bị giàn quạt nước, máy sủi ô-xy, anh dành 1 ao thiết kế có mái che giúp nuôi trong mùa đông vì duy trì được nhiệt độ trong ao nuôi. Chế phẩm sinh học được sử dụng để xử lý môi trường ao nuôi, kích thích tăng trưởng nguồn thức ăn tự nhiên của tôm trong môi trường nuôi, vừa giảm chi phí về thức ăn, giảm lượng thức ăn thừa tồn lưu trong ao, làm sạch môi trường, hạn chế dịch bệnh và đảm bảo an toàn cho con tôm. Toàn bộ hệ thống ao nuôi được quản lý từ xa bởi 4 chiếc camera giám sát. Anh Quang cho biết: việc lắp camera có thể quản lý các ao nuôi thông qua chiếc điện thoại thông minh để giám sát an ninh; kịp thời phát hiện những bất thường khi có thay đổi về môi trường, thời tiết; phát hiện kịp thời tôm có dấu hiệu bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời. Nhờ áp dụng công nghệ cao, việc sản xuất ổn định, mỗi năm gia đình anh Quang thu hoạch khoảng 10 tấn tôm, trừ chi phí lãi gần 500 triệu đồng. Hiện huyện Hải Hậu có khá nhiều mô hình kinh tế hộ phát triển nhưng các mô hình áp dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp vẫn còn ít. Ngoài kinh nghiệm sản xuất đòi hỏi sự mạnh dạn, ý chí quyết tâm để nghiên cứu, tìm tòi ứng dụng thì mới thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao. Huyện luôn khuyến khích và hỗ trợ người nông dân phát triển những mô hình này để mở ra hướng làm giàu mới cho nông dân trên chính mảnh đất quê hương.

Một mùa xuân mới lại về, mong rằng các địa phương trong tỉnh ngày càng có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để bức tranh kinh tế của tỉnh ngày càng khởi sắc, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com